Táo bón được gây ra bởi rất nhiều nguyên nhân, từ nguyên nhân táo bón chức năng đến nguyên nhân bệnh lý thực thể (khi đó táo bón chỉ là hậu quả của 1 bệnh lý nào đó của cơ thể). Trong bài viết này, chúng tôi nói về vấn đề táo bón do nguyên nhân chức năng. Vì đây là các nguyên nhân xuất phát từ thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống không hợp lý...gây nên, nếu phát hiện và điều chỉnh sớm thì tình trạng Táo bón được cải thiện rất tốt, nhưng nếu không can thiệp và điều chỉnh kịp thời thì các nguyên nhân cơ năng lại gây ra vấn đề giảm phản xạ đại tiện ở trẻ sau này, rất khó điều trị.
1. Nguyên nhân táo bón chức năng
Nguyên nhân táo bón chức năng có thể bao gồm:
- Trẻ nhịn không chịu đi ngoài là nguyên nhân thường gặp nhất. Khi trẻ càng nhịn thì phân ở trong ruột càng lâu và to khiến cho trẻ càng gặp khó khăn khi đi ngoài hậu quả là trẻ có thể bị táo bón mạn tính.
- Trẻ sơ sinh thường bị táo bón nếu được cho ăn thức ăn đặc một cách đột ngột, đặc biệt là ở những trẻ sơ sinh lần đầu tiên ăn thức ăn đặc. Táo bón cũng có thể xảy ra khi bé cai sữa mẹ. Nguyên do là việc cai sữa đôi khi khiến bé bị mất nguồn cung cấp nước.
- Thành phần protein khác nhau trong sữa công thức có thể là nguyên nhân gây táo bón ở trẻ sơ sinh. Trẻ sơ sinh dùng sữa công thức với lượng nhiều và bị táo bón thường có phân xanh và cứng.
- Táo bón cũng hay gặp ở những trẻ bị thiếu nước và mất nước, khi đó cơ thể sẽ hấp thụ chất lỏng từ bất cứ đâu trong cơ thể từ thức ăn, đồ uống thậm chí là phân điều đó vô tình lại khiến phân trở nên rắn và khô.
- Ngoài ra chế độ ăn thiếu chất xơ cũng gây nên táo bón. Chất xơ từ những loại rau, củ quả góp phần làm tăng thể tích cho phân, làm cho phân mềm hơn.
2. Nhận biết dấu hiệu trẻ bị táo bón
Trong y học, táo bón thường được định nghĩa là dưới 3 lần đi ngoài mỗi tuần. Tuy nhiên, táo bón cũng được xác định ở những người đi nhiều lần trong ngày, nhưng phân nhỏ hoặc cứng. Các nhà nghiên cứu thường sử dụng các tiêu chí của Rome III để xác định táo bón. Người bệnh táo bón phải bao gồm hai hoặc nhiều hơn những dấu hiệu dưới đây:
- Khó đi ngoài trong ít nhất 1/4 số lần đi vệ sinh
- Phân nhỏ, lổn nhổn hoặc cứng trong ít nhất 1/4 số lần đi vệ sinh
- Cảm giác đi tiểu không trọn vẹn trong ít nhất 1/4 số lần đi vệ sinh
- Cảm giác tắc nghẽn hậu môn hậu trong ít nhất 1/4 số lần đi vệ sinh
- Dùng tay hoặc can thiệp y tế trong ít nhất 1/4 số lần đi vệ sinh
- Ít hơn ba lần đi tiêu mỗi tuần
Nếu táo bón kéo dài, tình trạng nặng thêm mà không có biện pháp chữa trị sẽ dễ dàng dẫn đến trĩ hoặc các bệnh lý nguy hiểm khác liên quan đến đường tiêu hóa.
3. Quá trình đi ngoài và giảm phản xạ đại tiện do táo bón
Ở người bình thường, quá trình đi ngoài bắt đầu khi phân được đẩy đến trực tràng bởi nhu động ruột. Khối phân nằm trong bóng trực tràng sẽ kéo Căng cơ mu-trực tràng cũng như thành trực tràng, kích thích, thôi thúc cơ thể để thải phân. Sự thư giãn chủ ý của cơ vòng ngoài hậu môn và cơ mu- trực tràng làm thẳng trực tràng-hậu môn, để cho phân đi qua. Phân được đẩy ra ngoài qua sự kết hợp nhu động liên tục và tăng áp lực ổ bụng qua co cơ thành bụng, cơ hoành, cơ nâng hậu môn kết hợp nín thở (Valsava).
Các hoạt động phản xạ xuất hiện khi khởi động quá trình đi ngoài:
- Co cơ nhu động đẩy phân suốt đại tràng đến trực tràng
- Phản xạ dạ dày - ruột: Hoạt động đại tràng tăng lên sau khi ăn 30-60 phút.
- Phản xạ trực tràng- trực tràng: khi phần trực tràng ở trên của khối phân co và thành ruột ở phía dưới giãn đẩy khối phân tiếp tục đi xuống.
- Phản xạ trực tràng- hậu môn: Xảy ra khi phân làm căng trực tràng và cơ vòng trong hậu môn giãn khởi phát kích thích thải phân có ý thức.
Khi trẻ bị táo bón do các nguyên nhân cơ năng thời gian đầu có thể chưa làm ảnh hưởng đến các phản xạ ở trên. Trẻ khó đi ngoài là do phân khô, cứng, kích thước cục phân to nên sẽ khó khăn khi tống phân ra ngoài, trẻ sẽ đau hậu môn, thâm chí chảy máu do Nứt kẽ hậu môn vì kích thước cục phân to.
Quá trình táo bón cơ năng kéo dài sẽ làm cho đứa trẻ sợ đi ngoài vì đau hậu môn do đó sẽ phát sinh hiện tượng nhịn đi ngoài, trẻ càng nhịn lâu thì phân nằm trong đại tràng lâu sẽ bị tái hấp thu lại nước nên phan càng khô, cứng, cục phân bị nén ép kích thước to ra, đại tràng sẽ thích nghi để chứa đựng phân nên bị giãn ra. Việc giãn trực tràng dần dần sẽ làm cho đứa trẻ thích nghi dần, cảm nhận của thành trực tràng với sự có mặt của khối phân sẽ giảm làm cho đứa trẻ mất dần cảm giác buồn đi ngoài, đó là hiện tượng giảm phản xạ đại tiện.
4. Phương pháp thăm dò chẩn đoán
Để thực hiện thăm dò, đánh giá chẩn đoán nguyên nhân táo bón do giảm phản xạ đại tiện bệnh nhân cần được thực hiện đo áp lực hậu môn-trực tràng và đánh giá phản xạ đại tiện. Bệnh nhân đến khám sẽ được làm sạch phân trong đại tràng bằng thuốc và tiến hành đặt catheter đo thăm dò. Đây là thủ thuật xâm lấn tối thiểu và hầu như không gây ra bất kỳ nguy cơ gì cho người bệnh.
Từ việc đánh giá áp lực hậu môn-trực tràng và đánh giá phản xạ đại tiện, bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân gây táo bón của bệnh nhân và từ đó có phương pháp, kế hoạch điều trị phù hợp.
5. Phương pháp điều trị táo bón do giảm phản xạ đại tiện
Nếu bệnh nhân bị táo bón do giảm phản xạ đại tiện thì phương pháp điều trị hiệu quả nhất hiện nay là kích thích điện hậu môn. Nguyên tắc của phương pháp điều trị này là dùng xung điện biến thiên nhiều tần số kích thích đám rối Thần kinh chi phối phản xạ đại tiện giúp bệnh nhân hồi phục cảm nhận của thành trực tràng và phục hồi các phản xạ tham gia vào quá trình đại tiện và tống phân đã bị giảm hoặc bị rối loạn do quá trình táo bón kéo dài gây ra.
Tùy vào từng trường hợp lâm sàng cụ thể, bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị phối hợp với tập phản hồi sinh học( Bio-feedback) để quá trình đại tiện diễn ra theo cơ chế sinh lý bình thường giúp bệnh nhân đi ngoài được dễ dàng hơn.