1. Bệnh Thông liên thất là gì?
Bệnh Thông liên thất hay còn có tên viết tắt tiếng Anh là VSD, là một dạng bệnh Tim bẩm sinh phổ biến nhất hiện nay.
Trong cơ thể con người, hai tâm thất chính là hai ngăn ở phần dưới của tim và chúng được phân cách nhau bởi vách ngăn. Trong đó phía bên trái của tim sẽ thường bơm máu với áp lực mạnh và chứa nhiều oxy (hơn so với bên phải) ra động mạch chủ để nuôi toàn cơ thể. Thông liên thất là tồn tại 1 hay nhiều lỗ nằm trên vách ngăn giữa hai tâm thất này. Nếu lỗ thông lớn có thể gây suy tim, tổn thương phổi không hồi phục và dẫn đến tử vong.
2. Thông liên thất có triệu chứng như thế nào?
Các triệu chứng của thông liên thất của bé thường xuất hiện sau vài ngày, vài tuần sau khi sinh. Với một trẻ sơ sinh có thông liên thất lỗ nhỏ sẽ không có triệu chứng gì. Trẻ có lỗ thông lớn lâu ngày có thể gây tím môi và móng tay do thiếu oxy, ngón tay chân hình dùi trống do máu đen từ bên thất phải đi qua lỗ thông trộn với máu đỏ bên thất trái (Hội chứng Eisenmenger).
Các triệu chứng thông liên thất lớn ở trẻ cụ thể gồm:
- Da, môi và móng tay luôn trong tình trạng xanh tím do thiếu oxy.
- Ăn uống kém, không tăng cân.
- Bé thở nhanh, thở gấp hoặc khó thở.
- Bé luôn trong tình trạng mệt mỏi, yếu.
- Bé bị khó thở khi ăn hoặc khi khóc.
- Chân, bàn chân hoặc bụng của bé bị sưng phù.
- Tim đập nhanh hoặc nhịp tim không đều.
3. Nguyên nhân và biến chứng của thông liên thất ở trẻ
Thông liên thất ở trẻ thường không có nguyên nhân rõ ràng, có thể do bất thường trong quá trình phát triển tim của bé trong bào thai. Trong quá trình Mang thai mẹ bị nhiễm virus Rubella, bị bệnh tiểu đường, dùng ma túy, rượu, hoặc các chất kích thích khác được coi là nguyên nhân gây ra các loại bệnh dị tật tim bẩm sinh. Các biến chứng thông liên thất ở trẻ gồm:
● Với thông liên thất lỗ nhỏ ít khi có biến chứng, trẻ vẫn sinh hoạt và phát triển bình thường.
- Thông liên thất lỗ lớn có nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Suy dinh dưỡng: Suy dinh dưỡng thường đi kèm với suy tim, nhiễm trùng tái phát, ăn uống kém.
- Viêm phổi: nhiễm trùng phổi tái phát nhiều lần với biểu hiện lâm sàng như sốt, ho, khó thở, thở nhanh, co kéo cơ liên sườn, rút lõm ngực, trẻ chán ăn.
- Suy tim ứ huyết: Do sự gia tăng lưu lượng máu qua tim phải, lên phổi mà tim phải làm việc nhiều hơn bình thường. Lâu ngày tim dãn, ứ máu và không thể bơm máu hiệu quả, không đáp ứng được nhu cầu máu cho các bộ phận trong cơ thể. Các triệu chứng của suy tim do thông liên thất ở trẻ như khó thở hoặc đổ mồ hôi khi bú hoặc gắng sức, thở nhanh, thở co kéo, thở rên ngay cả khi nghỉ ngơi.
- Tăng áp động mạch phổi nặng với hội chứng Eisenmenger
- Các biến chứng khác như loạn nhịp tim, tắc mạch máu Não hoặc áp xe não.
4. Phương pháp điều trị bệnh thông liên thất
Diễn tiến của các thể thông liên thất rất đa dạng. Do đó, việc điều trị sẽ cần phải dựa vào những yếu tố như: huyết động, tuổi, tổn thương giải phẫu, áp lực động mạch phổi, đáp ứng của người bệnh với điều trị nội.
Hiện nay, có 2 phương pháp điều trị thông liên thất chính gồm: phẫu thuật tim hở và can thiệp đóng thông liên thất qua da.
Hiện nay, FDA (cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ) chỉ cho phép thực hiện can thiệp đóng thông liên thất qua da trên những bệnh nhân có lỗ thông nhỏ phần cơ, ở mỏm hay sau biến chứng nhồi máu cơ tim.
Chỉ định đóng lỗ thông bằng phẫu thuật tim hở tùy thuộc vào vị trí, kích thước lỗ thông, bệnh nhân không đáp ứng với điều trị nội khoa, hay có bệnh lý Tim bẩm sinh khác đi kèm.
Các trường hợp sau phẫu thuật, chưa phẫu thuật hoặc không cần phẫu thuật cần phòng các biến chứng về viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.