1. Sinh thiết vú là gì?
Sinh thiết vú là một thủ thuật lấy mô tế bào vú, sau đó gửi đến phòng thí nghiệm và được kiểm tra dưới kính hiển vi nhằm tìm ra ung thư vú. Đây được xem là phương pháp tối ưu nhất giúp đánh giá khối u ở vú hoặc một phần của vú liệu có phải là ung thư hay không.
Thông qua sinh thiết vú, bác sĩ sẽ xác định được khối u ở vú là u ác tính (ung thư) hay lành tính (không bị ung thư).
2. Các phương pháp sinh thiết vú
Có nhiều cách khác nhau để lấy mẫu mô tế bào vú, bao gồm:
2.1 Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA)
Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA): Sử dụng một cây kim nhỏ chọc vào khối u và lấy ra một mẫu tế bào vú hoặc một ít chất dịch để kiểm tra xem khối u đó là U nang chứa chất lỏng hay khối u dạng rắn.
2.2 Sinh thiết lõi kim (CNB)
Sinh thiết lõi kim (CNB) thủ thuật được thực hiện bằng cách dùng một cây kim có lõi rỗng để lấy những mẫu mô xét nghiệm, mỗi một mẫu sẽ có kích thước bằng hạt gạo.
2.3 Sinh thiết nhờ chân không
Sinh thiết nhờ chân không được thực hiện bằng việc sử dụng một đầu dò có máy hút nhẹ để lấy ra một mẫu tế bào ở mô vú. Phương pháp này sẽ để lại một vết Sẹo nhỏ.
2.4 Sinh thiết qua mổ hở
Sinh thiết qua mổ hở là phương pháp loại bỏ một phần hoặc toàn bộ khối u thông qua một đường rạch nhỏ trên da. Các mô sau đó sẽ được nghiên cứu dưới kính hiển vi. Đây là bước đầu tiên để xét nghiệm khối u trong trường hợp phương pháp sinh thiết bằng kim không cung cấp đủ lượng thông tin để chẩn đoán.
2.5 Sinh thiết kim lấy lõi theo chỉ dẫn của ảnh chụp MRI
Bệnh nhân sẽ được đặt trong tư thế nằm sấp và để ngực vào trong một chỗ lõm trên bàn. Máy chụp MRI sẽ cung cấp các hình ảnh cho bác sĩ để xác định được khối u. Bác sĩ sẽ thực hiện một vết mổ nhỏ và lấy mẫu xét nghiệm bằng một cây kim lấy lõi.
2.6 Sinh thiết lập thể
Loại sinh thiết này sử dụng hình ảnh chụp quang tuyến vú để xác định vị trí của các khu vực đáng ngờ trong vú. Những hình ảnh này giúp hướng dẫn chuyên gia trích xuất một mẫu nhỏ của mô, sau đó đưa đi thử nghiệm để tìm kiếm các tế bào ung thư trong phòng thí nghiệm.
3. Các trường hợp được chỉ định sinh thiết vú
Sinh thiết vú thường được khuyến cáo cho những trường hợp phát triển các triệu chứng của ung thư vú hoặc phát hiện những bất thường trong các xét nghiệm sàng lọc; chẩn đoán hình ảnh ví dụ như siêu âm vú, chụp quang tuyến vú, MRI vú.
3.1 Các trường hợp phát triển triệu chứng ung thư vú:
- Một khối u vú
- Lúm đồng tiền trên ngực
- Mô vú dày
- Thay đổi núm vú
- Núm vú tiết ra chất dịch
- Phát ban hoặc có vết loét trên vú
- Mở rộng tĩnh mạch trên vú
- Vú bị thay đổi kích thước, hình dạng và trọng lượng
- Xuất hiện Hạch to ở nách
3.2 Các phát hiện bất thường trên các xét nghiệm hình ảnh
- Xuất hiện các nốt vôi hóa nhỏ trên chụp quang tuyến vú
- Thấy xuất hiện một cục rắn trên siêu âm vú
- Một khối có viền không đều trên MRI vú
4. Các rủi ro liên quan đến sinh thiết vú
Thủ thuật sinh thiết vú là tương đối đơn giản, tuy nhiên nó không an toàn tuyệt đối mà tiềm ẩn một vài rủi ro nhất định cho bệnh nhân. Một số nguy cơ có thể xảy ra, bao gồm:
- Thay đổi hình dạng vú, điều này sẽ phụ thuộc vào kích thước phần mô bị loại bỏ
- Bầm tím và sưng vú
- Nhiễm trùng hoặc chảy máu tại vị trí sinh thiết
- Chỗ tiêm bị nhức
- Có thể phải thực hiện phẫu thuật bổ sung hoặc các điều trị khác, tùy thuộc vào kết quả sinh thiết
Nếu có những biểu hiện bất thường, kèm theo những triệu chứng như: Sốt, vị trí lấy sinh thiết chuyển màu đỏ, hoặc chỗ lấy sinh thiết tiết dịch... Bạn cần phải thông báo ngay cho bác sĩ nếu bạn gặp phải các vấn đề trên.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho người bệnh cũng như chất lượng dịch vụ chữa bệnh đạt hiệu quả cao việc lựa chọn địa chỉ chữa bệnh là đóng vai trò rất quan trọng.
5. Quy trình thực hiện sinh thiết vú
5.1.Chuẩn bị trước khi sinh thiết vú
- Trước khi thực hiện sinh thiết vú, bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về tiền sử bệnh lý và thực hiện khám lâm sàng.
- Bạn sẽ phải ký vào giấy chấp nhận thực hiện sinh thiết vú. Bạn nên đọc cẩn thận và hỏi bất cứ câu hỏi gì nếu không hiểu.
- Trong trường hợp phải gây mê toàn thân, bạn không nên ăn hay uống bất cứ thứ gì trong vòng từ 8-12 giờ trước khi thực hiện sinh thiết vú.
- Không sử dụng kem dưỡng da, kem, bột, chất khử mùi hoặc nước hoa trên cánh tay, nách hoặc vú của bạn vào ngày làm thủ thuật
- Nói với bác sĩ nếu bạn đang Mang thai hoặc nghi ngờ có thai
- Báo với bác sĩ nếu bạn bị Dị ứng hoặc nhạy cảm với bất kỳ loại thuốc, latex, băng và thuốc gây mê.
- Nếu bạn đang sử dụng bất cứ loại thuốc nào, bao gồm thuốc không kê đơn và thuốc theo toa, các loại thuốc chống đông máu như aspirin, ibuprofen, các loại vitamin, thảo dược và các chất bổ sung khác; hãy hỏi bác sĩ liệu bạn có phải ngừng thuốc trước khi thực hiện sinh thiết hay không.
5.2 Trong khi thực hiện sinh thiết vú
Sinh thiết vú có thể được thực hiện ở bệnh viện hoặc ngay tại phòng khám của bác sĩ. Một số loại sinh thiết chỉ cần Gây tê cục bộ, một số loại khác có thể cần đến gây mê toàn thân.
Sinh thiết vú sẽ được thực hiện theo quy trình sau đây:
- Bạn sẽ được yêu cầu cởi bỏ phần quần áo từ thắt lưng trở lên và được mặc áo choàng hở phần mặt trước.
- Sau đó, bạn sẽ được đặt nằm trên giường, bác sĩ sẽ thực hiện thao tác làm sạch, sát trùng vùng vú và tiêm thuốc tê cho bạn.
- Bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ trên vú, tại khu vực cần thực hiện sinh thiết. Sau đó, sử dụng máy siêu âm để hướng dẫn đưa kim sinh thiết đến vị trí cần lấy mẫu mô. Mẫu mô và các tế bào sau khi được lấy ra sẽ gửi tới phòng xét nghiệm để tìm kiếm ung thư.
- Sau khi lấy xong mẫu mô, bác sĩ sẽ rút kim ra và ép băng tại vị trí sinh thiết để cầm máu. Vết sinh thiết có thể không cần phải khâu lại.
5.3 Sau khi thực hiện sinh thiết vú
Ngoại trừ sinh thiết phẫu thuật, các loại sinh thiết khác không yêu cầu bệnh nhân phải ở lại bệnh viện để theo dõi. Sau khi thực hiện sinh thiết xong, bạn có thể trở về nhà và đợi kết quả xét nghiệm. Kết quả thường có chỉ sau vài ngày phân tích.
Bạn cần chăm sóc cẩn thận vị trí sinh thiết bằng cách làm sạch và thay băng thường xuyên để tránh bị nhiễm trùng. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể cách chăm sóc vết thương cho bạn. Bên cạnh đó, bạn cũng tránh hoạt động quá sức, gây áp lực lên vết thương. Điều này khiến vết thương lâu lành và có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng khác.
Bạn cũng có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau không chứa aspirin, ví dụ như paracetamol và chườm miếng dán lạnh để giảm sưng. Nếu xuất hiện các triệu chứng như Sốt trên 37°C, bị nóng, mẩn đỏ hoặc tiết dịch tại vị trí sinh thiết thì bạn cần báo ngay với bác sĩ vì đây là các dấu hiệu của sự nhiễm trùng.