1. Ung thư tiền liệt tuyến là gì?
Tuyến tiền liệt là một cơ quan của nam giới, vị trí nằm ngay phía dưới cổ bàng quang, nơi bắt đầu của niệu đạo. Tiền liệt tuyến nặng khoảng 20g và góp phần trong việc sản sinh ra tinh dịch. Ở người cao tuổi, nếu tuyến tiền liệt phát triển lớn sẽ gây triệu chứng bế tắc đường tiểu mà ta gọi là phì đại tiền liệt tuyến, hoặc đôi khi dẫn đến ung thư.
Ung thư tuyến tiền liệt hay còn gọi là ung thư tiền liệt tuyến (UTTLT) ngày nay là một trong những bệnh ung thư hay gặp nhất ở nam giới. Tại Mỹ, từ những năm 1975 tỉ lệ mắc của UTTLT rơi vào khoảng 90/100.000 nam giới và tỉ lệ tử vong do loại ung thư này vào khoảng 35/100.000 nam giới mỗi năm. Cùng với sự sử dụng rộng rãi kháng nguyên đặc hiệu tiền liệt tuyến PSA và siêu âm trong tầm soát và chẩn đoán, thống kê về tỉ lệ mắc và tử vong tại Mỹ đã có dấu hiệu tăng vọt, đạt đỉnh vào năm 1992 với lần lượt 2 tỉ lệ này là 250/100.000 và gần 50/100.000 nam giới mỗi năm, gây ra nỗi sợ hãi cho người dân. Tuy nhiên, với sự quan tâm đúng mực và sự tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị UTTLT, tỉ lệ mắc và tỉ lệ tử vong tại Mỹ nói riêng và toàn thế giới nói chung đã có những chuyển biến tích cực.
Dù vậy UTTLT vẫn là một gánh nặng bệnh tật trên thế giới. Theo Globocan (một dự án của cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế - trực thuộc Tổ chức Y Tế Thế Giới), năm 2018 có khoảng 350.000 nam giới chết mỗi năm vì UTTLT và khoảng 1,1 triệu ca mắc mới, xếp thứ 5 về tỉ lệ tử vong và xếp thứ 2 về tỉ lệ mắc mới. Tuy nhiên, tại Việt Nam dường như UTTLT vẫn chưa được quan tâm đúng mực. Cũng theo ghi nhận của Globocan, tại Việt Nam năm 2018 chỉ phát hiện 3959 ca mắc mới, nhưng có tới 1873 ca tử vong do UTTLT. Điều này có thể được giải thích là do việc tầm soát Ung thư tuyến tiền liệt tại Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức, do đó các ca mắc mới đa phần ở giai đoạn muộn nên tỉ lệ tử vong còn cao. Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh việc triển khai các chương trình khám sàng lọc ở những đối tượng nguy cơ cao, bản thân người dân cũng cần có ý thức hơn trong việc chủ động đến các cơ sở y tế để khám tầm soát định kỳ.
2. Thuốc trị ung thư vú và buồng trứng trong ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn muộn
Giáo sư Nick James, một chuyên gia nghiên cứu về tiền liệt tuyến, thuộc chương trình nghiên cứu cho ung thư của Vương quốc Anh, cho rằng đây là một trong những phát hiện quan trọng. Ông cho rằng, công trình này đã đưa ra phương pháp lựa chọn bệnh nhân nam dựa trên phân tích đột biến trên gen BRCA hoặc đột biến gây ảnh hưởng tới khả năng sửa chữa DNA.
2.1 Nhắm vào điều trị bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến
Olaparib là một loại chất ức chế PARP hoạt động bằng cách nhắm đặc hiệu vào các tế bào ung thư mang đột biến trên gen BRCA hoặc các gen sửa chữa DNA. Chất ức chế PARP nhắm mục tiêu BRCA và các đột biến khác được biết đến như là một phương pháp điều trị phổ biến cho các bệnh nhân ung thư vú và ung thư buồng trứng. Tuy nhiên các đột biến trên gen BRCA cũng làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới và có thể ảnh hưởng tăng nặng sự tiến triển của ung thư.
Các bệnh nhân được chọn là những người đã ngừng đáp ứng hoặc không đáp ứng với liệu pháp hormone và ung thư đã di căn sang các bộ phận khác của cơ thể. Các bệnh nhân được lựa chọn ngẫu nhiên trong can thiệp sử dụng olaparib hoặc liệu pháp nội tiết tố sử dụng Abiraterone hoặc enzalutamide. Những người đàn ông điều trị nội tiết tố thuộc nhóm chứng được lựa chọn cho nghiên cứu phụ thuộc vào phác đồ điều trị trước đó. Ví dụ, nếu trước khi tham gia nghiên cứu, họ đã sử dụng Abiraterone thì trong nghiên cứu họ sẽ được bố trí dùng enzalutamide và ngược lại.
Loại trị liệu chéo này không được khuyến cáo bởi Bộ Y tế Anh (NHS) vì nó không có hiệu quả khi ung thư tuyến tiền liệt đã ở giai đoạn muộn.
2.2 Tác dụng chậm tiến triển ung thư
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng việc sử dụng Olaparib để điều trị cho các bệnh nhân nam bị ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn muộn với các đột biến trên 12 gene bao gồm BRCA1, BRCA2 và các gen sửa chữa DNA mang lại hiệu quả rõ rệt. Kích thuốc khối u không tăng về kích thước trong trung bình 7,4 tháng, so với 3,6 tháng ở những người dùng enzalutamide hoặc abiraterone.
Tỉ lệ sống thêm ở những người đàn ông có đột biến gen BRCA1, BRCA2 hoặc ATM đạt trung bình 19 tháng sau khi điều trị bằng olaparib, so với 15 tháng đối với những người dùng abiraterone hoặc enzalutamide. Trên thực tế, đã có hơn 80% bệnh nhân nam bị ung thư tiền liệt tuyến đã lựa chọn sử dụng Olaparib thay vì sử dụng liệu pháp nội tiết tố khi ung thư của họ tiến triển và lan rộng.
Ở nhóm chứng sử dụng nội tiết tố, rất nhiều bệnh đã lựa chọn sử dụng thuốc Olaparib (chất ức chế PARP) khi thử nghiệm đã được tiến hành. Tuy nhiên, tỷ lệ sống thêm ở những bệnh nhân này cũng được ghi nhận là cao hơn ở nhóm chỉ sử dụng liệu pháp nội tiết tố. Điều này chỉ ra Olaparib có hiệu quả trên các bệnh nhân mang các đột biến BRCA và các gen sửa chữa DNA. Tuy nhiên, cần thực hiện theo dõi lâu hơn để xác định những lợi ích của liệu pháp mang lại.
2.3 Tiến về phía trước
Các nhà nghiên cứu hy vọng phát hiện này sẽ sớm được cơ quan Y tế của Anh chấp thuận như là một liệu pháp điều trị cho bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn muộn mang các đột biến trên gen sửa chữa DNA.
Giáo sư Johann de Bono, người đồng dẫn đầu nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Ung thư cho biết: "Thật thú vị khi thấy một loại thuốc đã kéo dài cuộc sống của nhiều phụ nữ bị Ung thư buồng trứng và ung thư vú, hiện cũng cho thấy những lợi ích rõ ràng đối với các bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt. Tôi hy vọng loại thuốc này sẽ sớm vượt qua các thử nghiệm lâm sàng và được cấp phép sử dụng cho những bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến”.
“Điều tiếp theo cần làm là chúng tôi sẽ đánh giá những phương án có thể kết hợp Olaparib với các phương pháp điều trị khác, giúp tìm ra liệu pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt mang các đột biến trên gen sửa chữa DNA”.
Bệnh ung thư tuyến tiền liệt là một căn bệnh nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc phát hiện ra bệnh từ sớm có ảnh hưởng lớn đến kết quả điều trị. Khi nghi ngờ cơ thể xuất hiện những triệu chứng khởi phát của bệnh, bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để được khám và chẩn đoán.