1. Tiêm Corticoid là gì?
Thuốc Corticoid được gọi đầy đủ là glucocorticoid. Trong cơ thể chúng ta có 2 corticoid tự nhiên được tiết ra từ vỏ thượng thận (là tuyến úp trên 2 quả thận), gồm cortison và hydrocortison. Corticoid có tác dụng chống viêm, chống dị ứng, ức chế hệ miễn dịch.
Dùng thuốc Corticoid tiêm vào trong khớp (như khớp gối) hay khoang mô mềm (như vị trí giữa cơ và xương) là thủ thuật hay dùng để chẩn đoán và điều trị một số bệnh xương khớp.
Nhiều nghiên cứu về việc tiêm corticoid vào khớp gối chứng minh rằng chúng giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng đau, viêm. Hiệu quả thay đổi tuỳ theo liều dùng.
Khi có tràn dịch khớp sẽ có Tình trạng viêm bao hoạt dịch. Việc tiêm kèm với việc chọc rửa khớp thường đem lại hiệu quả cao hơn. Vì vậy có khuyến cáo nếu Tràn dịch khớp gối vẫn tồn tại sau 2 lần tiêm (cách nhau 8-10 ngày) thì nên chọc rửa khớp kèm với tiêm corticoid.
Những corticoid thường dùng tiêm vào khớp là hydrocortison, prednisolon, methylprednisolon, triamcinolon... có tác dụng trên chuyển hoá glucid, protid, lipid, muối và nước.
2. Tiêm corticoid vào khớp có hại gì?
- Khi uống corticoid sẽ có tác động nhất định lên khả năng hấp thu của cơ thể đối với các chất đường, chất đạm, chất béo, sự cân bằng nước và muối khoáng, hệ tim mạch, thần kinh, cơ xương cùng nhiều cơ quan khác. Trong một số trường hợp, cơ thể có vẻ như mập ra và tăng cân khi uống corticoid liên tục, kéo dài.
- Corticoid chỉ làm giảm bớt phản ứng viêm, giảm đau. Tiêm corticoid nếu được sử dụng đúng cách có thể giúp Tình trạng viêm thuyên giảm được lâu từ hàng tháng đến hàng năm.
- Tiêm corticoid còn có thể trị dứt điểm nếu mô viêm chỉ khu trú ở một vùng nhỏ như viêm bao khớp hay Viêm gân cơ chẳng hạn.
- Tiêm corticoid được dùng để điều trị tình trạng viêm khu trú ở những vùng mô nhỏ của cơ thể (tiêm tại chỗ) hoặc các phản ứng viêm lan tỏa toàn thân (điều trị toàn thân).
- Tiêm corticoid toàn thân được chỉ định ở những bệnh lý ảnh hưởng đến nhiều cơ quan bộ phận như phản ứng mẫn cảm, Hen suyễn và Viêm khớp dạng thấp.
3. Những yêu cầu khi tiêm Corticoid vào khớp
Để hạn chế tối đa những biến chứng của tiêm Corticoid vào khớp, bác sĩ, bệnh nhân và gia đình cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Người thực hiện thủ thuật này phải có trình độ chuyên môn hiểu rõ cấu tạo khớp, bao hoạt dịch để có thể đưa thuốc vào đúng chỗ và phải bảo đảm vô khuẩn tuyệt đối.
- Việc thực hiện thủ thuật tiêm Corticoid vào khớp cần được cân nhắc về liều lượng và tiền sử bệnh tật. Nếu dùng liều cao, nhắc đi nhắc lại nhiều lần kéo dài, thuốc sẽ gây ra tác dụng phụ toàn thân: giữ muối và nước, xáo trộn cân bằng điện giải, làm giảm khả năng miễn dịch, tạo cơ hội cho nhiễm khuẩn, siêu vi nấm. Nếu không chú ý đến tiền sử bệnh tật của người bệnh sẽ làm tăng huyết áp, suy tim co thắt (đối với người có nguy cơ tim mạch), làm giảm dung nạp Glucose (với người bệnh đái tháo đường).
- Khi thực hiện thủ thuật này phải xem xét người bệnh có tiền sử dễ bị dị ứng hay không và đặc biệt là có Dị ứng với bản thân thuốc này hay không (trong các lần dùng trước bằng đường dùng khác).
Mỗi thuốc có các chống chỉ định riêng, nhưng nói chung việc tiêm corticoid vào khớp thường không được dùng cho người đang bị các bệnh do nhiễm vi khuẩn, siêu vi, nấm, bệnh gút, vẩy nến, người bị bệnh tiểu đường phụ thuộc insulin, người có các nguy cơ bị bệnh tim mạch, người có thai, đang cho con bú.
4. Một số sai lầm khi tiêm Corticoid vào khớp
- Tiêm Corticoid vào khớp kể cả trường hợp nhẹ là không cần thiết và nghiêm trọng hơn là chỉ định cho cả trường hợp bệnh nhân Viêm khớp nhiễm khuẩn.
- Một số người còn dùng một hoặc nhiều thứ thuốc khác như vitamin B12, kháng sinh, các kháng viêm không steroid hoặc trộn lẫn chúng với dịch treo corticoid tiêm vào khớp. Ngoài việc dùng thuốc không đúng chỉ định, hành động trộn lẫn thuốc với nhau hoặc trộn với dịch treo corticoid sẽ làm phá hỏng dạng bào chế. Điều này sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như: phản ứng viêm mạnh ở màng hoạt dịch, làm tổn hại đến các tổ chức hoạt dịch, sụn khớp, nguy cơ dẫn đến dính khớp hay thậm chí mất chức năng hoạt động khớp.
- Do không nắm được vị trí giải phẫu, thiếu thành thạo khi thao tác nên không tiêm đúng vào vị trí, thuốc không đi tới nơi cần, hiệu quả sẽ kém. Nếu tiêm chệch vào cơ, xương, mạch máu, dây Thần kinh quanh khớp sẽ gây ra hậu quả rất xấu như teo cơ, xốp xương, làm mất chức năng vận động khớp.
- Tại nhà hoặc tại một số tuyến y tế cơ sở thường chưa có phòng tiêm và trang bị đảm bảo vô khuẩn toàn thân, dẫn đến hủy hoại xương khớp, dính khớp, nhiễm trùng huyết rất nghiêm trọng có thể làm tàn phế hay tử vong nếu không phát hiện sớm và xử lý bằng kháng sinh đặc hiệu, liều cao.