1. Béo phì ở trẻ em là gì?
Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO
- Thừa cân là tình trạng năng lượng cơ thể vượt quá năng lượng nên có so với chiều cao.
- Béo phì là tình trạng cơ thể tích lũy mỡ thái quá không bình thường một cách cục bộ hay toàn thể tới mức ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cơ thể.
2. Phân loại béo phì
2.1. Phân loại theo nguyên nhân sinh bệnh
Béo phì đơn thuần: Loại Béo phì không có nguyên nhân sinh bệnh rõ ràng chiếm tỷ lệ hơn 90%.
Béo phì bệnh lý: Do các bệnh lý Nội tiết hay khiếm khuyết di truyền 10%
2.2. Phân loại theo hình thái mô mỡ và tuổi bắt đầu béo phì
Béo phì xuất hiện sớm: Xuất hiện trước khi trẻ 5 tuổi.
Béo phì xuất hiện muộn: Béo phì xuất hiện muộn sau 5 tuổi.
Các giai đoạn dễ xuất hiện béo phì là thời kỳ nhũ nhi, 5- 7 tuổi, vị thành niên. Béo phì xuất hiện trong giai đoạn này tăng nguy cơ béo phì trường diễn và các biến chứng như nguy cơ mắc bệnh tim mạch, các rối loạn tâm bệnh hơn các béo phì khởi phát muộn.
2.3. Phân loại theo phân vùng của mô mỡ và vị trí giải phẫu
Béo bụng (béo trung tâm, béo phần trên, béo hình quả táo, béo kiểu đàn ông): Mỡ tập trung ở bụng.
Béo đùi (béo ngoại vi, béo phần thấp, béo hình quả lê, béo kiểu đàn bà): Mỡ tập trung chủ yếu ở mông và đùi.
Béo bụng có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch, đái đường tăng insulin máu, rối loạn lipid máu, không dung nạp glucose hơn béo đùi.
3. Nguyên nhân béo phì bệnh lý
3.1. Béo phì do nội tiết
Béo phì do suy giáp trạng: Nguyên nhân ít gặp (1/350). Béo phì xuất hiện muộn, béo vừa, chậm lớn, Da khô táo bón, chậm phát triển tinh thần.
Béo phì do cường vỏ thượng thận (HC Cushing): Do nguyên nhân ở tuyến yên hay vỏ thượng thận, hay gặp nhất là hội chứng Cushing do thuốc. Béo ở mặt và thân, mặt đỏ, rạn da màu đỏ tía, lông sinh dục mọc sớm, chậm lớn.
Béo phì do thiếu hormon tăng trưởng GH: Béo phì khu trú ở vùng ngực, ở thân chiều cao giảm rõ. Có thể phối hợp với thiếu hormon thùy trước tuyến yên như ACTH, TSH, FSH, LH.
Béo phì do các tổn thương vùng hạ đồi - tuyến yên: Các tổn thương này gây thèm ăn, thường gặp ở trẻ trai.
3.2. Béo phì do hội chứng đa dị dạng
Hội chứng Willi - Prader - Labhart: Là nguyên nhân hay gặp. Béo phì toàn thân do ăn nhiều xuất hiện sớm từ 3- 4 tuổi, dị dạng ở mặt (trán hẹp, mũi khoằm), đầu chi nhỏ, giảm trương lực cơ, lùn, chậm phát triển tinh thần, có thể có đái đường, thiểu năng sinh dục. Thường do khuyết đoạn nhiễm sắc thể số 15 (50%).
Hội chứng Laurence - Moon - Biedi: Béo phì sớm thường kết hợp với chậm phát triển tinh thần, đa ngón, Viêm võng mạc sắc tố xuất hiện muộn hơn 10- 12 tuổi. Thiểu năng sinh dục do giảm hormon hướng sinh dục. Bệnh di truyền lặn, nhiễm sắc thể thường.
Hội chứng Astrom: Béo phì với đái đường, điếc, viêm võng mạc, thiểu năng sinh dục. Bệnh di truyền lặn nhiễm sắc thể thường.
Hội chứng Biemon: Béo phì với khuyết tật móng tay, đa ngón, thiểu năng sinh dục. Di truyền lặn nhiễm sắc thể thường.
Hội chứng Borjson: Béo phì, lùn, bộ mặt thô, thiểu năng sinh dục.
3.3. Các yếu tố nguy cơ của béo phì ngoại sinh
- Yếu tố gia đình và di truyền: Nhiều trường hợp béo phì có tiền sử gia đình. Trẻ em có cha mẹ béo phì có thể mắc béo phì bất cứ tuổi nào: Tới 17 tuổi, tỉ lệ này gấp 3 lần trong gia đình cha mẹ không béo.Trong số trẻ béo phì có khoảng 80% trẻ có một cha hay mẹ béo phì, 30% có cả cha và mẹ béo phì.
- Giảm hoạt động thể lực: Ít hoạt động thể lực là nguồn gốc gây béo phì chính do béo phì làm cho trẻ có lối sống tĩnh tại.
- Ngủ ít: Các nghiên cứu nhận thấy trẻ ngủ ít dưới 8 giờ/ngày đêm sẽ có nguy cơ béo phì khi trên 15 tuổi. Ngủ ít nhưng đi nằm sớm, xem TV nhiều giờ, giảm hoạt động thể lực... Giấc ngủ của trẻ béo phì có thể bị rối loạn do sự biến động của các yếu tố hormon như serotonine.
- Sữa mẹ là yếu tố bảo vệ phòng ngừa béo phì: Các nghiên cứu đều cho thấy sữa mẹ còn có tác dụng phòng ngừa béo phì ở trẻ: Thời gian bú sữa mẹ càng ít, nguy cơ béo phì của trẻ nhỏ càng cao.
- Tích mỡ sớm là yếu tố nguy cơ của béo phì trẻ em. Chỉ số BMI tăng nhanh trong năm đầu, sau đó giảm dần đến mức thấp nhất từ 4 - 8 tuổi (trung bình 6 tuổi) và sau đó tăng dần cho đến tuổi trưởng thành. Sự tăng trở lại của BMI trong giai đoạn trẻ nhỏ được gọi là tích mỡ sớm.Tích mỡ sớm trước 5,5 tuổi là yếu tố nguy cơ của béo phì trẻ em. Do đó, các giá trị của BMI trước và trong giai đoạn tích mỡ phải được xác định để đánh giá chính xác tiến triển của nguy cơ.
- Yếu tố tâm lý và tình cảm: Các yếu tố tâm lý và tình cảm là các yếu tố nguy cơ béo phì trẻ em. Sự thiếu chăm sóc và giáo dục của cha mẹ trong giai đoạn ấu thơ là yếu tố đưa đến nguy cơ béo phì.
- Dậy thì sớm và béo phì: Nghiên cứu cho thấy 30% trẻ gái thừa cân và 15% trẻ gái béo phì có kinh nguyệt xuất hiện sớm trước 11 tuổi
4. Các hậu quả nguy hiểm do béo phì
Rối loạn tâm sinh lý và hòa nhập xã hội: Có mối tương quan giữa mức độ béo phì và các dấu hiệu lo lắng, trầm uất, rối loạn thái độ hành vi, không bằng lòng về bản thân và điểm số học lực cũng sút giảm, có mối liên hệ giữa lo sợ thừa cân và trầm cảm, đặc biệt ở trẻ gái.
Dậy thì sớm: Có mối liên hệ giữa béo phì và dậy thì sớm.
Các hậu quả về rối loạn vẻ đẹp hình thể: Ở trẻ trai có tình trạng giả vú lớn. Ở trẻ gái có kinh sớm, rậm lông, trứng cá. Cả 2 giới: Biến dạng hình thể, bụng bự, rạn da màu trắng hay màu tím.
Rối loạn chuyển hóa
- Rối loạn đường máu: Có sự tương quan chặt chẽ giữa mức độ tăng insuline, tăng proinsuline với % khối mỡ ở trẻ béo phì tiền dậy thì và dậy thì. Điều này có thể gây rậm lông ở trẻ gái.
- Đái tháo đường typ 2: Tần suất mắc bệnh đái tháo đường typ 2 ở trẻ vị thành niên thừa cân (BMI > 85er percentil) béo phì và giảm hoạt động thể lực tăng hơn.
- Rối loạn lipid máu: Có tương quan giữa béo phì và tăng cholesterol máu.
Biến chứng tim mạch, tăng huyết áp: Tất cả các nghiên cứu đều kết luận: Ở trẻ béo phì huyết áp động mạch tăng cao, huyết áp trung bình cnunxg cao hơn hẳn với trẻ không béo phì.
Biến chứng hô hấp: Tần suất mắc bệnh béo phì cao ở trẻ mắc bệnh hen.
Ngừng thở khi ngủ và rối loạn hô hấp ban đêm: Nghiên cứu ở Mỹ cho thấy 27% trẻ béo có ngừng thở khi ngủ mức độ nặng và vừa.
Ngoài ra còn có các biến chứng tiêu hóa (gan nhiễm mỡ), biến chứng Thần kinh (Hội chứng tăng áp lực sọ Não lành tính), biến chứng về chỉnh hình (cong vẹo cột sống, cong chân) cũng tăng ở trẻ béo phì.
Các hậu quả lâu dài
- Béo phì ở người trưởng thành: Béo phì trẻ em có thể dẫn đến hậu quả lâu dài béo phì ở người lớn: khả năng có từ 20- 50% trẻ béo phì trước dậy thì cho đến 50 - 75% béo phì sau dậy thì.
- Nguy cơ mắc nhiều bệnh lý Tim mạch và Hội chứng chuyển hóa khi trưởng thành: Các nguy cơ tim mạch ở trẻ béo phì như cao huyết áp, rối loạn lipide máu, Hội chứng chuyển hóa tồn tại cho đến trưởng thành.
5. Nghiên cứu hiệu quả của các phương pháp điều trị béo phì ở trẻ em
Các nghiên cứu tiến hành dựa trên phương thức điều trị bao gồm
- Chế độ ăn.
- Luyện tập hoạt động thể lực
- Điều trị tâm lý.
- Phối hợp với các can thiệp khác.
5.1. Hiệu quả của chế độ ăn và tăng cường hoạt động thể lực
Chế độ ăn hạn chế đường, hạn chế lipide, Khuyến khích ăn ngũ cốc, rau, hoa quả. Hạn chế số bữa ăn: 4 lần/ngày kể cả bữa ăn phụ. Hoạt động thể lực 40- 55 phút/lần cho chạy bộ hay tập aerobic 2- 5 lần/tuần trong 4 - 8 tháng giảm được % khối mỡ.
5.2. Tâm lý trị liệu và các điều trị hỗ trợ
Kết hợp tâm lý trị liệu, chế độ ăn và hoạt động thể lực trong thời gian dài 24 tháng có kết quả giảm cân rõ rệt ở trẻ nhỏ
Ở trẻ lớn, giáo dục tâm lý và chế độ ăn ít calorie và luyện tập nhẹ cho kết quả tốt.
5.3. Sử dụng thuốc và điều trị ngoại khoa
Có một số nghiên cứu nhưng chưa đủ kết luận hiệu quả điều trị của thuốc và điều trị ngoại khoa (phẫu thuật) trong điều trị béo phì trẻ em.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- ANAES( 2003), Prise en charge de l’obesite de l’enfant
- J.Ph. Girardet, P. Tounian.( 1997), “ L’examen de l’enfant obeseˮ, La prise en charge therpeutigueˮ, Dossier: L’obesiste de l’enfant. Realites Pediatrique, N 20.
- WHO( 1997), “Obesiste: Preventing and managing the global epidemic”, Report of a WHO Consuntation on Obesity.
- WHO (2000) Technical Report Series 894, Obesity: Preventing and managing the global epidemic.
- WHO (2001), The world of WHO in the Western Pacific Region: Report of the Regional Director.