Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Bệnh giang mai bẩm sinh những điều cần biết

24/09/2021
Bệnh giang mai bẩm sinh những điều cần biết

Bệnh giang mai bẩm sinh (tên tiếng Anh là Congenital syphilis) xảy ra khi mẹ mắc bệnh giang mai truyền vi khuẩn gây bệnh cho thai nhi trong quá trình mang thai. Do đó, sản phụ cần thực hiện xét nghiệm bệnh giang mai trong thai kỳ để bảo vệ trẻ khỏi căn bệnh nguy hiểm này.

1. Bệnh Giang mai ảnh hưởng như thế nào đến thai Nhi và trẻ sơ sinh?

Bệnh Giang mai tác động lớn đến sức khỏe của thai nhi và sức khỏe của sản phụ thuộc vào thời gian sản phụ bị mắc bệnh và đã điều trị hay chưa.

Đối với thai nhi, bệnh giang mai có thể gây ra:

  • Sẩy thai
  • Thai chết lưu
  • Sinh non
  • Nhẹ cân
  • Tử vong ngay sau khi sinh

Có tới 40% trẻ sơ sinh tử vong do Sinh non hoặc do nhiễm trùng ở những phụ nữ mắc bệnh giang mai không được điều trị.

Đối với trẻ sinh ra với bệnh giang mai có thể gây ra:

  • Biến dạng xương
  • Thiếu máu nặng
  • Phì đại gan và lá lách
  • Vàng da và vàng mắt
  • Các vấn đề về Não và thần kinh, như mù hoặc điếc
  • Viêm màng não
  • Viêm da
Bệnh giang mai bẩm sinh những điều cần biết - ảnh 1
Bệnh giang mai có thể lây từ mẹ sang con và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe trẻ

2. Có phải tất cả trẻ bị sinh ra bị giang mai bẩm sinh đều có triệu chứng của bệnh giang mai?

Có thể trẻ sơ sinh mắc bệnh giang mai bẩm sinh không có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh khi mới sinh. Nhưng nếu không được điều trị, trẻ có thể phát triển các vấn đề nghiêm trọng trong vài tuần đầu sau khi sinh, nhưng chúng cũng có thể xảy ra nhiều năm sau đó.

Đối với những trẻ không được điều trị bệnh giang mai bẩm sinh, sau này bệnh tiến triển, trẻ có thể tử vong do nhiễm trùng, chậm phát triển hoặc bị co giật.

3. Khi Mang thai có cần Xét nghiệm bệnh giang mai không?

Tất cả phụ nữ mang thai nên xét nghiệm bệnh giang mai ở lần khám thai đầu tiên. Nếu không được thực hiện trong lần khám đầu tiên, sản phụ hãy nhớ hỏi bác sĩ về xét nghiệm bệnh giang trong lần kiểm tra tiếp theo. Một số phụ nữ nên được kiểm tra nhiều lần trong suốt quá trình thai nghén.

Sản phụ lưu ý rằng, cho dù mắc bệnh giang mai nhưng có thể không có bất kỳ triệu chứng nào nên sản phụ không biết bản thân bị mắc bệnh. Ngoài ra, các triệu chứng của bệnh giang mai có thể rất nhẹ hoặc giống như các dấu hiệu của các bệnh lý khác. Xét nghiệm là cách duy nhất để khẳng định chính xác có mắc bệnh giang mai hay không.

4. Bệnh giang mai có được điều trị khỏi không?

Bệnh giang mai có thể được điều trị và chữa khỏi bằng kháng sinh. Nếu sản phụ xét nghiệm dương tính với bệnh giang mai trong thai kỳ, tốt nhất hãy điều trị ngay lập tức. Trong quá trình điều trị, sản phụ và thai nhi sẽ được bác sĩ theo dõi chặt chẽ để đảm bảo điều trị hiệu quả.

5. Làm cách nào bác sĩ biết trẻ mắc bệnh giang mai?

Bác sĩ phải xem xét một số yếu tố để xác định trẻ có bệnh giang mai hay không, bao gồm kết quả xét nghiệm máu giang mai của mẹ và nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh giang mai trước đó, thì bà mẹ này đã thực hiện điều trị trong thai kỳ chưa. Bên cạnh đó, Bác sĩ sẽ Xét nghiệm máu của trẻ, khám thể chất hoặc làm các xét nghiệm khác, như chọc dịch tủy sống hoặc chụp x-quang, để xác định xem trẻ có mắc bệnh giang mai hay không.

6. Trẻ sinh ra mắc giang mai bẩm sinh thì được điều trị như thế nào?

Trẻ có bệnh giang mai cần được điều trị ngay lập tức, nếu không bệnh sẽ tiến triển gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Tùy thuộc vào kết quả khám sức khỏe, trẻ có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh tại bệnh viện trong vòng 10 ngày. Trong một số trường hợp, chỉ cần một mũi tiêm kháng sinh.

Ngoài ra, các trẻ đang điều trị bệnh giang mai bẩm sinh cần được chăm sóc và theo dõi chặt chẽ để đảm bảo việc điều trị có hiệu quả.

Bệnh giang mai bẩm sinh những điều cần biết - ảnh 2
Trẻ có bệnh giang mai cần sự chăm sóc và điều trị cẩn thận

7. Làm thế nào để giảm nguy cơ trẻ mắc bệnh giang mai bẩm sinh?

Thai nhi sẽ không bị bệnh giang mai nếu bà mẹ không mắc bệnh giang mai. Có hai điểm quan trọng mà sản phụ cần thực hiện để bảo vệ trẻ khỏi bệnh giang mai bẩm sinh và các vấn đề sức khỏe liên quan đến nhiễm trùng do bệnh giang mai, gồm:

Xét nghiệm giang mai trong lần khám thai đầu tiên

Trong lần khám thai đầu tiên, sản phụ hãy chủ động hỏi bác sĩ về xét nghiệm bệnh giang mai. Sản phụ cần trò chuyện cởi mở và trung thực với bác sĩ về các triệu chứng mà bản thân đang mắc phải hoặc lo lắng về bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có bệnh giang mai và bất kỳ loại thuốc nào mà sản phụ đang sử dụng, tình trạng quan hệ Tình dục đang có bạn tình mới hay nhiều bạn tình. Thông tin này sẽ giúp bác sĩ đưa ra các khuyến nghị về xét nghiệm thích hợp, ngay cả khi sản phụ đã được xét nghiệm bệnh giang mai trong quá khứ nhưng vẫn nên được xét nghiệm lại khi mang thai.

Nếu xét nghiệm dương tính với bệnh giang mai, sản phụ sẽ được điều trị ngay lập tức, không nên chờ cho đến lần khám thai tiếp theo. Bên cạnh đó, bạn tình của sản phụ cũng cần được điều trị song song để tránh cho sản phụ bị tái nhiễm sau này. Ngay cả sau khi đã được điều trị khỏi thì vẫn có thể bị tái nhiễm. Vì lý do này, sản phụ và bạn tình cần tiếp tục thực hiện các biện pháp làm giảm nguy cơ tái nhiễm trùng.

Giảm nguy cơ mắc bệnh giang mai trước và trong khi mang thai

Nếu có quan hệ tình dục, những biện pháp sau đây có thể làm giảm khả năng mắc bệnh giang mai:

  • Quan hệ chung thủy hoặc lâu dài với chồng/bạn tình đã được xét nghiệm và khẳng định không mắc bệnh giang mai.
  • Sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ. Mặc dù bao cao su có thể ngăn ngừa truyền bệnh giang mai bằng cách ngăn chặn sự tiếp xúc với vết loét, nhưng bạn nên biết rằng đôi khi vết loét giang mai xảy ra ở những khu vực không được bao cao su bảo vệ và nếu tiếp xúc với những vết loét này vẫn có thể truyền bệnh giang mai.

Nguồn tham khảo: Cdc.gov