1. Trào ngược dạ dày là gì?
Trào ngược dạ dày là tình trạng dịch dạ dày, dịch mật trào ngược từ dạ dày lên thực quản. Nếu tình trạng trào ngược xảy ra trên 2 lần/tuần thì được gọi là bệnh trào ngược dạ dày - thực quản.
Những biểu hiện của bệnh trào ngược dạ dày là: Ợ nóng, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn và nôn ói, đau vùng thượng vị, đau tức ngực, đắng miệng, khó nuốt, vướng nghẹn vùng cổ, Ho kéo dài, Viêm họng kéo dài,...
Bệnh trào ngược dạ dày được phân thành 5 cấp độ là:
- Cấp độ 0: Khi Nội soi không phát hiện rõ những vết viêm ở niêm mạc thực quản, chứng tỏ trào ngược dạ dày chưa ảnh hưởng nhiều tới thực quản;
- Cấp độ A: Niêm mạc thực quản đã xuất hiện những vùng viêm, vết trượt, vết loét có chiều dài không quá 5mm;
- Cấp độ B: Niêm mạc thực quản có vết trượt, vết loét lớn hơn 5mm, phân tán lẻ tẻ. bệnh nhân có biểu hiện đau khi ăn uống, vướng nghẹn do thực quản bị chít hẹp;
- Cấp độ C: Các vết trợt, loét ở cấp độ B tập trung hội tụ với nhau, phạm vi vết loét mở rộng, đi kèm loạn sản thực quản. Giai đoạn này còn gọi là Barrett thực quản - là giai đoạn tiền ung thư thực quản;
- Cấp độ D: Barrett thực quản đã tiến triển nặng, nếu không điều trị kịp thời sẽ chuyển sản thành vết viêm loét sâu, lớn hơn 75% chu vi thực quản.
2. Trào ngược dạ dày độ A là gì?
Trào ngược dạ dày độ A là giai đoạn mới khởi phát, niêm mạc thực quản có dấu hiệu bị tổn thương nhưng mức độ trợt loét và viêm vẫn nhẹ. Khi nội soi, hình ảnh cho thấy vết trợt ở niêm mạc thực quản có chiều dài chưa tới 5mm.
Bệnh nhân có các biểu hiện sau:
- Ợ hơi, ợ nóng và ợ chua: Ợ hơi xuất hiện sau khi ăn no hoặc kể cả trong trường hợp bụng đói. Nếu trong dạ dày của bệnh nhân dư thừa axit, luồng hơi thoát ra sẽ có vị chua, đi kèm cảm giác nóng rát;
- Buồn nôn và nôn ói: Biểu hiện buồn nôn có tần suất xuất hiện thấp, trong dịch nôn có thể là đồ ăn hoặc các loại thực phẩm gây buồn nôn;
- Tiết nhiều nước bọt: Trào ngược dạ dày độ A khiến tuyến nước bọt tiết ra nhiều hơn. Nguyên nhân vì nước bọt có tính kiềm nên có thể trung hòa được tình trạng axit làm bào mòn niêm mạc thực quản. Đây là cơ chế tự nhiên của cơ thể;
- Nóng rát thượng vị dạ dày: Tình trạng viêm loét khiến niêm mạc tại thực quản bị tổn thương, kích hoạt các cơn đau âm ỉ, nóng rát;
- Khó nuốt, đắng miệng, vướng nghẹn vùng cổ: Dưới tác động của axit và dịch vị dạ dày, niêm mạc thực quản bị trầy, bào mòn, hình thành các vết trượt, loét. Điều này gây hiện tượng khó nuốt, đau khi nuốt thức ăn. Với trường hợp trào ngược dịch mật, bệnh nhân có cảm giác đắng miệng;
- Ho, đau họng: Dịch dạ dày trào ngược, xâm nhập vào đường Hô hấp sẽ gây ho, đau họng và khàn tiếng.
Khi gặp các triệu chứng trên, bệnh nhân nên đi thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để phát hiện và điều trị bệnh sớm, hiệu quả.
3. Trào ngược dạ dày độ A có nguy hiểm không?
Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản cấp độ A không quá đáng lo vì lúc này Tình trạng viêm chỉ ở mức độ nhẹ, nếu phát hiện kịp thời thì việc điều trị khỏi hoàn toàn có thể thực hiện được.
Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh nhân chủ quan, không nghiêm túc trong quá trình điều trị thì bệnh sẽ tiến triển rất nhanh. Đến khi bệnh biểu hiện ở cấp độ nặng thì việc trị bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn, dễ phát sinh các biến chứng nguy hiểm.
Một số biến chứng của bệnh:
- Loét thực quản: Các phản ứng viêm tại thực quản nếu không được can thiệp kịp thời có thể phát triển nhanh chóng. Tại niêm mạc thực quản sẽ hình thành các vết loét với triệu chứng nghiêm trọng hơn so với tình trạng viêm;
- Barrett thực quản: Một khi dịch vị dạ dày trào lên thực quản trong thời gian dài, sẽ dẫn tới bệnh Barrett thực quản. Có khoảng 5% các trường hợp bị Barrett thực quản có nguy cơ mắc ung thư thực quản;
- Ung thư thực quản: Có thể phát sinh, đặc biệt là ở những bệnh nhân trên 50 tuổi.
4. Điều trị trào ngược dạ dày độ A
Ở cấp độ A, việc điều trị nội khoa hoàn toàn có thể đáp ứng tốt nếu bệnh nhân trào ngược dạ dày nghiêm túc chữa trị. Việc điều trị bệnh có thể bao gồm cả Đông y và Tây y, nhưng chủ yếu là Tây y, kết hợp với các biện pháp chăm sóc để ngăn ngừa nguy cơ bệnh tái phát.
4.1 Sử dụng thuốc Tây
Mục đích của việc sử dụng thuốc Tây là ức chế các phản ứng viêm và kích thích dạ dày giảm tiết axit. Các nhóm thuốc có thể được chỉ định cho bệnh nhân gồm:
- Thuốc trung hòa axit dịch vị;
- Thuốc ức chế bơm Proton;
- Thuốc hỗ trợ nhu động.
Việc sử dụng loại thuốc nào với thời gian và liều lượng cụ thể sẽ được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân không được tự ý dùng thuốc hoặc thay đổi loại thuốc, liều lượng hoặc thời gian sử dụng vì sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn, thậm chí gây ra một số tác dụng phụ khó lường.
Ngoài ra, các loại thuốc sử dụng có thể tiềm ẩn nguy cơ xảy ra phản ứng không mong muốn nên khi phát hiện có các dấu hiệu bất thường, bệnh nhân cần chủ động báo cho bác sĩ để được xử trí kịp thời.
4.2 Chăm sóc và sinh hoạt hằng ngày
- Thường xuyên thăm khám định kỳ để xác định chính xác giai đoạn bệnh và có phương án điều trị kịp thời;
- Không dùng thuốc nếu chưa có chỉ định của bác sĩ vì các tác dụng phụ của thuốc có thể gây ảnh hưởng xấu tới dạ dày - thực quản;
- Giữ tâm lý thoải mái, vui vẻ và lạc quan mỗi ngày, loại bỏ căng thẳng;
- Thay đổi chế độ Dinh dưỡng bằng cách sử dụng các thực phẩm tốt cho sức khỏe của dạ dày như sữa chua, rau xanh, trái cây, ngũ cốc, thịt trắng,... Đồng thời, cần hạn chế tiêu thụ các thực phẩm như thức ăn nhanh, đồ cay nóng, đồ chua, thức ăn nhiều gia vị hoặc nhiều dầu mỡ,...;
- Loại bỏ các thói quen xấu trong sinh hoạt như: Ăn quá nhanh, không nhai kỹ, ăn quá no, vừa nằm vừa ăn, ít vận động,...;
- Duy trì cân nặng ở mức ổn định, không để thừa cân, béo phì;
- Sinh hoạt điều độ, không thức khuya, ngủ đủ giấc và dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý;
- Tăng cường vận động với các môn thể dục thể thao vừa sức như yoga, đi bộ, đạp xe, bơi lội,...;
- Thay đổi tư thế ngủ để giảm triệu chứng của bệnh.
Bệnh trào ngược dạ dày độ A không phải là vấn đề quá nghiêm trọng nếu được phát hiện và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng không được chủ quan vì ở giai đoạn này thực quản đã bắt đầu xuất hiện các tổn thương. Vì vậy, người bệnh cần chủ động thăm khám, tuân thủ đúng phác đồ điều trị được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa.