Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

U vú lành tính có gây ra nguy hiểm không?

26/04/2021
U vú lành tính có gây ra nguy hiểm không?

Các khối u vú lành tính thường có thời gian mở rộng chậm hơn và có thể ổn định theo thời gian. Những khối u lành tính tuy mặc dù không nguy hiểm, nhưng nếu để chúng phát triển đến một kích thước lớn thì có thể gây ra chèn ép làm ảnh hưởng đến mô lân cận.

1. Tìm hiểu về u vú lành tính

U vú lành tính là một tình trạng khá thường gặp ở nữ giới. Tổn thương vú lành tính có thể gây ra đau, sưng khối u, nhiễm trùng, chảy dịch ở núm vú và thay đổi bề mặt da vú...

Những cơn đau do khối u vú có thể xuất hiện theo chu kỳ hoặc bất thường. Các cơn đau theo chu kỳ xảy ra do đáp ứng với sự thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể; kèm theo biểu hiện như: ngực có thể bị sưng, nhạy cảm và đau hơn trước khi có kinh nguyệt. Cơn đau không theo chu kỳ thường xảy ra ở một bên ngực và tại một vùng cụ thể. Ở một số ít trường hợp, đau vú không theo chu kỳ có thể là dấu hiệu của ung thư vú.

2. Phân loại u vú lành tính

BS Phùng Thị Phương Chi cho biết, y khoa chia các dạng khối U vú lành tính thành ba loại như: Loại không sinh sản, tăng sản điển hình và tăng sản không điển hình. Trong đó, tổn thương vú loại không sinh sản gồm các tế bào tuyến vú bình thường, hay gặp nhất là u nang, u sợi tuyến. Nang vú khá nhỏ, thường tự hết hoặc có thể can thiệp rút ra bằng kim. U sợi tuyến đơn giản thường tự nhỏ lại và biến mất. Tuy nhiên, nếu chúng tiếp tục phát triển lớn hơn thì nên phẫu thuật cắt bỏ.

Đối với khối u vú tăng sản điển hình, các tế bào tuyến vú có tăng về số lượng nhưng hoàn toàn bình thường, không có sự hiện diện của tế bào bất thường có nhân dị dạng. Trên thực tế, sự xuất hiện loại khối u điển hình có thể làm tăng nhẹ nguy cơ ung thư vú trong tương lai lâu dài. Vì thế, tùy trường hợp bác sĩ sẽ đề nghị theo dõi, đảm bảo khối u không phát triển hoặc tư vấn phẫu thuật cắt bỏ.

Riêng trường hợp khối u vú tăng sản không điển hình (có sự hiện diện của các tế bào bất thường có nhân dị dạng), phần lớn thường dẫn đến nguy cơ cao hình thành ung thư vú trong tương lai. Bởi vậy, khi phát hiện khối u vú loại này, bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật để loại bỏ mầm mống của ung thư, đồng thời duy trì theo dõi trong thời gian dài. Như vậy, hầu hết các tổn thương vú lành tính không làm tăng nguy cơ ung thư vú; nhưng u vú lành tính có nguy hiểm không còn tùy thuộc tính chất tế bào của khối u, cách phát hiện và xử lý.

Đối với những trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ cân nhắc thực hiện thăm khám vú lâm sàng và Xét nghiệm hình ảnh thường xuyên hơn trong vòng 1 hoặc 2 năm tiếp theo, tùy vào tuổi tác, rủi ro sức khỏe và kết quả xét nghiệm.

3. Làm thế nào để phòng ngừa u vú lành tính?

Phòng ngừa những biến chứng khó lường có thể xảy ra từ các khối u vú lành tính, BS Phùng Thị Phương Chi khuyến cáo chị em phụ nữ nên chủ động theo dõi, tự khám vú để biết tình trạng của mình. Bên cạnh đó, khi có các dấu hiệu bất thường như: thay đổi hình dáng núm vú, co rút núm vú và lõm xuống, hai đầu vú có hiện tượng không cân đối, núm vú bị tụt hẳn vào trong, cứng, dùng tay kéo ra cũng không được; Đầu vú tiết dịch hoặc máu; Vùng da xung quanh đầu núm vú bị co rút, hoặc da cam; Có sự thay đổi ở da: bao gồm da dày hơn, trũng xuống, lồi lõm, da đỏ bất thường, Loét da và núm vú...; sờ nắn vùng hõm nách thấy có hạch nổi ở nách... chị em cần phải đặc biệt lưu ý. Bởi lẽ, hạch ở nách có thể là biểu hiện đầu tiên của bệnh ung thư vú.

Bắt đầu khi bước vào tuổi 20, chị em nên kiểm tra vú mình từ ngày thứ 8 của chu kỳ kinh hay sau khi sạch kinh 3-5 ngày, với nhịp độ mỗi tháng một lần. Cách thực hiện: đứng trước gương, ở trần, hai cánh tay buông xuôi hai bên hông, quan sát hai vú rồi đổi tư thế hai tay giơ lên khỏi đầu và cuối cùng hai tay chống vào hông. Trong mỗi tư thế xoay qua, xoay lại chậm và quan sát cả hai vú để xem có gì thay đổi về kích thước, hình thể của hai vú, mặt da vú... Chụm các ngón tay lại dùng phần thẳng ngón tay day tròn tìm khối u hoặc mảng dầy; sờ phần hõm nách tìm hạch và khối u, sau đó sờ từ bờ ngoài của vú, sờ vòng quanh vú theo những đường vòng tròn nhỏ dần, cuối cùng là vùng sau núm vú để phát hiện u (nếu có).
 

4. Cách phân biệt u vú lành tính

Các dấu hiệu của u vú lành tính tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra: Có triệu chứng Ngứa da, núm vú nhạy cảm, đau và khó chịu ở vú, cục u bất thường, khi chạm vào khối u có thể di chuyển dễ dàng.

Các triệu chứng của ung thư vú gồm: Núm vú tiết dịch, hình dạng vú thay đổi, da vú sần vỏ cam, mẩn đỏ, khối u cứng chắc, hình dạng không đều, bám chặt vào da...

U vú lành tính thường mở rộng chậm hơn, không xâm lấn các mô xung quanh và có nhiều khả năng ổn định theo thời gian. Khối U lành tính tuy không nguy hiểm nhưng khi phát triển đến một kích thước lớn thì có thể chèn ép và gây ảnh hưởng đối với các mô lân cận.

Khối u lành tính sinh trưởng trên bề mặt da và thường có màng ngăn cách với các tế bào khác nên có thể dễ phát hiện qua việc sờ nắn. Khi thấy khối u xuất hiện kèm cảm giác đau thì người bệnh cũng không nên quá lo lắng vì thường các khối u gây triệu chứng đau là khối u lành tính.

Ung thư vú thì lại khác, có đặc điểm là phát triển nhanh, xâm lấn và mở rộng sang các mô xung quanh, trừ khi bị tiêu diệt. Đặc biệt, nó thường lây lan qua máu hoặc mạch bạch huyết đến các phần ở xa của cơ thể, phát triển các mô ác tính mới tại các hạch bạch huyết, xương, phổi, gan...