Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

U vú lành tính là gì? Các loại u vú lành tính thường gặp

15/04/2021
U vú lành tính là gì? Các loại u vú lành tính thường gặp

U vú là bệnh lý phổ biến hiện nay, gồm 2 loại là u vú lành tính và u vú ác tính. Trong đó u vú ác tính là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nữ giới trong các bệnh lý về ung thư. Nắm rõ nguyên nhân và biểu hiện của u vú lành tính sẽ giúp người bệnh xây dựng phác đồ chữa trị hiệu quả nhất.

U vú lành tính thường gặp ở phần biểu mô của ống dẫn sữa hoặc ở mô liên kết và mô mỡ. Các triệu chứng phổ biến của khối u vú lành tính bao gồm:

  • Xuất hiện các cục u trong vú
  • Đôi khi gây khó chịu, nhạy cảm hoặc đau rát
  • Các u nổi rõ hoặc là các vùng dày lên, có xu hướng lẫn vào mô vú xung quanh
  • Cảm giác đau toàn bộ vú hoặc tăng độ nhạy cảm
  • Các cục u vú thay đổi kích thước theo chu kỳ kinh nguyệt
  • Dịch màu xanh lá cây hoặc nâu sẫm, không có máu rỉ ra tự nhiên từ núm vú
  • Sự thay đổi xảy ra tương tự cả hai bên vú
  • Mức độ đau vú tăng hoặc nổi các khối u hàng tháng vào lúc rụng trứng hay ngay trước ngày hành kinh
  • Các cục u rắn, tròn, chuyển động dễ dàng.

Khi có dấu hiệu nghi ngờ, cần đi Khám bệnh sớm để xác định bệnh lý cụ thể các loại u vú lành tính thường gặp nhằm có biện pháp can thiệp đúng, chủ động ngăn ngừa biến chứng xấu.

2. Các loại u vú lành tính thường gặp

2.1 Bướu sợi tuyến vú (u sợi tuyến vú)

Bướu sợi tuyến vú là dạng u thường xuất hiện ở các thiếu nữ tuổi 18-20, tuy nhiên phụ nữ 30 tuổi cũng có thể bị.

Dấu hiệu nhận biết:

  • Khi sờ vào vú sẽ cảm nhận có khối u tròn, kích thước như hạt đậu phộng, có trường hợp lớn bằng hạt mít
  • Sờ hạt này thấy di động, thường ở một bên
  • Đôi khi có cảm giác ê ê khi đến chu kỳ kinh nguyệt.

Đây là một dạng u lành tính, đi khám hoặc siêu âm rất dễ phát hiện. Thông thường, bác sĩ sẽ mổ để lấy khối u ra hoặc để theo dõi.

2.2 Nang vú

Bệnh nang vú thường xuất hiện ở nữ giới từ tuổi 40.

Dấu hiệu nhận biết: Khi sờ vào vú thấy một khối u tròn và cứng chạy dưới ngón tay khám. Có thể có cảm giác căng đau ở vú.

Sau khi khám và siêu âm phát hiện bệnh, bác sĩ chuyên khoa sẽ chích và hút dịch, nang vú sẽ xẹp. Đây là một dạng u lành tính.

2.3 Thể dịch chảy ra ở đầu núm vú

Tình trạng này xảy ra do:

  • Ống sữa bị giãn, viêm.
  • Có bướu nhỏ lành tính trong ống sữa. Tình trạng này hiếm khi là ung thư.

Vì vậy, người bệnh cần khám ở các bệnh viện có chuyên khoa để xác định đúng bệnh.

2.4 Viêm vú - Áp xe vú

Viêm vú, áp xe vú thường xuất hiện ở những phụ nữ sinh con đầu lòng và cho con bú trong hai tuần đầu. Khi mới sinh, đầu vú có lớp da non nhưng bé bú liên tục khiến núm vú dễ bị nhiễm trùng, bầu sữa sẽ cương, nóng và đau nhức. Lâu dài dễ gây nên tình trạng áp xe vú. Đây là một xáo trộn lành tính.

2.5 Lao vú

Bệnh lao vú thường gây đau, nhức ở vú dù không hề nóng, sốt. Có thể bị xì mủ ở nhiều nơi trên da vú. Bệnh sẽ được trị dứt bằng thuốc kháng sinh vì đây là một dạng u vú lành tính.

2.6 Sợi bọc vú (thay đổi bọc vú hay xơ nang)

Xơ nang tuyến vú là một dạng xáo trộn lành tính thường gặp ở phụ nữ và chỉ được chẩn đoán bằng siêu âm. Bệnh có nhiều mức độ, có khi không thấy triệu chứng, có khi gây đau nhức. Vì vậy, người bị bệnh này nên có sự theo dõi của bác sĩ để được tư vấn phương pháp điều trị thích hợp.

2.7 Dị ứng núm vú

Ở các thiếu nữ, núm vú và quầng vú có thể bị Ngứa và cương nước. Nguyên nhân thường được xác định do bị Dị ứng với áo ngực.

Vì vậy, chỉ cần thay đổi áo lót và vệ sinh bầu vú, rửa núm vú sạch sẽ. Đây chỉ là một dạng dị ứng mà người bệnh có thể tự khắc phục được. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ kê toa với một ít thuốc kháng sinh và thuốc chống dị ứng.

2.8 Xáo trộn Nội tiết ở bé gái

Ở các bé 10-12 tuổi hoặc nhỏ hơn, một bên ngực thường u lên ở vùng giữa vú, cảm giác hơi đau. Các bà mẹ thường lo sợ, hiểu lầm bé dậy thì sớm. Tuy nhiên, phụ huynh không nên lo lắng vì đây chỉ là một dạng xáo trộn nội tiết ở tuổi mới lớn.

Vì vậy, cần đi khám để được bác sĩ theo dõi, có thể uống thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ.

2.9 Nữ hóa tuyến vú

Ở nam giới có loại xáo trộn nội tiết gọi là nữ hóa tuyến vú: một bên vú phát triển dần dần lớn lên như ngực phụ nữ.

Đây là một dạng u vú lành tính. Bệnh nhân có thể được mổ hoặc điều trị nội tiết.

2.10 Nang sữa do tắc ống sữa

Thường có ở những phụ nữ đang cho con bú nhưng bị tắc sữa. Người bệnh có cảm giác hơi đau và ê ở vú.

Dấu hiệu nhận biết: khối u sờ vào có dạng tròn nhưng mật độ nhão. Đây là dạng u vú lành tính, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh theo dõi và tiếp tục cho con bú. Một thời gian sau, nếu nang bọc sữa không hết, bác sĩ có thể chỉ định mổ để lấy trọn khối u.

2.11 Bướu diệp thể (U diệp thể)

U diệp thể là một dạng bệnh hiếm nhưng có khi gặp ở cả người trẻ và lớn tuổi. U diệp thể hình thành xuất phát từ cấu trúc cơ biểu mô chung quanh tiểu thùy, lớp đệm phát triển nhanh, dễ tái phát, có khoảng 20% trường hợp là khối u ác tính.

Bệnh có hai thể. Nếu thể lành có thể mổ lấy trọn và bảo tồn vú. Ngược lại, nếu là ác tính thì đây là bệnh ung thư dạng đặc biệt.

Bên cạnh việc tầm soát ung thư vú thường xuyên để phát hiện bệnh ung thư vú, phụ nữ còn gặp các loại u vú lành tính thông thường. Tuy nhiên, vẫn cần được chủ động phát hiện sớm để khám chẩn đoán, xác định và điều trị kịp thời nhằm đạt kết quả điều trị tốt nhất.

3. Cách điều trị đau vú lành tính?

Đối với đau theo chu kỳ, chị em nên mặc áo ngực vừa vặn, dùng thuốc giảm đau nếu cần thiết. Nếu đang sử dụng biện pháp ngừa thai nội tiết phối hợp, các triệu chứng có thể tự cải thiện sau một thời gian.

Trong trường hợp đau vú không theo chu kỳ, nên gặp bác sĩ chuyên khoa để nhận tư vấn khám và điều trị.

4. U vú lành tính có nguy hiểm không?

Nói chung, u vú lành tính có nguy hiểm không tùy thuộc phần lớn vào loại khối u. Khối u vú lành tính thường được chia thành ba loại khác nhau phổ biến nhất:

  • Không sinh sản: Loại này gồm các tế bào tuyến vú bình thường. Ví dụ thường gặp là u nang. U nang vú khá nhỏ, thường tự hết hoặc có thể can thiệp rút ra bằng kim. Một ví dụ khác là u xơ đơn giản. U xơ đơn giản thường tự nhỏ lại và biến mất. Tuy nhiên, nếu chúng tiếp tục phát triển lớn hơn thì nên phẫu thuật cắt bỏ.
  • Tăng sản điển hình: Không có sự hiện diện của các tế bào không điển hình (là các tế bào bất thường có nhân dị dạng...). Đối với khối u vú loại này, các tế bào có tăng về số lượng nhưng hoàn toàn bình thường. Sự xuất hiện loại khối u điển hình làm tăng nhẹ nguy cơ ung thư vú trong tương lai lâu dài. Chúng thường được phẫu thuật cắt bỏ, nhưng đôi khi bác sĩ chỉ đề nghị theo dõi và đảm bảo chúng không phát triển.
  • Tăng sản không điển hình: Có sự hiện diện của các tế bào không điển hình. Phần lớn các trường hợp tăng sản không điển hình thường dẫn đến nguy cơ cao sự hình thành ung thư vú trong tương lai. Khi phát hiện khối u vú loại này, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật để loại bỏ mầm mống của ung thư, đồng thời theo dõi chặt chẽ trong thời gian dài.

Như vậy, u vú lành tính có nguy hiểm không và xử lý như thế nào là tùy vào việc thăm khám, bản chất tế bào của khối u và quyết định của bác sĩ điều trị.