Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Ung thư tụy: Chẩn đoán - điều trị hiệu quả và cách phòng tránh

11/11/2020
Ung thư tụy: Chẩn đoán - điều trị hiệu quả và cách phòng tránh

Các giai đoạn, cách điều trị và phòng tránh ung thư tụy là vấn đề mà bất kỳ ai mắc bệnh ung thư này đều quan tâm đặc biệt. Bài viết dưới đây sẽ thông tin chi tiết cho các bạn!

1. Ung thư tuỵ là bệnh gì?

Ung thư tuỵ hình thành khi có sự gia tăng các tế bào bất thường ở tuỵ. Tuỵ là một tuyến nằm sau dạ dày, ngay trước cột sống. Đây là nơi tiết ra dịch tuỵ có vai trò giúp tiêu hóa thức ăn, đồng thời tạo ra hormone, bao gồm insulin giúp kiểm soát đường huyết.

Ung thư tụy được phát hiện sớm có thể điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, do bệnh ít khi có triệu chứng rõ ràng, nên rất khó để phát hiện sớm.

2. Nguyên nhân gây ung thư tụy

’’Hiện tại chúng ta vẫn chưa thể chắc chắn được nguyên nhân chính xác dẫn đến ung thư tụy là gì, tuy nhiên xét về các yếu tố có khả năng dẫn đến ung thư tụy, yếu tố chiếm tỉ lệ cao nhất: hút thuốc lá; bệnh nhân có độ tuổi trên 45,..’’ PGS. TS. Nguyễn Tuyết Mai cho biết.

Ngoài ra, các yếu tố gia tăng khác như sau:

  • Bệnh nhân có tiền sử ung thư bàng quang, ung thư phổi hoặc ung thư vùng hầu họng; bệnh nhân đái tháo đường lâu năm
  • Người có chế độ ăn không hợp lý sử dụng đồ ăn nhiều dầu mỡ. Gần đây tỷ lệ bệnh nhân được chẩn đoán ung thư tụy trên nền bệnh Viêm tụy mạn tính cũng có chiều hướng gia tăng. Trong số bệnh nhân được chẩn đoán ung thư tụy có khoảng 5 ~ 10% có yếu tố di truyền; và tỉ lệ khả năng mắc bệnh của những người có tiền sử gia đình bị K tụy là ~ 7.8%, trong khi đó tỉ lệ này ở người không có tiền sử gia đình chỉ là 0.6%.

3. Triệu chứng ung thư tụy

Về triệu chứng, bệnh cũng không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng đặc thù, tùy thuộc vào vị trí, kích thước của khối u và mức độ di căn mà bệnh có những biểu hiện lâm sàng khác nhau, tuy nhiên phần lớn bệnh nhân K tụy đều có biểu hiện:

  • Sút cân, đau bụng, vàng da, kém ăn...
  • Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân ung thư đầu tụy đa số có biểu hiện lâm sàng là vàng da, còn trường hợp ung thư thân tụy và ung thư đuôi tụy giai đoạn đầu thường không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng.
  • Triệu chứng lâm sàng khác: đi ngoài phân đen, phân nhầy, đau bụng sau ăn, nôn, buồn nôn... Bệnh nhân mới mắc tiểu đường hoặc vốn đã bị bệnh tiểu đường nhưng diễn biến xấu đi cũng là một trong số những dấu hiệu cảnh báo ung thư tụy.

Ung thư tụy: Chẩn đoán - điều trị hiệu quả và cách phòng tránh - ảnh 1

4. Các giai đoạn ung thư tụy

Ung thư tụy là căn bệnh ít gặp nhưng lại rất nguy hiểm bởi khó phát hiện, khó điều trị và tỉ lệ tử vong cực cao. Hầu hết bệnh nhân ung thư tụy sau khi điều trị bằng phẫu thuật chỉ sống được khoảng 2-3 năm, tỉ lệ tái phát sau phẫu thuật cũng khá lớn. Còn với những bệnh nhân giai đoạn sau, không thể can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật thì đa số người bệnh đều không sống quá 1 năm sau khi phát hiện bệnh.

Ung thư tụy chia làm 4 giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn 1: Xuất hiện khối u trong tuyến tụy, kích thước chỉ dưới 2cm, hầu như không gây ra bất kỳ triệu chứng nào nên bệnh nhân rất khó phát hiện bệnh. 
  • Giai đoạn 2: Khối u đã có kích thước trên 2cm và dưới 4cm, xâm lấn đến các mô lân cận tuyến tụy nhưng chưa ảnh hưởng đến các mạch máu và tế bào ung thư có thể hiện diện ở các hạch bạch huyết xung quanh.
  • Giai đoạn 3: Khối u có thể đạt kích thước trên 6cm, tế bào ung thư xâm lấn vào các mạch máu và di căn tới nhiều hạch bạch huyết cũng như các cơ quan lân cận. 
  • Giai đoạn 4: Khối u có thể đạt bất kỳ kích thước nào, xâm lấn đến những bộ phận xa hơn như gan, phổi, màng bụng,…

5. Phương pháp điều trị ung thư tụy hiệu quả

Bệnh ung thư tụy khiến người bệnh chịu những cơn đau đớn triền miên bởi khối u chèn ép lên các dây Thần kinh và những bộ phận xung quanh. Việc điều trị chủ yếu cho người bệnh nhằm mục đích giảm đau, giảm nhẹ những triệu chứng khó chịu ở bệnh nhân. Và đa số bệnh nhân Ung thư tuyến tụy khi được phát hiện bệnh thì đã tiến triển đến giai đoạn muộn, gây nhiều khó khăn trong việc điều trị. Các phương pháp điều trị chủ yếu bao gồm:

  • Phẫu thuật: Hầu hết bệnh nhân ung thư tuyến tụy khi phát hiện bệnh đều đã ở giai đoạn cuối, không thể phẫu thuật chữa lành nhưng có thể giúp người bệnh đỡ ngứa, vàng da, cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
  • Xạ trị: Nếu không thể phẫu thuật thì xạ trị là phương án thứ hai có thể dùng cho bệnh nhân ung thư tuyến tụy để giảm nhẹ triệu chứng đau đớn, vàng da. Ngăn ngừa bệnh tái phát nếu tiến hành Xạ trị sau phẫu thuật.
  • Hóa trị: Là phương pháp điều trị hỗ trợ cho xạ trị hoặc áp dụng nếu xạ trị và phẫu thuật không còn thích hợp bởi tình trạng bệnh nhân đã diễn biến nghiêm trọng hơn. Khi đó, hóa trị đóng vai trò giúp người bệnh ung thư tuyến tụy kéo dài sự sống, giảm đau đớn, khó chịu khi bước vào giai đoạn cuối.

Ung thư tụy: Chẩn đoán - điều trị hiệu quả và cách phòng tránh - ảnh 2

Ngoài ra, bệnh nhân ung thư tụy còn có thể điều trị bệnh theo các phương pháp trên kết hợp với đông y để kéo dài sự sống và cải thiện chất lượng sống.

6. Cách Phòng tránh ung thư tụy

Cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có một khuyến cáo tiêu chuẩn hay một nguyên tắc phòng tránh rõ ràng nhằm phòng tránh căn bệnh ung thư tụy, tuy nhiên dựa vào các yếu tố nguy cơ cao có khả năng dẫn đến ung thư ở trên, Các chuyên gia ung thư đưa một số phương pháp phòng tránh như sau:

  • Không hút thuốc lá: người hút thuốc lá có tỉ lệ mắc ung thư tụy cao gấp 2 ~ 5 lần bình thường, tỷ lệ mắc các bệnh ung thư khác cũng cao hơn gấp nhiều lần người không hút thuốc.
  • Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ. Trong chế độ ăn hàng ngày ta nên tránh các thực phẩm quá nhiều dầu mỡ, thực phẩm cao năng lượng; nên ăn nhiều hoa quả, rau củ; thể dục thể thao hợp lý.
  • Nếu đang làm việc trong môi trường thường xuyên phải tiếp xúc với các chất hóa học như benzidine, beta-naphthylamine, thuốc trừ sâu (DDT), các chất liên quan đến dung môi, xăng dầu... bạn nên tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc an toàn, trang bị đầy đủ đồ bảo hộ khi làm việc, nhằm hạn chế đến mức tối đa mức độ ảnh hưởng của hóa chất đến cơ thể.
  • Viêm tụy, tiểu đường cũng là một trong số những nguyên nhân dẫn tới ung thư tụy. Do đó nếu bạn có tiền sử tiểu đường, viêm tụy cấp hoặc Viêm tụy mạn tính, bạn nên thăm khám theo dõi tầm soát định kỳ theo lời khuyên của bác sĩ.

Mọi thắc mắc các bạn có thể đặt câu hỏi bác sĩ, phòng khám và bệnh viện trên nền tảng bcare.vn để được giải đáp