Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Vi khuẩn HP khi nào sẽ gây ung thư dạ dày?

16/06/2021
Vi khuẩn HP khi nào sẽ gây ung thư dạ dày?

Vi khuẩn HP là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng viêm loét dạ dày tá tràng và làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Tuy nhiên không phải cứ bị nhiễm vi khuẩn HP thì sẽ bị ung thư dạ dày, chỉ có một số trong các chủng vi khuẩn HP có độc tính cao mới thường gây ung thư dạ dày

1. Vi khuẩn HP là gì?

Vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) là một xoắn khuẩn, gram âm, chúng có khả năng sinh ra men urease.

Vi khuẩn Hp khu trú dưới lớp chất nhầy dạ dày và gây bệnh ở niêm mạc dạ dày, tại đây chúng sinh ra men trung hòa acid dịch vị, giúp chúng có khả năng tồn tại và phát triển. Vi khuẩn này có khả năng tiết ra các men và độc tố làm tổn thương niêm mạc dạ dày, tá tràng, có thể gây Viêm Loét dạ dày tá tràng cấp tính và mạn tính, ngoài ra chúng làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

2. Vi khuẩn HP lây lan như thế nào?

Vi khuẩn HP ngoài tại trong chất thải đường tiêu hoá, nước bọt và khoang miệng người mang vi khuẩn nên chúng có thể lây lan qua 3 đường sau:

  • Đường miệng - miệng: Đây là đường lây truyền chủ yếu của vi khuẩn HP, lây lan do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt hay dịch tiết đường tiêu hóa của người mang vi khuẩn. Thông thường nếu trong gia đình có người nhiễm HP thì khả năng những người khác cũng nhiễm là rất cao. Đặc biệt nhiều cha mẹ có thói quen nhai mớm cơm cho con cũng dẫn đến nhiễm vi khuẩn HP cho trẻ.
  • Đường phân - miệng: Vi khuẩn bị thải qua phân nên thói quen sinh hoạt ăn đồ không đảm bảo vệ sinh nên có thể bị nhiễm vi khuẩn HP, hay do các loại côn trùng trung gian như muỗi, ruồi... chúng đậu vào nơi nhiễm vi khuẩn rồi đậu vào thức ăn của chúng ta gây nhiễm khuẩn.
  • Khác: Ngoài ra có thể bị lây nhiễm do khám chung các thiết bị y tế không được vệ sinh sạch sẽ như Nội soi dạ dày, dụng cụ nha khoa, soi tai mũi họng...
Vi khuẩn HP khi nào sẽ gây ung thư dạ dày? - ảnh 1
Vi khuẩn HP có thể lây lan qua đường nước bọt, đặc biệt ở trẻ em.

3. Vi khuẩn HP khi nào gây ung thư dạ dày?

Theo thống kê có khoảng 80-90% số người Việt Nam mang vi khuẩn HP, tuy nhiên không phải trường hợp nào mang vi khuẩn cũng gây ra bệnh lý của đường tiêu hoá.

Trên thực tế có một số nghiên cứu chỉ ra vi khuẩn HP trong một số trường hợp không hẳn có hại, mà sự có mặt của vi khuẩn HP giống như một vi khuẩn cộng sinh trong đường tiêu hoá, đôi khi có một số tác dụng có lợi đối với cơ thể. Ví dụ người nhiễm HP ít bị các Nhiễm trùng đường ruột hơn so với người không nhiễm HP do HP tiết ra các chất ngăn chặn vi khuẩn khác phát triển.

Tuy nhiên vi khuẩn HP cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ung thư dạ dày, nhưng tỷ lệ người nhiễm HP tiến triển thành Ung thư dạ dày chỉ khoảng 1%, chứ không phải ai mắc vi khuẩn HP cũng bị ung thư dạ dày.

Vi khuẩn HP có tới hơn 200 loại, khi nhiễm vi khuẩn HP, nếu loại HP đó mang gen CagA có độc lực cao, làm tăng nguy cơ ung thư. Tuy nhiên chỉ có số ít loại HP mang gen này.

Khi nhiễm vi khuẩn HP, bệnh nhân có thể làm Xét nghiệm vi khuẩn HP thuộc nhóm có độc lực mang gen CagA hay không, nếu có thì có thể trở thành Ung thư dạ dày nên người bệnh cần có kế hoạch điều trị diệt vi khuẩn và theo dõi bệnh định kỳ giúp phát hiện, xử lý sớm nếu mắc bệnh.

4.Khi nào cần tiến hành điều trị vi khuẩn HP?

Không phải cứ nhiễm vi khuẩn là phải dùng thuốc diệt, mà điều trị diệt HP được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Khi vi khuẩn gây ra viêm, loét dạ dày tá tràng, thiếu máu do thiếu sắt, xuất huyết giảm tiểu cầu, ung thư dạ dày đã được điều trị. Từ đó ngăn chặn nguy cơ loét dạ dày dẫn đến thủng dạ dày, xuất huyết tiêu hoá và tiến triển thành ung thư dạ dày.
  • Ngoài ra việc điều trị còn được chỉ định cho những người có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư dạ dày như: Người có tiền sử gia đình mắc ung thư, polyp dạ dày, viêm teo niêm mạc dạ dày và người thường xuyên phải sử dụng thuốc chống viêm giảm đau.

Do việc làm dụng thuốc điều trị nên tỷ lệ kháng thuốc của vi khuẩn HP cao, khi điều trị cần tuân thủ một số điều dưới đây:

  • Tuân thủ sử dụng thuốc đúng, đủ một liệu trình do bác sĩ đưa ra, không tự ý mua thuốc để sử dụng hay tự ý dừng điều trị dù các triệu chứng lâm sàng có giảm.
  • Trong quá trình điều trị nếu triệu chứng bệnh không giảm hoặc bị ảnh hưởng bởi các tác dụng bất lợi của thuốc cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị để được tư vấn và đổi phác đồ nếu cần.
  • Sau một liệu trình diệt HP, cần phải tái khám đánh giá xem đã diệt thành công vi khuẩn chưa.
  • Người bệnh vẫn có khả năng tái nhiễm những chủng HP khác nhau, nên cần có biện pháp phòng bệnh.
  • Nên hạn chế ăn đồ chua, cay, uống rượu, bia, cà phê, hút thuốc lá...

Khi nhiễm vi khuẩn HP, người bệnh không nên mang Tâm lý quá lo lắng sẽ bị ung thư dạ dày, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý, vì thực tế không phải cứ nhiễm khuẩn là bị ung thư. Người bệnh cần có kế hoạch chăm sóc và theo dõi giúp phát hiện sớm những bất thường.