1. Vi khuẩn nào gây bệnh lao trên người?
Trực khuẩn lao có tên khoa học là Mycobacterium tuberculosis được phát hiện từ năm 1882 bởi Robert Koch nên còn có tên gọi khác là Bacille de Koch hay vi khuẩn BK. Tại thời điểm phát hiện ra vi khuẩn gây bệnh cho đến nửa đầu thế kỷ XX, bệnh lao vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Ngày nay, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hơn một dân ba dân số thế giới có nhiễm vi khuẩn lao và có khoảng 8 triệu người chết mỗi năm vì bệnh lao.
Vi khuẩn lao có dạng hình que nhỏ, hơi cong, kích thước khoảng 3 x 0,5 mm. Quan sát trên kính hiển vi nhận thấy vi khuẩn lao không có lông, không có vỏ và không có nha bào, chúng thường đứng tập trung thành từng khúm. Vi khuẩn lao chuyển màu đỏ khi tiến hành nhuộm Ziehl- Neelsen.
Trực khuẩn lao có sức đề kháng tốt. Chúng tồn tại được ở môi trường bên ngoài cơ thể khoảng vài tuần, có thể đạt đến vài tháng nếu trú ẩn trong đàm qua các động tác khạc nhổ của người bệnh. Các dung dịch diệt khuẩn muốn tiêu diệt trực khuẩn lao cần có nồng độ đậm đặc và tiếp xúc trong thời gian lâu. Môi trường sống thuận lợi của vi khuẩn lao là môi trường giàu khí oxy với nhiệt độ ở mức 37 độ C. Đây là lý do tại sao vi khuẩn lao thường gây bệnh ở phổi, nhất là vùng đỉnh phổi.
2. Trực khuẩn lao gây bệnh cho cơ thể người như thế nào?
Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp. Các giọt bắn như đờm dãi chứa vi khuẩn lao do người bệnh thải ra môi trường bên ngoài và xâm nhập vào cơ thể người lành khi nói chuyện hoặc tiếp xúc gần. Ngoài ra, vi khuẩn lao còn có thể bắt đầu gây bệnh qua đường tiêu hóa do người uống phải sữa chứa vi khuẩn lao bò Mycobacterium bovis.
Vi khuẩn lao lần đầu tiên xâm nhập vào cơ thể thường chưa gây bệnh thực sự. Đáp ứng miễn dịch của cơ thể với vi khuẩn lao lúc này sinh ra một phản ứng viêm nhẹ tại phổi. Các đáp ứng miễn dịch sau đó của cơ thể xuất hiện hoàn chỉnh sau khoảng 4 đến 6 tuần. Kết quả là vi khuẩn lao bị thực bào bởi đại thực bào, hình thành các u hạt, tổ chức Hoại tử bã đậu và các tổn thương dạng xơ sẹo. Bệnh lao là một bệnh mạn tính, diễn tiến âm thầm trong một khoảng thời gian kéo dài vì vi khuẩn lao không bị tiêu diệt một cách hoàn toàn mà tiếp tục cư trú bên trong cơ thể ở dạng không hoạt động, gọi là lao sơ nhiễm. Những người này thường không có biểu hiện lâm sàng, ngoại trừ Xét nghiệm test tuberculin (+) với khả năng lây nhiễm trong cộng đồng không cao. Khi hệ miễn dịch cơ thể bị suy yếu vì một nguyên nhân nào đó, vi khuẩn lao sẽ hoạt động trở lại và sẵn sàng gây bệnh cho cơ thể người, được gọi là bệnh lao hoạt động. Số lượng vi khuẩn lao tồn tại bên trong cơ thể càng nhiều thì khả năng tái phát và gây bệnh càng cao.
Do tính chất ái khí, vi khuẩn lao gây bệnh chủ yếu ở phổi và các tổn thương trong Lao phổi thường tập trung nhiều ở vùng đỉnh, nơi có nhiều khí oxy nhất. Biểu hiện lâm sàng điển hình của Lao phổi là đau ngực, khó thở, Ho khạc đờm kéo dài, về sau có thể Ho ra máu. Vi khuẩn lao bên trong chất tiết đường Hô hấp như đàm là nguồn lây bệnh khác cho cộng đồng. Theo đường máu bên trong cơ thể hoặc đường lân cận, vi khuẩn lao có thể từ phổi đến gây bệnh cho nhiều cơ quan khác nhau như tủy xương, cột sống, màng bụng, tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục, hệ Thần kinh trung ương.
3. Các xét nghiệm phát hiện vi khuẩn lao gây bệnh
Bệnh lao được nghĩ tới thông qua các triệu chứng lâm sàng đặc hiệu như ho khạc đờm kéo dài, tức ngực, khó thở, sụt cân nhưng muốn chẩn đoán chính xác bệnh lao cần có các xét nghiệm cận lâm sàng để tìm thấy sự hiện diện của vi khuẩn lao gây bệnh. Mẫu bệnh phẩm để thực hiện xét nghiệm lao đến từ các cơ quan nghi ngờ bị nhiễm lao, phổ biến nhất là đờm, ngoài ra còn có dịch dạ dày, dịch màng phổi, dịch màng bụng, dịch Não tủy và nước tiểu.
Các phương pháp phát hiện vi khuẩn lao gây bệnh thường được thực hiện trên lâm sàng là:
- Soi tươi: bệnh phẩm được tiến hành nhuộm theo phương pháp Ziehl – Neelsen và quan sát dưới kính hiển vi. Vi khuẩn lao được xác định là những vi khuẩn hình que bắt màu đỏ, đứng tập trung thành từng cụm hoặc riêng lẻ. Phương pháp này trước đây thường được ưu tiên thực hiện, tuy nhiên tỷ lệ phát hiện vi khuẩn không cao và không phân biệt được vi khuẩn gây bệnh lao người Mycobacterium tuberculosis với các loại vi khuẩn Mycobacterium khác.
- Nuôi cấy: vi khuẩn lao mọc trên môi trường đặc Lowenstein – Jensen hoặc môi trường lỏng là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh lao hiện nay. Mẫu bệnh phẩm cần được lấy trong ít nhất 3 ngày liên tục để làm tăng độ chính xác. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là tốc độ mọc chậm của vi khuẩn lao, khoảng 4 đến 6 tuần trên môi trường đặc và khoảng 2 tuần trên môi trường lỏng.
Bệnh lao không khó để được phát hiện và chẩn đoán, tuy nhiên quá trình điều trị triệt để bệnh lao tốn khá nhiều thời gian và tiền bạc. Người mắc bệnh lao cần sử dụng thuốc theo đúng phác đồ kéo dài liên tục trong nhiều tháng với nguy cơ mắc phải các tác dụng phụ của thuốc kháng lao.
Tuy là căn bệnh nguy hiểm nhưng bệnh lao là một bệnh có thể phòng ngừa được. Biện pháp dự phòng lao đặc hiệu và hiệu quả nhất là tiêm phòng vắc–xin BCG. Miễn dịch kháng lao được tạo ra bền vững sau khi tiêm phòng, giúp bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn lao.