1. Dính buồng tử cung là gì?
Bản chất của hiện tượng Hành kinh hàng tháng là việc bong ra của các lớp niêm mạc tử cung. Khi buồng tử cung bị dính lại, niêm mạc sẽ không có chỗ để mọc nên sẽ không có kinh, kể cả khi chị em vẫn thấy cơ thể có những triệu chứng báo hiệu ngày 'đèn đỏ' như tức ngực, đau lưng, người mệt mỏi, khó chịu, đau bụng.
Bình thường buồng tử cung vốn là một khoang ảo, nếu bị dính toàn bộ bệnh nhân sẽ tắt kinh hẳn vì không có niêm mạc để bong ra, gây chảy máu. Nếu chỉ một phần buồng tử cung bị dính thì chị em vẫn có kinh nguyệt nhưng giảm hẳn về lượng máu cũng như ngày ra máu, kèm theo chứng đau bụng do máu khó thoát ra.
Theo các bác sĩ sản phụ khoa, khi bị tắt kinh vì dính buồng tử cung, nhiều phụ nữ dễ nhầm lẫn mình có thai mà không nghĩ đến trường hợp bị bệnh. Ở một số trường hợp khác, nhiều chị em bỗng dưng thấy ngày kinh và lượng kinh ít hẳn thì lại cho là mình bị Rối loạn kinh nguyệt và sử dụng thuốc Nội tiết để điều chỉnh. Việc phát hiện và chẩn đoán dính buồng tử cung thường không chỉ dựa vào các biểu hiện bên ngoài mà bác sĩ phải căn cứ vào kết quả chụp X quang.
Có rất nhiều nguyên nhân dính buồng tử cung gây nên bệnh ở phụ nữ, tuy nhiên ta có thể tổng hợp lại thành những nguyên nhân chính như sau:
- Trong quá trình tiến hành bỏ thai bị sót nhau thai.
- Do ảnh hưởng từ các biến chứng sau khi sinh con hoặc hậu quả sau khi sẩy thai.
- Viêm tử cung do nạo hút thai tại các cơ sở không đảm bảo hoặc viêm nhiễm sau hậu sản cũng có thể dẫn tới dính buồng tử cung.
- Nếu như mắc một số căn bệnh Phụ khoa dẫn tới Tình trạng viêm nhiễm nặng vùng kín và không được chữa trị kịp thời.
- Tầng đáy nội mạc tử cung có dấu hiệu bị suy thoái nghiêm trọng.
3. Dấu hiệu dính buồng tử cung
Do cơ chế gắn liền với chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, nên dấu hiệu dính buồng tử cung có thể nhận biết thông qua những bất thường trong kỳ nguyệt san. Để biết mình có nguy cơ bị dính tử cung hay không, chị em cần lưu ý một số dấu hiệu sau đây:
- Rối loạn kinh nguyệt, kinh nguyệt không đều là một trong những biểu hiện rõ nhất. Khi buồng tử cung bị dính, các mô nội mạc tử cung sẽ không được tái tạo và bong tróc theo đúng quy trình để tạo ra kinh nguyệt như bình thường. Sẽ phụ thuộc vào việc tử cung bị dính một phần hay toàn bộ mà dẫn tới tình trạng kinh thưa, lượng máu kinh ít, máu kinh bị vón cục, màu đỏ nhờ nhờ... hoặc vô kinh thứ phát.
- Mặc dù có thể Mất kinh tạm thời nhưng chị em vẫn có một số biểu hiện báo hiệu đến chu kỳ đèn đỏ như: đau tức ngực, khó thở, đau lưng, mệt mỏi, khó chịu, đau nhức vùng lưng, bụng, hông...
- Máu kinh không thể thoát được ra ngoài hoặc do viêm nhiễm nào đó ở vùng kín dẫn tới tình trạng đau bụng.
- Một số người nhận thấy đau dữ dội vùng bụng dưới sau khi tiến hành nạo hút thai hoặc bị sảy thai. Ngay cả lúc đi lại hay đi vệ sinh bạn cũng có thể gặp phải tình trạng này, nguyên nhân có thể do chị em đã bị dính buồng tử cung khiến máu kinh không thoát được ra ngoài, hoặc đã bị viêm nhiễm.
Các dấu hiệu dính buồng tử cung nguy hiểm nhưng rất dễ bị bỏ qua hoặc dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác. Vì vậy, để biết chính xác hiện tượng này, chị em cần tiến hành thăm khám định kỳ, chụp X-quang tử cung, vòi trứng, siêu âm nội soi buồng trứng... để xác định chính xác dấu hiệu dính buồng tử cung, tránh trường hợp chỉ dựa vào những biểu hiện lâm sàng bên ngoài.
4. Các biện pháp điều trị dính buồng tử cung
Khi nhận thấy các dấu hiệu dính buồng tử cung, rất nhiều chị em hoang mang bởi bệnh có thể dẫn đến nguy cơ hiếm muộn, vô sinh nữ gây ảnh hưởng tới thiên chức làm mẹ và hạnh phúc gia đình.
Trên thực tế, bệnh hoàn toàn có thể chữa được nếu kết hợp phương pháp phẫu thuật với việc dùng thuốc theo chỉ định. Tuy nhiên, nếu nghi ngờ chị em cần tiến hành thăm khám sớm để bác sĩ làm các Xét nghiệm cần thiết xem xét mức độ dính tử cung đang ở mức nào. Với phương pháp phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành bóc tách thành tử cung trước và sau của người bệnh, sau đó sẽ đặt một dụng cụ vào giữa để ngăn chặn chúng dính trở lại. Sau khi thủ thuật, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân dùng thuốc để kích thích lớp nội mạc tử cung dày lên.
Đối với một số trường hợp bị dính buồng tử cung do viêm nhiễm thì trước khi tiến hành phẫu thuật tách dính, bệnh nhân cần điều trị dứt điểm viêm nhiễm.
Như vậy, ngay khi thấy những dấu hiệu dính buồng tử cung, người bệnh cần chủ động tới bệnh viện thăm khám, kiểm tra, xác định nguyên nhân để có hướng xử trí kịp thời. Tránh để bệnh kéo dài, gây khó khăn cho việc xử trí sau này, thậm chí có thể dẫn đến những biến chứng khó lường.