1. Viêm Loét dạ dày là căn bệnh như thế nào?
Viêm Loét dạ dày tá tràng, hay thường gọi là viêm loét dạ dày, xuất hiện khi niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng bị tổn thương dẫn đến hiện tượng viêm loét, thông thường vết loét có kích cỡ khoảng 0,5 cm trở lên. Niêm mạc bị tổn thương khi màng lót dạ dày, tá tràng bị thủng khiến lớp mô bên dưới bị lộ ra, kết hợp với sự xâm nhập của các độc tố như axit dư thừa, thuốc hay vi khuẩn làm hình thành các vết loét. Thông thường viêm loét thường xuất hiện ở dạ dày hơn tá tràng.
Viêm dạ dày là căn bệnh khá phổ biến ở Việt Nam. Biểu hiện bệnh thường diễn ra âm ỉ, không dễ phát hiện, thậm chí ở nhiều người hầu như không xuất hiện triệu chứng. Một số triệu chứng điển hình của bệnh là đau vùng thượng vị, đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, ợ hơi, ợ chua, đau bụng có tính chất chu kỳ theo mùa hay theo thời gian dùng bữa.
2. Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) – Tác nhân chính gây viêm loét dạ dày
Vi khuẩn HP (tên khoa học: Helicobacter pylori) được biết đến là một loại vi khuẩn sinh sống và phát triển trong cơ quan dạ dày. Loại vi khuẩn này có thể thâm nhập vào cơ thể người thông qua nhiều con đường khác nhau, sinh sống và phát triển trong dạ dày người. Do đặc tính của vi khuẩn HP có khả năng tiết ra một loại enzyme có tên là Urease có khả năng trung hòa acid trong dạ dày, điều này cũng khiến cơ thể tiết ra chất kháng viêm có nguy cơ gây hại cho niêm mạc dạ dày.
Theo thống kê của Hội khoa học Tiêu hóa Việt Nam, trung bình 70% ca được chẩn đoán viêm loét dạ dày là do nhiễm khuẩn HP. Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, việc nhiễm khuẩn HP trong thời gian dài có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm hơn như chảy máu dạ dày, thủng niêm mạc dạ dày, thậm chí có nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Vi khuẩn HP gây bệnh qua 2 phương thức chính:
- Vi khuẩn HP có khả năng tiết ra một loại men làm loại bỏ lớp chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày, làm tiền đề cho acid dạ dày xâm nhập vào lớp niêm mạc gây tổn thương.
- Vi khuẩn HP sản sinh ra một loại độc tố có khả năng làm thoái hóa, Hoại tử tế bào dạ dày, từ đó acid dịch vị thẩm thấu mạnh mẽ gây viêm loét, trợt dạ dày.
Vì vậy, có thể coi nhiễm khuẩn HP là tác nhân chính dẫn đến viêm loét dạ dày. Ngoài ra, việc Lạm dụng thuốc kháng sinh; sử dụng rượu bia, thuốc lá thường xuyên; chế độ ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh; căng thẳng đầu óc... cũng là một số những nguyên nhân có thể dẫn tới viêm loét dạ dày.
3. Vi khuẩn HP lây nhiễm qua đường nào?
Theo thống kê, hiện nay có khoảng 50% dân số thế giới nhiễm vi khuẩn HP, và loại vi khuẩn này hoàn toàn có khả năng bị nhiễm từ người sang người.
3.1 Lây nhiễm qua đường miệng – miệng
Đây được coi là phương thức chủ yếu làm lây nhiễm vi khuẩn HP. Do vi khuẩn HP tồn tại trong dịch vị dạ dày, nước bọt, mảng bám răng nên chúng được lây truyền từ người này sang người khác khi dùng chung bát đũa, chung bàn chải đánh răng, khi hôn, khi mẹ mớm cơm cho con.
Theo nhiều chuyên gia y khoa, nếu trường hợp trong gia đình có người bị nhiễm vi khuẩn HP thì tỷ lệ những người còn lại mắc bệnh là rất cao.
3.2 Lây nhiễm qua đường phân – miệng
Vi khuẩn HP sẽ được cơ thể đào thải ra ngoài môi trường qua đường phân. Vì vậy, sau khi đi đại tiện hay trước khi ăn, người bệnh cần chú ý nhớ rửa tay bằng xà phòng để tránh nhiễm vi khuẩn HP.
3.3 Lây nhiễm qua đường dạ dày – miệng
Vi khuẩn HP thường trú ngụ và phát triển trong dạ dày, nên khi người bị nhiễm khuẩn HP xuất hiện tình trạng trào ngược dạ dày hay ợ chua sẽ là con đường vận chuyển HP lẫn chung với dịch dạ dày lên miệng.
3.4 Lây nhiễm qua đường dạ dày – dạ dày
Trong trường hợp này, người khỏe mạnh có nguy cơ nhiễm khuẩn HP thông qua các dụng cụ, thiết bị y tế khi tiến hành nội soi dạ dày. Khi tiến hành nội soi dạ dày, nếu đầu dò không được vệ sinh khử trùng đúng tiêu chuẩn thì vi khuẩn HP có thể bám lại và thâm nhập vào cơ thể người thực hiện Nội soi tiếp theo.
4. Tầm soát phát hiện vi khuẩn HP
Hiện nay, nhiều phương pháp giúp tầm soát phát hiện vi khuẩn HP hiện đang được áp dụng, trong đó phương pháp test C O được dùng khá phổ biến, tuy nhiên nếu áp dụng phương pháp này lên từng cá thể thì không thu được kết quả rõ rệt. Ngoài ra, trong y học lâm sàng thường kết hợp kiểm tra HP khi nội soi dạ dày hoặc sử dụng mô bệnh học, đây là 2 phương pháp phổ biến nhất.
Bên cạnh đó, một phương pháp hiện cũng đang được ưu tiên áp dụng là test hơi thở, do nó có thể định lượng cụ thể hàm lượng vi khuẩn HP trên từng cá thể, qua đó bác sĩ có thể cân nhắc và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Đây cũng là phương pháp cho độ đặc hiệu cao nhất hiện tại.
5. Đối tượng và phương pháp điều trị nhiễm khuẩn HP
Việc điều trị tiêu diệt HP tùy thuộc vào nhiều yếu tố, cần cân nhắc chủng loại và biểu hiện lâm sàng của từng người bệnh. Khuyến cáo cần triệt tiêu vi khuẩn HP đối với những trường hợp phát hiện tổn thương thông qua nội soi dạ dày, người có tiền sử gia đình mắc ung thư dạ dày, trường hợp trên 40 tuổi có nguy cơ cao mắc các bệnh nguy hiểm.
Phương pháp tiêu diệt vi khuẩn HP hiện đang áp dụng là dùng thuốc giảm bài tiết axit béo trong dạ dày kết hợp với kháng sinh để triệt tiêu HP. Phác đồ tiêu diệt HP này cho kết quả tích cực lên tới 90%, tuy nhiên do vi khuẩn HP dễ dàng lây lan qua con đường ăn uống nên tỷ lệ tái nhiễm khá cao khi sinh hoạt cộng đồng.
Vì vậy, sau khi tiêu diệt vi khuẩn HP hoàn toàn, người bệnh vẫn cần chú ý thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm HP, không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người khác, giảm thiểu nguy cơ tái nhiễm.