1. Các triệu chứng bệnh thủy đậu
Bệnh lây nhiễm do tiếp xúc gần với người bệnh thủy đậu, qua các giọt li ti chứa virus trong không khí và tiếp xúc với dịch tiết từ nốt phỏng. Bệnh lây rất mạnh, và người nhiễm bệnh có thể reo rắc virus ngay cả khi chưa có phát ban và các triệu chứng bệnh.
Sau khi bị nhiễm virus, thời gian ủ bệnh thường từ 10 đến 21 ngày. Những triệu chứng đầu tiên thường là sốt, mệt, đau họng, chán ăn. Sau đó xuất hiện các ban trên da, ban đầu là nốt đỏ nhỏ, sau đó thành các nốt phỏng chứa dịch trong, thường ngứa. Các nốt phỏng này sau đó vỡ ra, khô đi, đóng vảy và sau cùng bong vảy. Các nốt phỏng này có thể mọc trên toàn thân, và hết sau khoảng 1 tuần.
Bệnh thủy đậu ở người lớn thường biểu hiện rầm rộ hơn ở trẻ em, với Sốt cao, đau họng, đau đầu, ho, và ban mọc trên da dày hơn. Các biến chứng chính của bệnh là viêm phổi và viêm gan. Đôi khi gặp viêm não.
Trẻ em mắc thủy đậu thường tự khỏi, nhưng người lớn mắc thủy đậu sẽ được bác sĩ cho dùng thuốc kháng virus (acyclovir, valacyclovir) để mau khỏi hơn.
2. Biến chứng của bệnh thủy đậu
Thuỷ đậu thường là bệnh nhẹ, tuy nhiên ở một số nhóm nguy cơ bệnh có có thể gây nguy hiểm. Đó là các nhóm:
- Phụ nữ có thai
- Trẻ sơ sinh
- Những người bị suy giảm miễn dịch, gồm người nhiễm HIV, người được ghép tạng hay ghép tủy xương.
3. Thủy đậu ở phụ nữ có thai
Mắc thủy đậu trong thai kỳ có thể gây một số biến chứng, như viêm phổi ở mẹ, hoặc trong một số trường hợp có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Thuỷ đậu cũng rất nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh, do vậy phụ nữ có thai nếu chưa từng tiêm vaccin thì nên lập tức báo cho bác sĩ nếu có tiếp xúc với người bệnh thủy đậu hoặc có các triệu chứng của thủy đậu.
Trẻ sơ sinh sinh ra từ người mẹ mắc thủy đậu trong vòng 5 ngày trước sinh đến 2 ngày sau sinh, có nguy cơ cao cũng bị mắc thủy đậu nặng do lây truyền trong tử cung.
Trong giai đoạn đang Mang thai không được tiêm vacxin thủy đậu.
4. Bạn có thể mắc thủy đậu 2 lần không?
Phần lớn không mắc thủy đậu lần hai, tuy nhiên đôi khi vẫn xảy ra trường hợp này. Ở một số người, virus có thể lại tái hoạt hóa về sau, gây bệnh zona, còn gọi là bệnh giời leo.