Viêm da cơ địa mùa hanh khô - phòng tránh và chăm sóc

Viêm da cơ địa thường gặp lúc thời tiết hanh khô là bệnh viêm da Dị ứng mãn tính. Bị viêm da cơ địa khiến người bệnh Ngứa ngáy, khó chịu. Vây, phòng ngừa và chăm sóc, bảo vệ da cho người bệnh Viêm da cơ địa mùa hanh khô như thế nào?
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Viêm da cơ địa là bệnh gì?

Viêm da cơ địa có thể ảnh hưởng đến bất kỳ vùng da nào nhưng thường gặp là vùng bàn tay và các nếp gấp (gấp khoeo chân, gấp khuỷu tay...). Các triệu chứng rầm rộ từng đợt rồi thuyên giảm và sau một thời gian sẽ lặp lại. Chính vì vậy, bệnh lý này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống, làm người bệnh mệt mỏi và khó chịu.

Viêm da cơ địa thường tiến triển thành từng đợt, trong đợt cấp tính, người bệnh thấy một vùng da nổi mẩn đỏ và ngứa. Mức độ Ngứa đôi khi rất nghiêm trọng, đặc biệt là vào ban đêm khiến người bệnh mất ngủ. Khi bệnh lui dần, vùng da sẽ chuyển sang màu nâu, xám, hoặc để lại các mảng dày da do chà xát nhiều.

Do ngứa nhiều người bệnh phải gãi, vùng da bệnh rất dễ bị trầy xước, có thể bị nhiễm trùng, tổn thương sẽ sưng viêm, tiết mủ đục, có mùi hôi. Tình trạng ngứa mạn tính và việc chà xát kéo dài sẽ khiến da dày lên. Đặc điểm da của người bệnh viêm da cơ địa thường khô, nứt nẻ.

2. Các dấu hiệu viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa ở người lớn có một số dấu hiệu giống với nhiều bệnh ngoài da khác. Tuy nhiên, tình trạng bệnh cũng có những đặc điểm riêng biệt, không nhầm lẫn. Bệnh viêm da cơ địa ở người lớn chủ yếu gây ra các dấu hiệu như:

  • Dày da, thâm da, dấu hiệu liken hoá do viêm da mãn tính.
  • Xuất hiện các đợt ngứa xuyên suốt và kéo dài trong thời gian bùng phát bệnh.
  • Bệnh nhân có thể có các mảng đỏ lan rộng trên da, đôi khi những mảng này không có ranh giới rõ ràng.
  • Đôi khi trên da của bệnh nhân có các đám ban đỏ hình tròn.
  • Da có thể bị khô và bong tróc.
  • Một số trường hợp còn có thể viêm, có mụn nước, chảy dịch.

Vị trí chủ yếu xuất hiện thương tổn thường khu trú ở những vùng da như khoeo chân, khuỷu tay, có thể xuất hiện đối xứng. Ngoài các dấu hiệu ngoài da, bệnh nhân thường kèm theo bị các bệnh dị ứng khác như hen phế quản, dị ứng thời tiết, Dị ứng thức ăn.

3. Nguyên nhân và các yếu tố gây viêm da cơ địa

Hiện nay, nguyên nhân gây viêm da cơ địa chưa được xác định rõ. Các nhà nghiên cứu cho rằng di truyền kết hợp với các yếu tố môi trường có thể là nguyên nhân gây ra Tình trạng viêm da cơ địa hoặc làm cho các triệu chứng viêm da trở nên nặng hơn.

  • Các dị ứng di truyền thường gặp là: thịt và trứng của các loài gia cầm, sữa bò, sữa dê, các loại hải sản (tôm, cua, cá), phấn hoa, lông vật nuôi...
  • Các yếu tố môi trường làm kích phát triệu chứng của bệnh viêm da cơ địa như: thời tiết hanh khô, độ ẩm môi trường thấp, tắm nước nóng khiến độ ẩm trên da bị giảm, nhiệt độ thay đổi đột ngột, dị ứng hóa chất từ xà phòng, các chất tẩy rửa, mỹ phẩm, nước hoa, phân bón, thuốc trừ sâu, xăng, dầu, khói bụi; hoặc mắc các bệnh nhiễm khuẩn da, đặc biệt là do tụ cầu vàng; hoặc bị sang chấn tâm lý.

4. Điều trị và chăm sóc khi bị viêm da cơ địa vào mùa hanh khô như thế nào?

4.1. Điều trị viêm da cơ địa

Bệnh nhân bị viêm da cơ địa cần hợp tác chặt chẽ với thầy thuốc trong điều trị, không nên tự ý ngưng sử dụng thuốc khi có dấu hiệu thuyên giảm. Phác đồ điều trị viêm da cơ địa như sau:

  • Sử dụng kem dưỡng ẩm để chống khô da.
  • Sử dụng thuốc bôi Corticosteroid trong một thời gian ngắn, sau đó bôi duy trì tacrolimus và kem dưỡng ẩm trong thời gian dài để hạn chế bệnh viêm da cơ địa tái phát.
  • Sử dụng thuốc kháng sinh dạng bôi hoặc uống để chống nhiễm tụ cầu.
  • Sử dụng thuốc kháng histamin để chống ngứa.

4.2. Chăm sóc khi bị viêm da cơ địa

  • Tránh gãi nhiều hoặc chà xát vùng da bị tổn thương.
  • Bôi kem dưỡng ẩm hàng ngày để chống khô da, hạn chế ngứa.
  • Hạn chế tiếp xúc với các chất gây dị ứng.

5. Phòng ngừa viêm da cơ địa mùa hanh khô như thế nào?

  • Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố dễ gây dị ứng như mỹ phẩm, hóa chất, các loại thực phẩm.
  • Khi thời tiết hanh khô, chuyển mùa, cần cảnh giác bệnh xuất hiện hoặc tái phát. Khi thấy dấu hiệu bệnh xuất hiện, nên đi khám ngay.
  • Giữ gìn vệ sinh thân thể và môi trường sống sạch sẽ tốt.
  • Bệnh nhân bị viêm da cơ địa nên tắm nước ấm thay vì nước lạnh.
  • Nên uống đủ nước mỗi ngày và có chế độ Dinh dưỡng đầy đủ chất để tăng cường sức đề kháng.

Khi thời tiết hanh khô sẽ tạo điều kiện để bệnh viêm da nói chung và viêm da cơ địa nói riêng xuất hiện và tái phát. Do đó người bệnh cần cảnh giác và phòng ngừa bệnh.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung