Viêm tai giữa có thể gây thủng màng nhĩ không?

Viêm tai giữa thủng màng nhĩ là giai đoạn biến chứng của viêm tai giữa khi không được phát hiện và điều trị kịp thời. Ngoài ra, bệnh Viêm tai giữa còn có thể khiến người bệnh bị liệt mặt, Viêm tai xương chũm , thậm chí là viêm màng não, áp xe não....
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Viêm tai giữa là bệnh gì?

Viêm tai giữa (VTG) cấp là Tình trạng viêm cấp niêm mạc hòm nhĩ, vòi nhĩ và niêm mạc lót trong tế bào hơi của xương chũm.

Vì vị trí giải phẫu của tai, xương chũm rất gần não, tĩnh mạch bên nên dễ gây nên biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong. Hipocrat đã từng nói rằng “Đau tai cấp tính kèm theo Sốt cao liên tục vô cùng nguy hiểm vì có thể dẫn đến hôn mê mà chết”.

Từ khi kháng sinh ra đời và được đưa vào chữa bệnh rộng rãi thì VTG và xương chũm cấp đã được điều trị hiệu quả nếu được điều trị kịp thời. Chỉ có bệnh nhân phát hiện muộn, đã có biến chứng hoặc đe dọa biến chứng mới cần phẫu thuật viêm tai giữa.

2. Đối tượng nào dễ bị viêm tai giữa?

VTG cấp thường gặp ở trẻ em từ 1-2 tuổi, trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ bị Suy giảm miễn dịch sau một số bệnh như sởi… thường dễ bị mắc bệnh VTG cấp.

Trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi tỷ lệ mắc bệnh là 80%. 30% có thể tự khỏi. Khoảng 40% bị viêm tai giữa tái phát nhiều lần.

Tuổi càng lớn VTG cấp càng giảm vì tuổi càng lớn tỉ lệ nhiễm khuẩn đường hô hấp trên cấp tính càng giảm, chức năng vòi nhĩ càng tốt nên bảo vệ tai giữa tốt hơn, tổ chức VA dần teo đi ít gây tắc vòi nhĩ.

3. Nguyên nhân gây viêm tai giữa là gì?

Viêm tai giữa do viêm nhiễm tại chỗ chủ yếu do viêm VA, amidal, mũi họng cấp, xoang; tắc vòi nhĩ: do u sùi họng, thay đổi áp lực đột ngột khi đi máy bay, lặn sâu… tình trạng Dị ứng gây phù nề tắc vòi; dị tật hở hàm ếch: các nghiên cứu của nhiều tác giả cho rằng có >50% bệnh nhân hở hàm ếch bị VTG cấp; do vi khuẩn thường gặp: tụ cầu (Streptococus pneumoniae) 30%, virut cúm (Hemophilus influenzae) 23%…, Moraxella catarralis 14%.

Viêm tai giữa cấp giai đoạn vỡ mủ là dấu hiệu màng nhĩ đã thủng. Triệu chứng toàn thân và cơ năng giảm hẳn, đỡ sốt, trẻ đỡ quấy khóc, hết tiêu chảy.

Thăm khám thấy ống tai ngoài có mủ, màng nhĩ có lỗ thủng ở giữa hoặc trước dưới, mủ lúc đầu loãng, nhầy, sau đặc dần thành mủ nhầy keo hoặc mủ trắng đặc. Nếu được điều trị kháng sinh, chống viêm, làm thuốc tai tốt, bệnh sẽ khỏi, màng tai có thể liền.

Nếu giai đoạn này không được điều trị hay điều trị không kịp thời bệnh sẽ chuyển sang VTG mạn tính, hoặc viêm xương chũm cấp và có thể gây các biến chứng như: liệt mặt ngoại biên, viêm mê nhĩ, ù tai chóng mặt, viêm màng não…bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ do bệnh tích lan qua khớp trai đá.

4. Viêm tai giữa có gây thủng màng nhĩ không?

Bệnh viêm tai giữa chia thành 3 thể lâm sàng sau: Viêm tai giữa ứ dịch, viêm tai giữa cấp mủ, viêm tai giữa cấp hoại tử. Người bệnh viêm tai giữa sẽ thường xuyên bị đau nhức tai, ù tai, cảm thấy khó chịu trong tai và mệt mỏi, giảm thính lực... Trong trường hợp tai xuất hiện mủ và mủ do viêm tai giữa không được xử lý sẽ gây ra Tình trạng viêm tai giữa thủng màng nhĩ vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng nghe, nói.

Người bệnh bị viêm tai giữa mãn tính thủng nhĩ sẽ xuất hiện triệu chứng chảy mủ tai, nghe kém, khi soi tai sẽ thấy màng nhĩ bị thủng, hòm nhĩ ứ dịch, mô hạt bị viêm, polyp hòm nhĩ. Trường hợp này cần phải điều trị bằng thuốc kháng sinh uống hoặc loại nhỏ tai, đồng thời vệ sinh tai đúng cách để khống chế mô hạt viêm, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật vá nhĩ giúp ngăn cản sự xâm nhập vi trùng vào hòm nhĩ và phục hồi sức nghe.

Bệnh viêm tai giữa rất dễ biến chứng thành viêm tai giữa thủng màng nhĩ nên người bệnh tuyệt đối không được chủ quan, ngay khi có biểu hiện bệnh thì cần đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và có phác đồ điều trị phù hợp, ngăn ngừa biến chứng xảy ra.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung