1. Bệnh Viêm túi thừa đại tràng
Túi thừa đại tràng là những cấu trúc dạng túi phát triển trong thành đại tràng do niêm mạc và lớp dưới niêm xuyên qua thành của đại tràng tạo thành. Túi thừa thường gặp ở đại tràng Sigmoid và đại tràng trái, cũng có thể gặp ở toàn bộ đại tràng.
Nguy cơ mắc bệnh túi thừa đại tràng ở Mỹ: 5 % dân số ở lứa tuổi 40, đến 80 % dân số ở tuổi 80. Trong đó, 10-20 % người có túi thừa đại tràng sẽ bị Viêm túi thừa đại tràng và trong nhóm này sẽ có 10-20 % phải nhập viện điều trị. Trong nhóm nhập viện điều trị thì tỉ lệ phải phẫu thuật chiếm 20-50%.
2. Khi nào có chỉ định mổ viêm túi thừa đại tràng?
Bệnh nhân viêm túi thừa đại tràng sẽ vào viện với biểu hiện đau bụng hố chậu trái, Sốt và tăng bạch cầu. Tuy nhiên, cũng có khi đau bụng ở nửa bụng bên phải nếu viêm túi thừa ở đại tràng phải (hay gặp ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á).
Trên hình ảnh chụp cắt lớp điện toán ổ bụng (CT scan) cho thấy hình ảnh đại tràng dày thành, thâm nhiễm mỡ hay có khí cạnh đại tràng, đám quánh , áp xe, hẹp lòng ruột hay tạo thành đường dò. Nếu bệnh nhân được điều trị nội khoa ổn định qua đợt viêm túi thừa cấp tính, sẽ được chỉ định Nội soi đại tràng sau 6-8 tuần để chẩn đoán xác định bệnh lý túi thừa đại tràng.
- Với nhóm bệnh nhân khi Chụp CT bụng đánh giá viêm túi thừa không có biến chứng thủng sẽ được điều trị bằng kháng sinh đường uống hoặc đường tĩnh mạch và sẽ được xem xét phẫu thuật cắt đoạn đại tràng có túi thừa sau đó nếu cần thiết. Theo khuyến cáo của Hội phẫu thuật viên hậu môn và đại tràng Hoa kỳ (American Society of Colon and Rectal Surgeons- ASCRS), việc quyết định đề nghị bệnh nhân phẫu thuật cắt đoạn đại tràng sau khi bị viêm túi thừa đại tràng không biến chứng nên được cá nhân hóa, phụ thuộc vào yếu tố nguy cơ phẫu thuật, tình trạng sức khỏe, chất lượng cuộc sống (đau nhiều lần ảnh hưởng công việc, người hay đi du lịch...), không thể loại trừ ung thư đại tràng hay bệnh cứ dai dẳng,... Tuy nhiên , khuyến cáo này không áp dụng đối với người bệnh dưới 50 tuổi, có ghép tạng hay người bệnh suy giảm miễn dịch.
- Với nhóm bệnh nhân khi Chụp CT bụng đánh giá viêm túi thừa có biến chứng thủng thì việc có chỉ định phẫu thuật ngay hay không nên dựa vào phân loại giai đoạn của Hinchey hay bảng chia độ thủng túi thừa đại tràng của tác giả Fleishmann ( 2011) như sau:
Bảng 1. Hệ thống phân độ viêm túi thừa đại tràng có thủng túi thừa trên CT bụng:
Phân độ | Định nghĩa |
1 | Hơi tự do khu trú cạnh đại tràng, không có áp-xe. |
2 | Khoảng hơi tự do cạnh đại tràng nhỏ (< 2cm) HOẶC áp xe nhỏ ( < 4 cm). |
3 | Khoảng hơi tự do cạnh đại tràng lớn (> 2cm) HOẶC áp xe lớn ( > 4 cm). |
4 | Nhiều hơi và dịch tự do trong khoang phúc mạc (Viêm phúc mạc do phân) |
Cũng theo khuyến cáo của ASCRS, các bệnh nhân thủng túi thừa đại trạng kèm theo dấu hiệu sinh tồn không ổn định cần được phẫu thuật ngay. Nếu bệnh nhân thủng túi thừa đại tràng nhưng tình trạng ổn định cần xử trí theo lưu đồ sau:
Bảng 2 và 3. Lưu đồ xử trí Viêm túi thừa đại tràng có biến chứng thủng túi thừa.
Viêm túi thừa đại tràng là một bệnh lý tiêu hóa hay gặp. Ngày nay điều trị viêm túi thừa đại tràng chủ yếu là điều trị nội khoa. Tuy nhiên trong trường hợp viêm túi thừa có biến chứng thủng, cần đánh giá bệnh nhân toàn diện và chỉ định phẫu thuật hay dẫn lưu ổ áp xe đúng thời điểm, nhằm đảm bảo người bệnh được an toàn và hiệu quả điều trị cao nhất. Vì vậy, đối với người bệnh khi có các biểu hiện nghi ngờ viêm túi thừa đại tràng cần đến khám và điều trị tại cơ sở Y tế có đầy đủ trang thiết bị để chẩn đoán và cần được thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Ngoại Tiêu hóa.
Tài liệu tham khảo :
American Society of Colon and Rectal Surgeons : Practice parameters for sigmoid diverticulitis.
Fleischmann et al , Disease of colon and rectum 2011:54:663-671.