Tên gọi khác: Viêm túi thừa
Chẩn đoán
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm túi thừa?
Các bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng những thông tin thu thập được từ việc hỏi bệnh, khám lâm sàng, xét nghiệm máu, chụp X-quang và chụp cắt lớp vi tính (CT). Tuy nhiên có một số xét nghiệm không nên được thực hiện cho bệnh nhân nghi ngờ bị viêm túi thừa như nội soi đại tràng và chụp đại tràng cản quang do có thể gây ra thủng đại tràng tại nơi túi thừa bị viêm.
Tổng quan
Viêm Túi thừa là bệnh gì?
Ruột già (đại tràng) là phần cuối cùng của đường tiêu hóa, chúng thực hiện nhiệm vụ hấp thụ nước và vitamin rồi chuyển đổi thức ăn đã được tiêu hóa thành phân. Khi đến cuối đại tràng, phân sẽ được tống ra ngoài theo ngả hậu môn
Khi mắc bệnh viêm túi thừa, một phần của thành ruột bị yếu và những nơi này có thể phồng ra như những túi nhỏ. Mỗi túi như vậy được gọi là một túi thừa. Các túi này có thể trở nên đỏ và sưng, đây gọi là viêm túi thừa.
Viêm túi thừa là tình trạng các túi thừa bị viêm sưng đỏ. Viêm túi thừa có thể nhẹ hoặc cũng có thể là bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng. Các biến chứng bao gồm xuất huyết (chảy máu từ ruột già), thủng ruột, tắc Nghẽn ruột và áp-xe.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm túi thừa là gì?
Các triệu chứng phổ biến của bệnh viêm túi thừa bao gồm:
Đau quặn ở vùng bụng dưới, lúc đầu là đau từng cơn, sau đó chuyển thành đau liên tục;
Cảm giác đầy hơi;
Sốt;
Ớn lạnh;
Táo bón hoặc tiêu chảy;
Chán ăn và buồn nôn.
Trong trường hợp viêm túi thừa nhẹ, người bệnh có thể không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào cả. Trong trường hợp viêm túi thừa nặng có thể có các triệu chứng như đau bụng dữ dội, đặc biệt là ở phía bên trái, người bệnh có thể Sốt trên 38oC.
Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:
Đau bụng (khác với viêm ruột thừa đau bên phải bụng);
Sốt hoặc ớn lạnh;
Buồn nôn và ói mửa;
Tiêu chảy hoặc táo bón;
Có máu trong phân;
Cơn đau tăng lên khi bạn đi lại;
Đau rát khi đi tiểu;
Khí hư bất thường.
Nguyên nhân
Nguyên nhân nào gây ra bệnh viêm túi thừa?
Bệnh xảy ra do thức ăn di chuyển trong lòng đại tràng với tốc độ chậm, từ đó tích tụ lại và gây áp lực lớn trong thành đại tràng, lâu dần sẽ xuất hiện các điểm yếu trên thành, những điểm yếu này phồng ra tạo thành túi thừa. Khi bị nhiễm trùng những túi này sẽ chuyển sang viêm tạo thành bệnh viêm túi thừa. Đây không phải là bệnh lây và cũng không phải là bệnh ung thư.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải bệnh viêm túi thừa?
Viêm túi thừa khá phổ biến. Nghiên cứu cho thấy rằng trong số 100 người thì có 3 người viêm túi thừa. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm túi thừa?
Có rất nhiều yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh viêm túi thừa, chẳng hạn như:
Ăn ít chất xơ;
Tiền sử có người trong gia đình bị viêm túi thừa;
Sử dụng các loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) hay aspirin thường xuyên (hơn 4 ngày một tuần) trong nhiều năm.
Phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh viêm túi thừa?
Bạn sẽ có thể kiểm soát viêm túi thừa nếu áp dụng các biện pháp sau:
Luyện tập thể dục đều đặn. Tập thể dục giúp tăng cường chức năng tiêu hóa và làm giảm áp lực bên trong ruột già. Hãy cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Ăn nhiều chất xơ. những thức ăn giàu chất xơ như trái cây tươi, rau quả và ngũ cốc nguyên hạt giùp làm mềm phân và giúp phân di chuyển trong đại tràng nhanh hơn. Điều này làm giảm áp lực trong đường tiêu hóa của bạn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng là chế độ ăn nhiều chất xơ sẽ làm giảm nguy cơ viêm túi thừa.
Uống nhiều nước. Chất xơ làm tăng thể tích phân và làm mềm phân bằng cách hấp thu nước. Nếu bạn không uống đủ nước, chất xơ có thể gây tác dụng ngược lại là táo bón.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm túi thừa?
Các bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng những thông tin thu thập được từ việc hỏi bệnh, khám lâm sàng, xét nghiệm máu, chụp X-quang và chụp cắt lớp vi tính (CT). Tuy nhiên có một số xét nghiệm không nên được thực hiện cho bệnh nhân nghi ngờ bị viêm túi thừa như nội soi đại tràng và chụp đại tràng cản quang do có thể gây ra thủng đại tràng tại nơi túi thừa bị viêm.
Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm túi thừa?
Bệnh thường chỉ cần điều trị ngoại trú, trừ khi các triệu chứng nhiễm trùng nghiêm trọng và lan rộng hoặc có biến chứng xảy ra thì mới nên nhập viện. Điều trị đối với trường hợp nhẹ chủ yếu là nghỉ ngơi, uống thuốc làm mềm phân, thực hiện chế độ ăn uống nhiều nước và chất xơ sẽ có thể giảm bớt các triệu chứng của bệnh.
Bạn cũng có thể uống paracetamol để giảm đau. Tuy nhiên không nên thường xuyên uống các thuốc giảm đau như aspirin hoặc ibuprofen vì chúng có thể gây ra rối loạn dạ dày. Bạn có thể điều trị viêm túi thừa nhẹ tại nhà bằng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
Đối với những trường hợp nặng hoặc phức tạp và những trường hợp bệnh tái phát nhiều lần tại một chỗ, các bác sĩ có thể sẽ phẫu thuật cắt bỏ phần đại tràng chứa túi thừa.
Nếu bạn phải nhập viện, bạn có thể sẽ được truyền dịch và dùng thuốc kháng sinh cùng với các thuốc giảm đau. Lúc đầu, có thể bạn cần phải nhịn ăn. Sau đó, khi ruột phục hồi dần, bạn sẽ bắt đầu có thể ăn lại thức ăn nhiều chất xơ và ít chất béo.