1. Viêm Túi thừa cấp là bệnh gì
Viêm túi thừa cấp là tình trạng các túi thừa ở ống tiêu hóa (ống tiêu hóa bao gồm thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già) bị viêm hoặc nhiễm trùng. Hầu hết các trường hợp Viêm túi thừa được phát hiện là những túi thừa xuất hiện ở đại tràng, do cổ túi thừa bị tắc nghẽn bởi phân hoặc những mảnh thức ăn nhỏ là viêm, loét, nhiễm trùng và gây thủng. Những lỗ thủng nhỏ này làm viêm quanh đại tràng, chủ yếu là ở đại tràng trái.
Bệnh viêm túi thừa cấp thường xảy ra ở người trên 40 tuổi, với biểu hiện lâm sàng gần giống với viêm ruột thừa, viêm đại tràng ác tính, do đó rất khó phát hiện bệnh. Vì vậy, chụp cắt lớp vi tính được xem là phương pháp chẩn đoán bệnh, kết quả hình ảnh thu được là cơ sở quan trọng, hỗ trợ cho việc điều trị.
2. Đặc điểm nhận biết hình ảnh viêm túi thừa trên CT
Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) được đánh giá là phương pháp tối ưu trong chẩn đoán và phát hiện, cũng như loại trừ bệnh viêm túi thừa cấp so với những phương pháp khác như chụp đại tràng cản quang Baryt, Siêu âm, Nội soi trực đại tràng. Kỹ thuật này có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, cho phép phân biệt rõ các mô mỡ xung quanh đại tràng và thành đại tràng, từ đó phân biệt và đánh giá bệnh chính xác hơn, vì đây là bệnh có triệu chứng dễ nhầm lẫn với những bệnh khác.
Hình ảnh viêm túi thừa cấp trên chụp cắt lớp vi tính được nhận biết với những đặc điểm như:
- Mức độ tương quan giữa độ dày của thành đại tràng và chiều dài của đoạn đại tràng bị dày thành cho thấy sự viêm nhiễm của đoạn đại tràng có các túi thừa, tạo thành dải thâm nhiễm mỡ xung quanh đại tràng.
- Vị trí xuất hiện của các túi thừa thông thường là ở đại tràng Sigma và đoạn đại tràng xuống. Đây là đặc điểm hình ảnh để nhận biết và phân biệt bệnh viêm túi thừa cấp so với bệnh khác, bởi túi thừa có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu trên ống tiêu hóa nói chung và đại tràng nói riêng. Mặc dù viêm túi thừa thường được phát hiện ở đại tràng, tuy nhiên nếu các túi thừa nằm ở đại tràng bên phải sẽ dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác như viêm ruột thừa. Do đó, xác định chính xác vị trí của các túi thừa đại tràng sẽ giúp chẩn đoán bệnh chính xác hơn.
- Trường hợp túi thừa không xuất hiện ở những vị trí điển hình thường gặp (như đại tràng ngang, đại tràng phải, hỗng tràng, đoạn cuối hồi tràng), gây khó khăn trong việc chẩn đoán xác định bệnh viêm túi thừa cấp, thì hình ảnh chụp CT cho thấy sự không tương xứng giữa vị trí xuất hiện túi thừa và dải thâm nhiễm mỡ là dấu hiệu chẩn đoán bệnh.
- Dấu hiệu “Comma Sign” cho thấy hiện tượng Tụ dịch ở rễ mạc treo đại tràng Sigma do viêm nhiễm trùng gây ra.
- Dấu hiệu “Centipede Sign” cho thấy tình trạng ứ máu ở những mạch máu mạc treo.
3. Đặc điểm hình ảnh viêm túi thừa có được phát hiện trên MRI không?
Chụp cộng hưởng từ (MRI) cũng là một phương pháp được sử dụng để chẩn đoán bệnh viêm túi thừa cấp. Hình ảnh chụp MRI viêm túi thừa cho thấy đặc điểm như sau:
- Thành ruột dày gây hẹp khu trú đoạn đại tràng, xung quanh là mô mỡ thâm nhiễm là dấu hiệu cho biết các túi thừa bị viêm.
- Trên hình ảnh Coronal STIR xuất hiện vùng có cường độ tín hiệu cao cho thấy tình trạng Tụ dịch xung quanh mô mỡ thâm nhiễm.
- Sử dụng thuốc tương phản trong chụp MRI có tác dụng xác định tình trạng thâm nhiễm mô mỡ và biến chứng của bệnh viêm túi thừa cấp (như áp xe hoặc thủng), với đặc điểm là vùng khuếch tán bị hạn chế. Tuy nhiên, chụp MRI chưa mang đến kết quả chính xác tuyệt đối trong đánh giá bệnh và những biến chứng do bệnh gây ra.
Do đó, nhìn chung, chụp cắt lớp vi tính vẫn là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh đầu tiên được sử dụng khi bệnh nhân bị nghi ngờ mắc chứng viêm túi thừa cấp.
4. Phát hiện những biến chứng viêm túi thừa cấp trên chụp cắt lớp vi tính không?
Ngoài chẩn đoán, chụp CT cũng có khả năng phát hiện một số biến chứng thường gặp của bệnh viêm túi thừa cấp vì có độ nhạy cao hơn so với phương pháp khác như chụp đại tràng cản quang.
Một số biến chứng thường gặp của viêm túi thừa cấp thể hiện trên hình ảnh chụp CT như sau:
- Áp xe túi thừa: Đây là biến chứng có tỷ lệ xuất hiện là trên 30%. Dấu hiệu của áp xe túi thừa là hiện tượng tụ dịch gây viêm xung quanh, trong khối dịch có thể chứa khí hoặc khí - dịch, thể hiện bằng đậm độ thấp trên hình ảnh. Kết quả chẩn đoán áp xe bằng chụp CT là cơ sở để hạn chế những tổn thương trong phẫu thuật cấp cứu bệnh nhân hoặc phẫu thuật sau đó một cách phù hợp.
- Dò đại tràng bàng quang, viêm bàng quang: Đây là những biến chứng không phổ biến của viêm túi thừa cấp. Triệu chứng trên lâm sàng của biến chứng này là sốt, đau khi tiểu tiện, tiểu khó, nước tiểu có mủ và có thể tiểu ra phân. Hình ảnh chụp CT của biến chứng cho thấy thành bàng quang dày lên, bên trong lòng bàng quang có chứa khí. Đoạn đại tràng bị viêm có các túi thừa ở vị trí lân cận và xung quanh đại tràng là dải mô mỡ thâm nhiễm. Để xác định chắc chắn biến chứng, có thể tiến hành thêm chụp đại tràng cản quang Baryt với sự xuất hiện của thuốc tương phản trong lòng bàng quang.
- Dò ruột - bàng quang: Biến chứng này do bệnh Crohn hoặc những bệnh viêm nhiễm khác gây ra. Hình ảnh chụp CT sẽ cho thấy điểm khác biệt giữa bệnh Crohn và viêm túi thừa cấp, đó là vị trí của lỗ dò. Đường dò xuất hiện ở đoạn cuối của hồi tràng, mặt trước bên phải của bàng quang là bệnh Crohn, đường dò xuất hiện ở đại tràng Sigma, phía sau và bên trái của bàng quang là của viêm túi thừa. Hình ảnh chụp CT là cơ sở để thực hiện kế hoạch điều trị phẫu thuật cho người bệnh.
- Thủng khu trú: Viêm túi thừa cấp có thể gây ra biến chứng này với sự xuất hiện của những túi khí nhỏ bên ngoài lòng đại tràng hoặc thuốc cản quang đường uống bị thoát ra ngoài.
5. Những lưu ý khi chẩn đoán bệnh lý viêm túi thừa cấp
Để có thể chẩn đoán phân biệt chính xác bệnh lý viêm túi thừa cấp, cần lưu ý những điểm sau:
- Đặc điểm phân biệt với viêm ruột thừa cấp: Viêm ruột thừa cấp và viêm túi thừa cấp đoạn manh tràng có thể bị chẩn đoán nhầm lẫn với nhau. Đối với viêm túi thừa đoạn manh tràng, hình ảnh chụp CT cho thấy thành của đoạn manh tràng bị viêm dày lên và không đồng tâm hoặc đối xứng. Nếu có thể chẩn đoán phát hiện sớm và chính xác viêm túi thừa cấp, sẽ có kế hoạch điều trị phẫu thuật phù hợp, hạn chế biến chứng áp xe có thể xảy ra.
- Đặc điểm phân biệt với viêm túi thừa mạc nối cấp: Nếu chỉ căn cứ vào triệu chứng lâm sàng sẽ rất khó phân biệt viêm túi thừa mạc nối cấp và viêm túi thừa cấp. Viêm túi thừa cấp là bệnh thường gặp ở người lớn tuổi hơn, với triệu chứng là Sốt tăng bạch cầu, buồn nôn, đau toàn bụng dưới. Ngoài ra, nếu cũng chỉ căn cứ vào hình ảnh chụp CT thì cũng rất khó chẩn đoán bởi viêm túi thừa cấp lan rộng có thể gây ra viêm túi thừa mạc nối thứ phát. Hình ảnh viêm túi thừa cấp trên chụp cắt lớp vi tính sẽ cho thấy đặc điểm có khí bên ngoài của lòng ruột, đoạn đại tràng dài có biểu hiện dày thành, dò thành, tắc ruột, áp xe túi thừa.
- Đặc điểm phân biệt với ung thư đại tràng: Ung thư đại tràng và viêm túi thừa cấp cũng rất khó chẩn đoán phân biệt vì trên hình ảnh có dấu hiệu của sự chồng lấp. Vì vậy cần phải chẩn đoán loại trừ ung thư đại tràng. Dấu hiệu “Comma Sign” với hiện tượng dịch tụ ở rễ mạc treo đại tràng Sigma và “Centipede Sign” với tình trạng ứ máu ở những mạch máu mạc treo của viêm túi thừa cấp chính là đặc điểm để phân biệt với ung thư đại tràng. Để có thể đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác trong những trường hợp khó phân biệt, cần thực hiện tiếp xét nghiệm mô học để đánh giá.
Chụp cắt lớp vi tính hiện là phương pháp được dùng để đánh giá và chẩn đoán ban đầu bệnh viêm túi thừa cấp. Đặc điểm hình ảnh viêm túi thừa cấp trên chụp cắt lớp vi tính là cơ sở để chẩn đoán và hạn chế trong phẫu thuật, điều trị bệnh.