Mục lục:

Bệnh túi thừa đại tràng điều trị thế nào?

Túi thừa đại tràng là bệnh lý thường gặp ở người lớn tuổi, thường không biểu hiện triệu chứng, trừ khi những túi thừa này bị viêm hay còn gọi là viêm túi thừa đại tràng.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Túi thừa đại tràng là gì?

Túi thừa là những túi nhỏ, phồng, có thể được hình thành ở bất cứ nơi nào của ống tiêu hóa, từ thực quản đến dạ dày, ruột non và ruột già. Tuy nhiên, chúng thường được tìm thấy trong ruột già. Túi thừa là bệnh lý khá phổ biến, thường gặp ở bệnh nhân trên 40 tuổi.

Khi có túi thừa trong hệ tiêu hóa, tình trạng này được gọi là bệnh túi thừa. Người bệnh có thể chẳng bao giờ biết sự tồn tại của chúng trong cơ thể vì chúng hiếm khi gây ra bất kỳ vấn đề gì, trừ khi các túi thừa này bị viêm.

Túi thừa đại tràng là những cấu trúc dạng túi phát triển trong thành của đại tràng, thường gặp ở đại tràng sigma và đại tràng trái, cũng có thể gặp ở toàn bộ đại tràng. Khi các túi thừa này bị viêm nhiễm gây ra bệnh lý viêm túi thừa.

Các thể bệnh của túi thừa đại tràng:

  • Túi thừa đại tràng không triệu chứng: 70% bệnh nhân có túi thừa đại tràng nhưng không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào trong suốt cuộc đời. 10-25% bệnh nhân có túi thừa đại tràng sẽ tiến triển thành Viêm túi thừa đại tràng, và 5-10% bệnh nhân còn lại có biến chứng chảy máu túi thừa đại tràng.
  • Xuất huyết túi thừa đại tràng: Xuất huyết túi thừa đại tràng chiếm khoảng 5-10% bệnh nhân có túi thừa đại tràng. Xuất huyết túi thừa đại tràng chiếm tỉ lệ 40% trong các nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa dưới và được xem là một nguyên nhân chính gây xuất huyết tiêu hóa dưới. Xuất huyết túi thừa thường xảy ra ở túi thừa đại tràng phải và 90% trường hợp sẽ tự cầm máu.
  • Viêm túi thừa đại tràng: Viêm túi thừa đại tràng gồm 2 thể lâm sàng là viêm túi thừa đại tràng đơn giản (không biến chứng) và viêm túi thừa đại tràng phức tạp (hay Viêm túi thừa đại tràng có biến chứng).
2. Triệu chứng của bệnh túi thừa đại tràng


Phần lớn bệnh nhân mắc túi thừa đại tràng không biểu hiện triệu chứng lâm sàng rõ rệt. Số còn lại triệu chứng hay gặp là tình trạng đau bụng, thường ở vùng bụng dưới bên trái, kèm theo cảm giác trướng bụng đầy hơi, rối loạn đại tiện: táo bón, phân lỏng, hoặc phân có máu, có khi triệu chứng rất khó phân biệt với hội chứng ruột kích thích.

Trong trường hợp viêm túi thừa, ngoài đau bụng bệnh nhân có thể nôn, đi ngoài phân lỏng, táo bón, chướng bụng, sốt, thậm chí Sốt cao rét run; túi thừa cũng có thể áp-xe hóa, rò, thậm chí thủng gây chảy máu, nhiễm khuẩn ổ bụng rất nguy hiểm.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây túi thừa đại tràng hiện vẫn chưa được xác định. Lý thuyết được chấp nhận phổ biến nhất liên quan đến bệnh túi thừa đó là do áp lực cao trong đại tràng. Áp lực này làm cho các khu vực yếu của thành đại tràng phình ra và hình thành túi. Một chế độ ăn ít chất xơ và nhiều thịt đỏ cũng có thể đóng một vai trò. Hiện tại, người ta vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra viêm túi thừa.

Bệnh túi thừa đại tràng điều trị thế nào? - ảnh 1
Các nguyên nhân gây túi thừa đại tràng hiện chưa được xác định

4. Chẩn đoán túi thừa đại tràng

Túi thừa đại tràng thường không gây ra triệu chứng. Nó có thể được chẩn đoán trong các Xét nghiệm sàng lọc như nội soi.

Nếu bạn đang gặp các triệu chứng của viêm túi thừa, điều quan trọng là phải đi khám bác sĩ. Bác sĩ sẽ đặt câu hỏi về tiền sử của bạn (như thói quen đại tiện, triệu chứng, chế độ ăn uống và thuốc hiện tại) và thực hiện kiểm tra, có thể bao gồm khám trực tràng. Các xét nghiệm cận lâm sàng thường bao gồm Xét nghiệm máu (phát hiện bạch cầu tăng, dấu hiệu cho thấy có tình trạng nhiễm trùng) và CT scan. Ở những người bị chảy máu trực tràng nhanh, nặng, bác sĩ có thể thực hiện một thủ tục gọi là chụp động mạch để xác định nguồn gốc của chảy máu.

5. Điều trị túi thừa đại tràng

Những người mắc bệnh túi thừa không có triệu chứng hoặc biến chứng không cần điều trị cụ thể, tuy nhiên điều quan trọng là phải áp dụng chế độ ăn nhiều chất xơ, trái cây, rau củ để ngăn ngừa sự hình thành của túi thừa.

Hầu hết các trường hợp viêm túi thừa có thể được điều trị bằng kháng sinh ở dạng thuốc viên hoặc tiêm tĩnh mạch (IV). Nếu viêm diễn tiến sang áp xe, nó có thể cần được dẫn lưu. Khi bệnh nhân đã hồi phục, có thể thực hiện phẫu thuật cắt bỏ túi thừa.

Phẫu thuật cho bệnh túi thừa được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Một vết vỡ trong đại tràng làm cho mủ hoặc phân bị rò rỉ vào khoang bụng, dẫn đến viêm phúc mạc, thường phải phẫu thuật khẩn cấp.
  • Các trường hợp nghiêm trọng không đáp ứng với điều trị y tế tối đa bao gồm kháng sinh tiêm tĩnh mạch và nhập viện.
  • Bệnh nhân có vấn đề về hệ thống miễn dịch (ví dụ: liên quan đến ghép tạng hoặc hóa trị liệu).
  • Lỗ rò đại tràng
  • Áp xe dẫn lưu thất bại.

Mục tiêu của phẫu thuật là giải quyết ổ nhiễm trùng (cắt túi thừa, cắt đoạn đại tràng, dẫn lưu áp xe, rửa bụng ...), điều trị biến chứng liên quan như tắc ruột, rò tiêu hóa và phục hồi lưu thông của ruột với tỉ lệ biến chứng và tử vong thấp nhất.

Xu hướng của thế giới hiện nay là phẫu thuật nội soi. Phẫu thuật nội soi cũng có vai trò trong viêm túi thừa đại tràng. Ưu điểm nổi bật của phẫu thuật Nội soi so với mổ mở là ít đau, giảm tỷ lệ nhiễm trùng vết mổ, thời gian phục hồi nhanh hơn. Tỉ lệ tái phát, biến chứng và tử vong ngang bằng hoặc thấp hơn.

Bệnh túi thừa đại tràng điều trị thế nào? - ảnh 2
Điều trị túi thừa đại tràng

Bài viết tham khảo nguồn: fascrs.org

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung