1. Đặc điểm của virus EBV
Virus Epstein-Barr (EBV) còn gọi là herpesvirus 4 (HHV-4). Đây là 1 trong 8 loại virus trong nhóm Herpes và là một trong những loại virus phổ biến nhất ở người. Có tới 90% người trưởng thành trên thế giới đã từng bị nhiễm virus EBV và có kháng thể chống lại loại virus này.
Virus EBV có kích thước đường kính khoảng 122 - 180nm. EBV có thể lây nhiễm cho các tế bào lympho B của hệ thống miễn dịch và các tế bào biểu mô. Trong quá trình nhiễm virus EBV, các kháng thể được hình thành. Các Xét nghiệm về kháng thể của EBV có thể được sử dụng để chẩn đoán phân biệt giữa người chưa bị phơi nhiễm và dễ bị nhiễm EBV với người mới bị nhiễm, đã từng bị nhiễm EBV hoặc người bị nhiễm EBV mãn tính tái phát.
Virus EBV lây truyền chủ yếu qua đường nước bọt (hôn, dùng chung bàn chải đánh răng, cốc uống nước,...). Ngoài ra, EBV cũng có thể lây lan qua máu và tinh dịch khi sinh hoạt tình dục, truyền máu hoặc ghép tạng. Việc chẩn đoán nhiễm virus EBV thường gặp nhiều khó khăn vì các triệu chứng tương tự nhiều bệnh khác. Thông thường, bác sĩ sẽ chẩn đoán xác định dựa trên Xét nghiệm máu phát hiện kháng thể.
Biến chứng hay gặp nhất của tình trạng nhiễm virus EBV là vỡ lách. Các biến chứng khác của nhiễm EBV gồm: Khó thở do sưng họng, phát ban, vàng da, viêm tụy, co giật, viêm não,...
Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị EBV đặc hiệu nên việc điều trị khi bị nhiễm virus EBV chủ yếu là nghỉ ngơi; uống nhiều nước; điều trị giảm nhẹ triệu chứng (súc miệng bằng nước muối ấm để làm dịu cổ họng, uống thuốc Acetaminophen hoặc Ibuprofen để hạ Sốt và giảm đau) và tránh các môn thể thao hoặc hoạt động nặng có thể gây vỡ lách. Hiện cũng chưa có vắc-xin phòng ngừa EBV nên việc phòng bệnh chủ yếu là tránh tiếp xúc với nước bọt và dịch sinh dục của bệnh nhân nhiễm virus EBV.
2. Virus EBV gây bệnh gì?
2.1 Bệnh bạch cầu đơn nhân
Virus EBV là nguyên nhân gây bệnh bạch cầu đơn nhân (mononucleosis).
Sau khi bị nhiễm virus, trẻ em thường không có triệu chứng. Ở thiếu niên và người trưởng thành, có khoảng 30 - 50% trường hợp mắc bạch cầu đơn nhân (mononucleosis) với các triệu chứng xuất hiện 4 - 6 tuần sau khi nhiễm virus. Các triệu chứng thường gặp là: Mệt mỏi, khó chịu, sốt, viêm họng, yếu và đau cơ, sưng hạch ở cổ và nách, đau đầu, sưng amidan, nổi mẩn, lách to, gan sưng, phát ban,... Hầu hết các bệnh nhân sẽ khỏe dần sau 2 - 4 tuần. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi sau khoảng vài tuần nữa. Đôi khi, các triệu chứng của bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng có thể kéo dài tới 6 tháng hoặc lâu hơn.
Có một số biến chứng hiếm gặp của bệnh bạch cầu đơn nhân. Nếu có các triệu chứng sau, bệnh nhân nên đi khám ngay lập tức:
- Đột ngột đau nhói bên trái bụng - có thể có vấn đề xảy ra ở lá lách;
- Nước tiểu ít - dấu hiệu của mất nước;
- Khó thở hoặc khó nuốt.
2.2 Các bệnh khác
Bên cạnh đó, ở những trường hợp suy giảm miễn dịch, virus EBV có thể liên quan tới một số dạng đặc biệt của ung thư như: U lympho Burkitt, u lympho Hodgkin, ung thư biểu mô vòm họng, ung thư dạ dày, u lympho của hệ Thần kinh trung ương và các tình trạng liên quan tới virus HIV. Ngoài ra, nhiễm EBV có liên quan với nguy cơ cao mắc một số bệnh Tự miễn như Lupus ban đỏ hệ thống, Viêm khớp dạng thấp, dermatomyositis, hội chứng Sjögren và bệnh đa xơ cứng. Nhiễm trùng tai và tiêu chảy ở trẻ em, hội chứng Guillain - Barre cũng có liên quan với tình trạng nhiễm virus EBV. Thống kê cho thấy có khoảng 200.000 trường hợp mắc ung thư mỗi năm có liên quan tới EBV.
Chẩn đoán và điều trị sớm nhiễm virus EBV có thể ngăn ngừa những diễn tiến nặng hơn của bệnh. Đặc biệt, vì EBV không có biện pháp điều trị đặc hiệu nên lời khuyên cho mỗi người là cần chú ý phòng ngừa nguy cơ nhiễm virus bằng cách tránh tiếp xúc với nước bọt và dịch sinh dục của người đang mang virus.