Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Xử trí vết thương hậu môn trực tràng

11/06/2021
Xử trí vết thương hậu môn trực tràng

Vết thương hậu môn trực tràng là những thương tổn ở vùng hậu môn, trực tràng hoặc cả hậu môn và trực tràng. Xử trí vết thương hậu môn trực tràng cần được thực hiện sớm và đúng cách để hạn chế khả năng để lại di chứng cũng như làm giảm nguy cơ tử vong.

1. Vết thương hậu môn trực tràng là gì?

Vết thương hậu môn trực tràng là tình trạng vùng hậu môn, trực tràng hoặc cả hậu môn và trực tràng bị tổn thương như đâm thủng, rách, dập nát.

Ngoài ra, tổn thương cũng có thể liên quan đến các cơ quan lân cận như sinh dục, tiết niệu,... Tùy vào nguyên nhân gây tổn thương, vết thương sẽ có hình thái khác nhau.

Có nhiều nguyên nhân gây ra thương tổn ở vùng hậu môn trực tràng như:

  • Tai nạn: Thường gặp là tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn trong chiến tranh, tai nạn trong sinh hoạt, vết thương hậu môn trực tràng do vật nhọn (đá, đạn, mảnh gỗ, kim loại, ...) đâm trực tiếp vào.
  • Thao tác y tế: Soi trực tràng, soi đại tràng hoặc tai biến Sản khoa gây thủng vùng hậu môn trực tràng.

2. Dấu hiệu vết thương hậu môn trực tràng Xử trí vết thương hậu môn trực tràng - ảnh 1

Viêm hậu môn trực tràng sưng, tấy, nếu bệnh nhân để lâu không cấp cứu sớm

Trên lâm sàng, vết thương hậu môn trực tràng có thể có những dấu hiệu khi được cấp cứu như sau:

  • Đau, chảy máu, sốc với nhiều mức độ khác nhau.
  • Thủng tạng, gãy xương chậu nếu vết thương do tác động từ vùng bụng hoặc đa chấn thương.
  • Các tổn thương phức tạp vùng hậu môn trực tràng (như rách da, rách mép, rìa ống hậu môn, hoặc thủng, rách trực tràng, ...) cũng như các cơ quan lân cận (tiết niệu, sinh dục, ổ bụng, đại tràng, ruột non, mạch máu, ...) nếu vết thương hậu môn trực tràng vào từ đường dưới.
  • Thành bụng vùng hạ vị có phản ứng.
  • Viêm hậu môn trực tràng, sưng, tấy, nếu bệnh nhân để lâu không cấp cứu sớm.

3. Chẩn đoán vết thương hậu môn trực tràng

Chẩn đoán vết thương hậu môn trực tràng bao gồm các thăm khám, Xét nghiệm sau:

  • Quan sát vết thương để đánh giá vị trí tổn thương, độ sâu, dài.
  • Dùng tay kiểm tra dị vật trong vết thương.
  • Đánh giá ban đầu tổn thương vùng hậu môn trực tràng cũng như các cơ quan lân cận.
  • Xét nghiệm máu thường quy.
  • Siêu âm: Kiểm tra có dịch, máu, khí trong ổ bụng (nếu có).
  • Chụp X-quang vùng bụng - chậu: Đánh giá tổn thương vùng bụng - chậu.
  • Chụp CT scan: Chẩn đoán tổn thương vùng chậu và ổ bụng.

4. Xử trí vết thương hậu môn trực tràng Xử trí vết thương hậu môn trực tràng - ảnh 2

Cần phẫu thuật mổ bụng cắt đoạn trực tràng để điều trị vết thương hậu môn trực tràng nếu trực tràng dập nát

4.1 Xử trí vết thương hậu môn trực tràng tại chỗ

  • Nếu vết thương nhỏ, gọn và tổn thương cơ thắt, thành trực tràng ít phức tạp: Cầm máu, cắt lọc sạch vết thương, khâu hậu môn - trực tràng để hở da.
  • Nếu vết thương phức tạp: Cầm máu, cắt lọc vết thương, tạo hình thực hiện sau.
  • Nếu cơ thắt bị đứt (một phần hoặc toàn bộ), nhưng sạch, gọn: Khâu lại cơ thắt với chỉ không tiêu hoặc tiêu chậm.
  • Nếu cơ thắt rách, dập nát, bẩn, rách mất đoạn: Cắt lọc sạch vết thương trước, sau đó, khâu tạo hình cơ thắt.

Đối với vết thương hậu môn trực tràng phức tạp, bệnh nhân có thể được chỉ định làm hậu môn nhân tạo để phân không xuống trực tràng, đảm bảo vết thương sạch, liền nhanh và hạn chế nguy cơ nhiễm trùng. Hậu môn nhân tạo áp dụng với những trường hợp sau:

  • Vết thương rộng, bệnh nhân cần điều trị trong thời gian dài.
  • Làm hậu môn nhân tạo phía trên bằng cách phẫu thuật mổ bụng để xử lý vết thương trực tràng trong ổ bụng hoặc cắt đoạn trực tràng nếu tổn thương dập nát).

4.2 Xử trí vết thương hậu môn trực tràng toàn thân

  • Hồi sức chống sốc (bao gồm giảm đau, đảm bảo thông khí và khối lượng tuần hoàn) đối với những bệnh nhân có vết thương hậu môn trực tràng do đa chấn thương, nhập viện trong tình trạng sốc với biểu hiện tụt huyết áp, truỵ mạch.
  • Điều trị kháng sinh và xử trí ngoại khoa (làm sạch, chăm sóc sau mổ) để phòng chống nhiễm khuẩn, bao gồm nhiễm khuẩn tại chỗ vết thương, vết mổ, nhiễm khuẩn đường ruột (do vi khuẩn E. Coli, Enterococci, Bacteroid, các vi khuẩn kỵ khí khác gây ra), nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm phổi, ...

4.3 Xử trí vết thương hậu môn trực tràng với tổn thương kèm theo

Xử trí vết thương hậu môn trực tràng bao gồm cả những tổn thương kèm theo (nếu có). Tùy vào tình trạng của bệnh nhân, những tổn thương cần được xử trí kịp thời và phù hợp. Các tổn thương kèm theo có thể là:

  • Cầm máu với những trường hợp chảy máu nặng.
  • Điều trị Chấn thương sọ não.
  • Điều trị Chấn thương vỡ tạng trong ổ bụng.
  • Điều trị tổn thương mạch máu.
  • Điều trị tổn thương ở xương, hệ tiết niệu, sinh dục.

Nếu vết thương hậu môn trực tràng có kèm theo tổn thương quan trọng, ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh, cần được xử trí sớm và kịp thời. Với tổn thương ở những cơ quan lân cận, tùy vào mức độ sẽ xử trí điều trị phù hợp và khác nhau.

Vết thương hậu môn trực tràng là tổn thương thường gặp trong cấp cứu cần được xử trí kịp thời và đúng cách để tránh để lại di chứng.