Triệu chứng
Nói về tự tử, ví dụ tuyên bố những câu như: “Tôi sẽ tự sát”, “Tôi ước gì tôi đã chết” hoặc “Tôi ước mình đã không được sinh ra”
Chẩn đoán
Bác sĩ có thể xác định xem bạn có nguy cơ cao đối với tự sát dựa trên các triệu chứng, bệnh sử cá nhân và tiền sử bệnh của gia đình
Điều trị
Các thuốc chống trầm cảm; Các thuốc chống rối loạn thần kinh; Các thuốc chống lo âu
Tổng quan
Tự tử là gì?
Tự tử là một phản ứng bi thảm với các tình huống căng thẳng trong cuộc sống và bi thảm hơn nữa vì tự tử có thể được ngăn chặn. Cho dù bạn đang cân nhắc đến việc tự tử hoặc biết ai đó có ý muốn tự sát, hãy học cách nhận biết các dấu hiệu của Tự tử và làm thế nào để tiếp cận với sự giúp đỡ ngay lập tức, đồng thời nhận được các phương pháp điều trị chuyên nghiệp. Bạn có thể cứu sống được bản thân hoặc người khác.
Đôi khi, các vấn đề trong cuộc sống dường như không có cách nào giải quyết và tự tử là cách duy nhất để chấm dứt cơn đau.
Mức độ phổ biến của tự tử
Hơn 1.000.000 người chết do tự tử trên toàn thế giới mỗi năm. Tỷ lệ tự tử toàn cầu là 16/100.000 người. Tính trung bình, cứ mỗi 40 giây ở đâu đó trên thế giới lại có một người chết do tử tự và 1,8% số trường hợp tử vong trên toàn thế giới là do tự tử. Tỷ lệ tự tử toàn cầu đã tăng 60% trong 45 năm qua. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của tự tử
Các triệu chứng phổ biến của tự tử là:
Nói về tự tử, ví dụ tuyên bố những câu như: “Tôi sẽ tự sát”, “Tôi ước gì tôi đã chết” hoặc “Tôi ước mình đã không được sinh ra”
Chuẩn bị các phương tiện để tự sát, chẳng hạn như mua một khẩu súng hoặc thuốc dự trữ
Hạn chế mọi sự tiếp xúc xã hội và muốn được ở một mình
Có tính khí thất thường như cảm xúc tăng cao vào một ngày và buồn bã cực độ các ngày tiếp theo
Quan tâm, suy nghĩ nhiều đến cái chết, cách chết hoặc bạo lực
Cảm giác bị mắc kẹt hoặc vô vọng về một tình huống
Tăng cường sử dụng rượu hay ma túy
Thay đổi thói quen bình thường, bao gồm việc ăn uống hoặc giờ giấc đi ngủ
Làm những điều rủi ro hoặc tự hủy hoại như sử dụng ma túy hay lái xe thiếu thận trọng
Cho đi đồ đạc hoặc thực hiện các công việc theo trình tự mà không có lời giải thích hợp lý cho việc này
Nói lời tạm biệt với mọi người dường như sẽ không bao giờ gặp lại họ lần nữa
Phát triển các thay đổi tính cách hoặc là lo lắng quá mức hoặc bị kích động, đặc biệt là khi gặp một trong số những dấu hiệu cảnh báo liệt kê ở trên
Các dấu hiệu cảnh báo không phải lúc nào cũng rõ ràng và chúng khác nhau từ người này sang người khác. Một số người thực hiện ý định của họ rõ ràng, trong khi những người khác giấu ý nghĩ tự tử và cảm xúc bí mật.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có cảm giác muốn tự tử, nhưng không nghĩ ngay đến việc tự làm tổn thương mình, bạn nên:
Liên lạc một người bạn thân hoặc người thân, mặc dù có thể rất khó khăn khi chia sẻ về cảm xúc của bạn
Đặt lịch hẹn khám với bác sĩ hoặc bác sĩ tâm thần
Nguyên nhân
Nguyên nhân nào gây ra tự tử?
Các ý nghĩ tự tử có nhiều nguyên nhân. Thông thường, các ý nghĩ tự tử là kết quả của cảm giác bạn không thể đối mặt với các vấn đề lớn của cuộc sống. Nếu bạn không còn hy vọng gì cho tương lai, bạn có thể sai lầm khi nghĩ rằng tự tử là một giải pháp. Bạn có thể trải qua tình trạng gọi là một loại tầm nhìn đường hầm, xảy ra khi gặp khủng hoảng và bạn tin rằng tự sát là lối thoát duy nhất.
Tự tử cũng có thể liên quan đến di truyền. Những người tự tử hoặc những người có ý nghĩ hoặc hành vi tự tử có nhiều khả năng gia đình có người tự tử.
Nguy cơ mắc phải
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc tự tử?
Mặc dù tự tử thường xảy ra đối với phụ nữ nhưng đàn ông có nhiều nguy cơ hơn phụ nữ trong việc thực hiện hành vi tự tử, vì họ thường sử dụng các phương pháp hiệu quả hơn như dùng súng.
Bạn có thể có nguy cơ tự tử nếu:
Bạn có cảm giác vô vọng, vô giá trị, bị kích động, bị cô lập khỏi các mối quan hệ xã hội hoặc cô đơn
Bạn trải qua một sự kiện căng thẳng trong cuộc sống như mất mát người thân yêu, một cuộc chia tay hoặc các vấn đề liên quan đến tài chính hay pháp lý
Bạn có vấn đề lạm dụng rượu và lạm dụng ma túy, nó có thể làm trầm trọng thêm những suy nghĩ tự tử và làm cho bạn cảm thấy liều lĩnh hoặc đủ bốc đồng để hành động theo suy nghĩ của mình
Bạn có ý nghĩ tự tử và tiếp cận dễ dàng với vũ khí có sẵn trong nhà
Bạn có một rối loạn tâm thần tiềm ẩn như trầm cảm nặng, rối loạn căng thẳng sau chấn thương hoặc rối loạn lưỡng cực
Bạn có tiền sử gia đình bị rối loạn tâm thần, lạm dụng thuốc, tự tử, bạo lực, lạm dụng về tình dục
Bạn có một tình trạng sức khỏe liên quan với trầm cảm và suy nghĩ tự tử như bị bệnh mãn tính, đau mãn tính hoặc bị căn bệnh nan y
Bạn là người đồng tính nam hoặc nữ, lưỡng tính hay chuyển giới mà gia đình không ủng hộ hoặc sống trong một môi trường thù địch
Bạn đã từng cố gắng tự sát trước đây.
Phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý tự tử?
Chế độ sinh hoạt và các biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn đối phó với tự sát:
Tránh rượu và ma túy: kiêng sử dụng rượu và ma túy là rất quan trọng, vì đây là những chất có thể làm tăng tần suất các ý nghĩ tự tử.
Tập thể dục thường xuyên: tập thể dục ít nhất 3 lần mỗi tuần, đặc biệt là ở ngoài trời và dưới ánh sáng mặt trời vừa phải. Hoạt động thể chất giúp kích thích việc sản xuất một số chất nhất định trong não làm cho bạn cảm thấy hạnh phúc hơn và thoải mái hơn.
Ngủ ngon: ngủ ít nhất 6-8 giờ mỗi đêm là rất quan trọng. Bạn nên nói chuyện với bác sĩ nếu bạn bị khó ngủ.
Để giúp ngăn chặn các ý nghĩ tự tử, bạn nên:
Nói chuyện với một ai đó. Bạn không nên cố gắng tự quản lý cảm xúc tự tử một mình. Nhận được sự giúp đỡ chuyên nghiệp và sự hỗ trợ từ những người thân yêu, điều này có thể giúp bạn dễ dàng vượt qua các thách thức đang gây ra những ý định và hành vi tự tử. Ngoài ra, còn có rất nhiều các tổ chức và các nhóm hỗ trợ có thể giúp bạn đối phó với ý nghĩ tự tử.
Dùng thuốc theo chỉ dẫn. Bạn không bao giờ nên thay đổi liều hoặc ngưng dùng thuốc đang uống trừ khi được sự đồng ý của bác sĩ. Cảm xúc muốn tự tử có thể trở lại nếu bạn đột nhiên ngừng uống thuốc. Nếu bạn gặp các tác dụng phụ tiêu cực từ thuốc đang dùng, hãy nói chuyện với bác sĩ về việc chuyển đổi sang một loại thuốc khác.
Đi tái khám đầy đủ. Điều quan trọng là bạn phải tham dự đầy đủ các buổi trị liệu và các cuộc hẹn gặp cho các dịch vụ chăm sóc y tế. Tuân thủ với kế hoạch điều trị là cách tốt nhất để vượt qua ý nghĩ và hành vi tự tử.
Hãy chú ý đến những dấu hiệu cảnh báo. Bạn hãy đến gặp bác sĩ để tìm hiểu về những nguyên nhân có thể gây ra cảm giác tự tử của bạn. Điều này sẽ giúp bạn nhận ra những dấu hiệu nguy hiểm từ rất sớm và xác định những bước cần thực hiện trước khi nó xảy ra. Bạn cũng nên nói chuyện với các thành viên trong gia đình và bạn bè về các dấu hiệu cảnh báo để họ có thể nhận biết khi nào bạn cần sự giúp đỡ.
Từ bỏ việc truy cập và tìm hiểu các phương pháp gây chết người hay các cách tự tử. Vứt bỏ súng, dao hoặc các loại thuốc gây nguy hiểm nếu bạn lo lắng bản thân có thể hành động dựa trên ý nghĩ tự tử.
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán tự sát?
Bác sĩ có thể xác định xem bạn có nguy cơ cao đối với tự sát dựa trên các triệu chứng, bệnh sử cá nhân và tiền sử bệnh của gia đình.
Bác sĩ cần biết khi nào các triệu chứng của bạn bắt đầu và mức độ thường xuyên xảy ra. Bác sĩ cũng sẽ hỏi về bất kỳ các tình trạng y khoa trong quá khứ hay hiện tại và một số tình trạng nhất định có tính chất di truyền trong gia đình. Điều này có thể giúp họ thiết lập cách giải thích cho các triệu chứng và xác định những xét nghiệm cần thiết cho chẩn đoán.
Các đánh giá có thể bao gồm:
Các tình trạng sức khỏe tâm thần: trong nhiều trường hợp, ý nghĩ tự tử là do một rối loạn sức khỏe tâm thần tiềm ẩn. Nếu bác sĩ nghi ngờ một rối loạn sức khỏe tâm thần gây ra ý nghĩ tự tử, họ sẽ giới thiệu bạn đến một chuyên gia sức khỏe tâm thần. Bác sĩ tâm thần có thể cung cấp một chẩn đoán chính xác và xác định một kế hoạch điều trị hiệu quả cho tình trạng cụ thể của bạn.
Lạm dụng chất gây nghiện: lạm dụng rượu hoặc ma túy thường có thể góp phần làm tăng các suy nghĩ tự tử và hành vi tự tử. Bạn hãy chia sẻ với bác sĩ về bất kỳ vấn đề bạn có thể gặp phải với rượu hoặc sử dụng ma túy như say xỉn hoặc sử dụng ma túy hàng ngày.
Thuốc: việc sử dụng các toa thuốc nhất định hoặc các thuốc không cần toa cũng có thể kích hoạt những suy nghĩ tự tử và hành vi tự sát. Bạn hãy chắc chắn chia sẻ với bác sĩ về bất cứ loại thuốc mà bạn đang dùng để xem chúng có góp phần vào các triệu chứng của bạn hay không.
Những phương pháp nào dùng để điều trị tự sát?
Điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản gây ra những suy nghĩ và hành vi tự tử. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, điều trị bao gồm liệu pháp trò chuyện và dùng thuốc.
Liệu pháp trò chuyện
Liệu pháp trò chuyện, hay còn gọi là liệu pháp tâm lý, là một phương pháp điều trị có thể giúp giảm nguy cơ tự tử. Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) là một hình thức điều trị bằng cách nói chuyện, thường được sử dụng cho những người đang có những suy nghĩ tự tử. Phương pháp này hướng dẫn bạn làm thế nào để vượt qua các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống và các cảm xúc có thể góp phần gây ra suy nghĩ và hành vi tự tử của bạn. CBT cũng có thể giúp bạn thay thế niềm tin tiêu cực với những suy nghĩ tích cực, lấy lại cảm giác hài lòng và kiểm soát cuộc sống của mình.
Điều trị bằng thuốc
Nếu liệu pháp trò chuyện không đủ tác dụng để giảm nguy cơ, bạn có thể được kê các đơn thuốc có thể giúp giảm bớt các triệu chứng gây ra bởi các tình trạng thể chất và tinh thần nhất định. Điều trị các nguyên nhân cơ bản của các triệu chứng có thể giúp làm giảm tần suất của các ý nghĩ tự tử. Bạn có thể được kê toa một hoặc nhiều loại thuốc sau đây:
Các thuốc chống trầm cảm
Các thuốc chống rối loạn thần kinh
Các thuốc chống lo âu