Nứt kẽ hậu môn ở trẻ là gì? nguyên nhân và cách điều trị

Nứt kẽ hậu môn ở trẻ em là tình trạng thường gặp ở trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi, ít gặp ở trẻ lớn. Bệnh thường khiến trẻ khó chịu do nứt hậu môn gây đau và chảy máu, tuy nhiên hầu hết các trường hợp là tự lành và có thể điều trị tại nhà. Nếu triệu chứng không thuyên giảm hoặc vết nứt không lành trong thời gian dài có thể dẫn tới mãn tính, nên phụ huynh cần đưa trẻ đi khám và chăm sóc theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Nứt kẽ hậu môn là thuật ngữ chỉ tình trạng một vết rách nhỏ ở niêm mạc ống hậu môn của trẻ. Mặc dù chỉ là tổn thương nhỏ ở vùng niêm mạc nhưng dễ gây bất tiện, thậm chí là sợ hãi trong sinh hoạt hằng ngày của trẻ khi việc đại tiện gặp khó khăn, hoặc có cả máu trong phân gây hoang mang cho cha mẹ.

2. Nguyên nhân Nứt kẽ hậu môn ở trẻ em là gì?

Nứt kẽ hậu môn ở trẻ em có nguyên nhân sinh bệnh rất đa dạng, nhưng chủ yếu là hậu quả của táo bón, dẫn tới khối phân mỗi lần đại tiện của trẻ quá lớn và cứng, khi đi qua ống hậu môn dễ gây tổn thương nứt kẽ. Bên cạnh đó, việc nứt kẽ hậu môn gây đau đớn khi đi ngoài càng khiến trẻ sợ hãi việc đại tiện. Điều này làm gia tăng nguy cơ Táo bón dẫn tới mãn tính, tạo thành một vòng xoắn bệnh lý gây ảnh hưởng đến cả hệ tiêu hóa của trẻ.

Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác dẫn tới nứt kẽ hậu môn ở trẻ em bao gồm:

  • Thói quen rặn khi đi tiêu khiến lực đẩy phân mạnh qua ống hậu môn, gây tăng áp lực hình thành nên vết rách;
  • Viêm vùng hậu môn trực tràng hoặc viêm loét đại tràng;
  • Có đến 80% trẻ em bị nứt hậu môn trong năm đầu đời mà hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân.
Nứt kẽ hậu môn ở trẻ là gì? nguyên nhân và cách điều trị - ảnh 1
Có đến 80% trẻ em bị nứt hậu môn trong năm đầu đời

3. Triệu chứng của nứt kẽ hậu môn ở trẻ em

Nứt kẽ hậu môn ở trẻ em có triệu chứng khá rõ ràng và dễ kiểm tra. Phụ huynh cần chú ý các biểu hiện sau ở trẻ:

  • Trẻ quấy khóc hoặc khó chịu mỗi khi đi tiêu;
  • Khi trẻ đi tiêu xong sẽ ra khối phân cứng và lớn có máu tươi bọc bên ngoài;
  • Đối với trẻ lớn thì trẻ thường cố gắng nhịn đi tiêu để tránh cảm giác đau;
  • Rõ ràng nhất là khi cha mẹ kiểm tra hậu môn trẻ sẽ phát hiện vết rách dọc theo vùng da của ống hậu môn;
  • Ngoài ra trẻ còn có thể có biểu hiện Ngứa hoặc kích ứng quanh hậu môn.

Nếu một vết nứt hậu môn không lành và kéo dài trên 6 tuần thì có nguy cơ cao trở thành mãn tính. Đây chính là biến chứng thường gặp nhất của nứt hậu môn ở trẻ em. Vết nứt sau khi lành vẫn dễ tái phát trở lại và tổn thương liên tục về mô học. Ngoài ra, vết rách nếu xâm nhập đến lớp cơ vòng hậu môn trong sẽ khiến cơ co thắt, dễ dẫn tới vết rách rộng hơn và khó lành, cần được phẫu thuật để sửa chữa hoặc cắt bỏ vết nứt.

4. Điều trị nứt kẽ hậu môn ở trẻ em

Như đã đề cập, nứt kẽ hậu môn khá thường gặp ở trẻ em và hầu hết là tự lành hoặc khỏi sau khi điều trị bằng phương pháp không phẫu thuật. Triệu chứng bệnh thường biến mất sau 2 tuần nhưng phải đến 8 tuần mới lành hoàn toàn. Nếu sau thời gian đó mà vết nứt vẫn còn thì có thể phải cần đến điều trị bằng phẫu thuật.Việc đầu tiên cần làm để chữa nứt kẽ hậu môn ở trẻ em là cần thay đổi thói quen sinh hoạt và chế độ ăn của trẻ, cụ thể là:

  • Thay tã thường xuyên và giữ cho vùng hậu môn sạch sẽ;
Nứt kẽ hậu môn ở trẻ là gì? nguyên nhân và cách điều trị - ảnh 2
Thay tã thường xuyên và giữ cho vùng hậu môn sạch sẽ
  • Cho trẻ ăn thêm chất xơ, uống nhiều nước để giảm táo bón;
  • Tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên.

Sau khi đã thay đổi lối sống kèm cả dùng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc làm mềm phân nhưng không đỡ thì bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân dùng dùng kem có chứa thuốc hoặc viên nhét hậu môn. Đây là các dạng thuốc Corticosteroid dùng cho trực tràng, hoặc kem hay thuốc mỡ chứa Hydrocortisone giúp giảm bớt phản ứng viêm và khó chịu.

Phẫu thuật là phương pháp cuối cùng để điều trị nứt hậu môn ở trẻ em khi diễn tiến của bệnh có xu hướng trở thành mãn tính. Phẫu thuật sẽ cắt một phần cơ vòng hậu môn để giảm co thắt và giảm đau giúp mau lành vết thương, việc cắt bỏ có thể bao gồm cả cắt bỏ vết nứt và mô sợi xơ xung quanh. Trẻ sau phẫu thuật cần được chăm sóc tại bệnh viện dù phẫu thuật này hiếm khi gây biến chứng đi tiêu không kiểm soát.

5. Cách phòng ngừa nứt kẽ hậu môn ở trẻ em

Những thay đổi về thói quen sinh hoạt và lối sống sẽ giúp trẻ tránh bị nứt kẽ hậu môn hoặc giảm nhẹ triệu chứng của bệnh và mau lành hơn. Các biện pháp phòng ngừa gồm có:

  • Ăn nhiều chất xơ, tốt nhất là từ 20-35 g chất xơ mỗi ngày. Việc tăng chất xơ cần thực hiện từ từ vì ăn nhiều dễ gây sình bụng đầy hơi;
  • Uống nước đầy đủ rất quan trọng để phòng ngừa Táo bón - cũng là nguyên nhân chính của bệnh;
  • Vận động đều đặn sẽ giúp tăng nhu động ruột, máu huyết lưu thông giúp dễ đi tiêu và vết rách mau lành;
  • Ngâm hậu môn trong nước ấm từ 15-30 phút, từ 2-3 lần mỗi ngày giúp giảm đau và ngứa;
  • Hướng dẫn trẻ tránh rặn khi đi tiêu vì sẽ tạo áp lực, gây rách hoặc tạo vết nứt mới ở hậu môn.
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung