Mục lục:

Bảo vệ phổi trong quá trình gây mê

Gây mê tổng quát mặc dù được coi là an toàn, nhưng nó vẫn có thể làm suy yếu hệ hô hấp, dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng. Các biến chứng liên quan đến phổi là những biến chứng phổ biến hay gặp sau khi gây mê tổng quát. Chính vì vậy bảo vệ phổi trong quá trình gây mê đóng vai trò hết sức quan trọng, để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, cũng như giúp cho ca phẫu thuật thành công.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Tai biến về Hô hấp trong gây mê

Các tai biến về Hô hấp là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong quá trình gây mê. Thông khí không tốt chiếm 1/3 tổng số các trường hợp, tai biến này thường gặp trong khởi mê, rất hiếm khi gặp trong và sau mổ.

Nguyên nhân dẫn đến việc thông khí không tốt thường là do thuốc mê, phẫu thuật hoặc do cơ địa của bệnh nhân. Hậu quả là dẫn tới tình trạng thiếu oxy tế bào.

Những người có nguy cơ cao gặp biến chứng Hô hấp trong quá trình gây mê, bao gồm:

  • Người già
  • Người bị Suy hô hấp mạn tính
  • Người béo phì
  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ
  • Những người có hội chứng trào ngược dạ dày thực quản
  • Những người có dạ dày đầy

Các nguyên nhân gây thiếu oxy tế bào thường gặp là:

  • Suy hô hấp thường do các thuốc sử dụng trong gây mê: các thuốc dòng morphine, thuốc ngủ,...
  • Hít phải dịch dạ dày do dạ dày đầy và không được nhịn ăn trước mổ, trào ngược dạ dày thực quản, bệnh nhân đái tháo đường (liệt dạ dày do đái tháo đường), phụ nữ có thai.

Những nguyên nhân khác gây thiếu oxy tế bào, gồm có:

  • Tắc nghẽn đường hô hấp trên do tụt lưỡi, phù nề thanh quản, co thắt thanh - khí - phế quản.
  • Tắc mạch phổi, tràn khí màng phổi, xẹp phổi
  • Tai biến kỹ thuật: đặt nội khí quản không được, đặt nhầm vào thực quản, hỗn hợp khí mê thiếu oxy, máy thở hoạt động không tốt.

Các tai biến này có thể khắc phục được nếu phát hiện và điều trị kịp thời, nếu không bệnh nhân có thể tử vong.

Bảo vệ phổi trong quá trình gây mê - ảnh 1
Các tai biến về hô hấp là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong quá trình gây mê

2. Các biện pháp bảo vệ phổi trong quá trình gây mê

Mỗi năm, trên toàn thế giới có hơn 230 triệu ca phẫu thuật được thực hiện. Trong các ca phẫu thuật này, có nhiều bệnh nhân được gây mê tổng quát đi kèm với thông khí cơ học. Điều này khiến cho bệnh nhân có nguy cơ gặp biến chứng liên quan đến phổi sau phẫu thuật.

Do đó có nhiều nghiên cứu liên quan đến vấn đề này được tiến hành, những bằng chứng thu được đã đề xuất sử dụng các biện pháp bảo vệ phổi cho các bệnh nhân gây mê phẫu thuật.

2.1. Các thông số và cách thiết lập máy thở bảo vệ phổi trong gây mê

Có nhiều nghiên cứu tập trung vào các thông số và cách thiết lập máy thở, bao gồm:

  • Thể tích khí lưu thông (VT): đã có nhiều nghiên cứu về sự ảnh hưởng của phạm vi thể tích khí lưu thông đối với phổi trong quá trình thông khí gây mê trong phẫu thuật. Các biện pháp bảo vệ phổi có áp dụng giảm VT ảnh hưởng tích cực đến tỉ lệ xảy ra các biến chứng phổi.
  • Sử dụng áp lực dương cuối thì thở ra (PEEP): hiện nay vẫn chưa xác định được một chỉ số PEEP tối ưu, các nhà nghiên cứu có xu hướng nghiêng về chỉ số PEEP từ trung bình đến thấp.
  • Phân suất khí oxy hít vào (FiO2): trước đây, có giả định cho rằng phân suất oxy hít vào cao sẽ giúp cải thiện sự oxy hóa và làm giảm buồn nôn và nôn mửa xuất hiện sau phẫu thuật, cũng như phòng ngừa biến chứng nhiễm trùng vết mổ. Tuy nhiên, ngày nay quan điểm này đã thay đổi.
  • Huy động phế nang
  • Áp lực cao nguyên/chênh lệch.
Bảo vệ phổi trong quá trình gây mê - ảnh 2
Các thông số và cách thiết lập máy thở bảo vệ phổi trong gây mê

2.2. Gây mê lưu lượng thấp bảo vệ phổi trong gây mê

Thông khí bảo vệ phổi trước và sau phẫu thuật trong quá trình gây mê tổng quát có thể làm giảm tỷ lệ xuất hiện các biến chứng phổi sau phẫu thuật. Gây mê lưu lượng thấp tốt cho chức năng phổi hơn là kỹ thuật gây mê lưu lượng cao.

Đường hô hấp trên đóng vai trò quan trọng trong việc cơ thể thích nghi với khí hít vào do biểu mô hô hấp của đường hô hấp dưới thay đổi liên tiếp về phía các tiểu phế quản, dẫn tới làm giảm khả năng làm ẩm và làm ấm khí hít vào.

Trong quá trình gây mê, đường hô hấp trên đã bị bỏ qua, không khí đi thẳng qua ống nội khí quản hoặc mặt nạ thanh quản, đi thẳng vào đường hô hấp dưới. Điều này khiến cho đường hô hấp dưới có thể bị quá tải với việc thích nghi với không khí lạnh và khô được sử dụng trong gây mê lưu lượng cao. Chính vì vậy thông khí cơ học bằng khí lạnh và khô có thể làm tổn thương nhu mô phổi.

Khí hô hấp khô và lạnh làm giảm hoạt động của lông mao trong biểu mô hô hấp. Suy giảm cơ chế thanh thải lông - dịch nhầy này có thể dẫn đến biến chứng Xẹp phổi và nhiễm trùng.

Việc làm ấm và ẩm khí hô hấp bằng phương pháp gây mê lưu lượng thấp có thể làm giảm những ảnh hưởng tiêu cực trên tới biểu mô hô hấp. Điều này sẽ giúp bảo vệ phổi trong quá trình gây mê.

Phổi là cơ quan dễ bị tổn thương nhất trong quá trình gây mê phẫu thuật. Phổi là một trong những cơ quan quan trọng nhất của cơ thể, không có phổi chắc chắn chúng ta không thể sống được. Chính vì vậy việc bảo vệ phổi trong quá trình gây mê đóng vai trò hết sức quan trọng.

 

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung