1. Bệnh tay chân miệng lây truyền như thế nào?
Bệnh tay chân miệng là một bệnh nhiễm trùng do vi rút gây ra. Bệnh có khả năng lây từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các bọng nước hoặc phân của người bệnh; qua dùng chung các vật dụng, đồ dùng. Bệnh tay chân miệng không truyền từ vật nuôi hay bất cứ loại động vật nào sang người và ngược lại.
Bên cạnh đó, vi rút gây bệnh tay chân miệng còn có thể tồn tại trong đồ ăn, thức uống, sàn nhà, đồ chơi, vật dụng sinh hoạt hay trên tay của người chăm sóc cho trẻ nhiễm bệnh. Như vậy, bệnh tay chân miệng có thể xâm nhập vào cơ thể người thông qua đường tiêu hóa. Nguy cơ lây lan bệnh mạnh nhất trong tuần đầu tiên sau khi nhiễm bệnh nhưng giai đoạn lây nhiễm vẫn kéo dài vài tuần (do vi rút khu trú trong phân).
2. Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng
Các dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng gồm có:
- Sốt: Trẻ có thể bị sốt nhẹ hoặc Sốt cao. Khi trẻ Sốt cao nhưng không thể hạ thì đây là dấu hiệu cảnh báo bệnh đã ở giai đoạn nặng
- Tổn thương ở da: Trên da xuất hiện những nốt Mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối...
- Trẻ có thể đau miệng, bỏ ăn, nôn, tăng tiết nước bọt, tiêu chảy, mệt mỏi, quấy khóc...
Cha mẹ cần chú ý quan sát các biểu hiện bất thường của con mình và cần đưa con đến khám tại các cơ sở y tế uy tín, có chuyên khoa Truyền nhiễm của trẻ em để các bác sĩ thăm khám, theo dõi, điều trị kịp thời, tránh để bệnh tiến triển nặng hơn, gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong.
3. Đối tượng nào dễ mắc bệnh và bệnh tay chân miệng có bị lại không?
Người lớn cũng có nguy cơ nhiễm và phát bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, bệnh tay chân miệng thường xảy ra ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là ở trẻ dưới 3 tuổi do hệ miễn dịch cơ thể còn yếu.
Hơn nữa, bệnh tay chân miệng có thể tái đi tái lại nhiều lần nếu người đã từng mắc bệnh vẫn tiếp xúc với người bị tay chân miệng. Ở mỗi một lần mắc, mức độ nguy hiểm lại tùy thuộc vào độc lực của siêu vi rút gây bệnh và cơ địa của từng bệnh nhân. Biểu hiện mắc bệnh ở các lần là như nhau: Loét miệng, sang thương ở lòng bàn tay, bàn chân.
4. Có vắc-xin ngừa tay chân miệng không?
Có đến 11 tuýp vi rút gây bệnh tay chân miệng. Mỗi lần nhiễm bệnh chỉ tạo ra kháng thể với một loại vi rút nhất định, do đó có thể mắc bệnh trở lại nếu bị nhiễm vi rút khác thuộc nhóm enterovirus. Và hiện nay chưa có vắc-xin tay chân miệng.
5. Biện pháp phòng tránh bệnh tay chân miệng
Để phòng bệnh chân tay miệng cho trẻ, cha mẹ có thể thực hiện các biện pháp phòng tránh cho con tại nhà như:
- Vệ sinh tay sạch sẽ cho trẻ cũng như người chăm sóc bằng dung dịch hoặc xà phòng kháng khuẩn trước khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ, sau khi đi vệ sinh và sau khi chăm sóc trẻ.
- Đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn hoặc ghế, vật dùng hàng của trẻ cần được rửa sạch hàng ngày bằng dung dịch cloramin B (một muỗng Cà phê bột trong một lít nước).
- Lau dọn khu vực sinh hoạt, sàn nhà bằng nước javen (nước tẩy trắng quần áo pha theo hướng dẫn của nhà sản xuất trên nhãn chai).
- Tránh tiếp xúc trực tiếp (ôm hôn, sử dụng chung đồ dùng,...) với trẻ bị nhiễm bệnh cũng giúp làm giảm nguy cơ lây nhiễm
- Che mũi và miệng khi hắt hơi hoặc ho; vứt khăn giấy và tã đã qua sử dụng vào thùng rác được đậy.
- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống như ăn chín, uống chín; đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; tuyệt đối không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm hay mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
- Nếu như trẻ chưa bị bệnh tay chân miệng thì tốt nhất không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh để tránh lây lan bệnh cho trẻ.
Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng thì cha mẹ cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để có phương pháp điều trị phù hợp và chăm sóc trẻ.