1. Biến chứng tay chân miệng thường xuất hiện sau mấy ngày?
Bệnh tay chân miệng thường xuất hiện rải rác quanh năm tại hầu hết các địa phương. Vào khoảng thời gian giao mùa, thời tiết chuyển từ lạnh sang nóng là thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh. Dịch tay chân miệng hiện nay có xu hướng tăng cao trong hai khoảng thời gian chủ yếu từ tháng 3 - 5 và từ tháng 9 - 12 hàng năm.
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng khi có biểu hiện Sốt cao và nôn nhiều dễ dẫn đến biến chứng. Biến chứng tay chân miệng bao gồm biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp, thường xuất hiện sớm khoảng từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh (trong giai đoạn toàn phát). Những biến chứng nguy hiểm của tay chân miệng là viêm Não - viêm màng não, Viêm cơ tim, phù phổi cấp, nguy cơ dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Trong trường hợp không gặp biến chứng, hầu như các trẻ có thể hồi phục hoàn toàn từ 3 - 5 ngày sau giai đoạn toàn phát.
2. Những biến chứng của tay chân miệng
2.1. Biến chứng thần kinh
Biến chứng Thần kinh của tay chân miệng bao gồm: Viêm não, viêm thân não, viêm màng não, viêm Não tủy, với những biểu hiện:
- Rung giật cơ (giật mình chới với): Co giật từng cơn ngắn 1 - 2 giây, chủ yếu ở tay và chân, thường xuất hiện khi trẻ bắt đầu vào giấc ngủ hay khi cho trẻ nằm ngửa;
- Bứt rứt, ngủ gà, chới với, run chi, đi loạng choạng, mắt nhìn ngược;
- Rung giật nhãn cầu;
- Tăng trương lực cơ;
- Yếu, liệt chi (liệt mềm cấp);
- Liệt dây thần kinh sọ não;
- Hôn mê là biến chứng nặng, thường kèm theo suy hô hấp, suy tuần hoàn.
2.2. Biến chứng tim mạch, hô hấp
Biến chứng tim mạch, hô hấp của bệnh tay chân miệng là: Viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim và trụy mạch. Những dấu hiệu nhận biết bao gồm:
- Mạch nhanh (trên 150 lần/phút);
- Thời gian làm đầy mao mạch chậm (trên 2 giây);
- Biểu hiện rối loạn vận mạch, da nổi vân tím, đổ mồ hôi, tứ chi lạnh, có thể chỉ khu trú tại một vùng cơ thể (tay hoặc chân,...);
- Biến chứng tay chân miệng ở giai đoạn đầu, huyết áp tăng cao (chỉ số huyết áp tâm thu ≥ 110 mmHg (đối với trẻ dưới 1 tuổi), ≥ 115 mmHg (đối với trẻ từ 1 - 2 tuổi), ≥ 120 mmHg (đối với trẻ trên 2 tuổi). Giai đoạn sau: Không đo được mạch và huyết áp;
- Khó thở: Bệnh Nhi thở nhanh, nông, khò khè, ngực rút lõm, hơi thở rít thanh quản, không đều;
- Phù phổi cấp: Trẻ sùi bọt hồng, khó thở, da tím tái, phổi nhiều ran ẩm, nội khí quản có lẫn máu hay bọt hồng.
2.3. Biến chứng đối với thai kỳ
Một số bằng chứng cho thấy, nhiễm bệnh tay chân miệng trong 3 tháng đầu của thai kỳ có nguy cơ dẫn đến sảy thai, mặc dù tỷ lệ xảy ra rất hiếm. Tuy nhiên, phụ nữ Mang thai vẫn nên phòng ngừa bằng cách hạn chế tiếp xúc gần với những người đang mang bệnh.
Bà bầu bị tay chân miệng có thể vượt qua bệnh để sinh con và em bé sinh ra với căn bệnh này thường chỉ biểu hiện những triệu chứng nhẹ.
3. Nhận biết biến chứng tay chân miệng để đưa trẻ đi nhập viện
3.1. Trẻ đang bị biến chứng
Khi nhận thấy bé có những dấu hiệu sau đây, nên đưa đi nhập viện càng sớm càng tốt:
- Giật mình chới với (thường khi bắt đầu thiu thiu ngủ);
- Ngủ nhiều, li bì;
- Run tứ chi, đi đứng loạng choạng, yếu tay, yếu chân.
3.2. Trẻ đã bị biến chứng nặng
Nếu trẻ có những biểu hiện sau đây, cần được nhập viện gấp và theo dõi sát:
- Thở mệt;
- Khóc khan;
- Da nổi bông, lạnh tứ chi;
- Mạch nhanh;
- Huyết áp cao.
4. Bị tay chân miệng phải làm sao?
Không có phương pháp điều trị cụ thể khi bị bệnh tay chân miệng, công tác xử trí chủ yếu là giải quyết triệu chứng. Với những triệu chứng sốt và đau, có thể sử dụng thuốc hạ sốt và giảm đau có chứa Acetaminophen hoặc ibuprofen. Điều quan trọng là tăng cường bù nước để tránh tình trạng mất nước.
Trẻ bị tay chân miệng rất dễ phát tán virus cho những người xung quanh, do đó nên cho trẻ nghỉ học trong khoảng 10 ngày, hạn chế tiếp xúc với các trẻ khỏe mạnh khi ở chung nhà vì bệnh rất dễ lây lan giữa các trẻ. Hiện nay để phòng ngừa dịch tay chân miệng do tác nhân enterovirus 71 gây ra (tác nhân chủ yếu dẫn đến biến chứng tay chân miệng), cần bảo đảm vệ sinh khi cho trẻ ăn uống, vui chơi và sinh hoạt.
Nguồn tham khảo: Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế