Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Hướng dẫn Chăm sóc da, tắm cho bé khi bị tay chân miệng

12/10/2021
Hướng dẫn Chăm sóc da, tắm cho bé khi bị tay chân miệng

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát thành dịch do siêu vi đường ruột gây ra, triệu chứng đặc trưng là bóng nước nổi trên da niêm kèm theo sốt. Bệnh tay chân miệng ở trẻ sơ sinh có nguy cơ gây tử vong hoặc để lại di chứng lâu dài nếu không chăm sóc trẻ bị tay chân miệng đúng cách.

1. Tay chân miệng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là bệnh gì?

Tay - chân - miệng xảy ra gần như quanh năm ở các nước nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Bệnh có thể gặp ở mọi tuổi nhưng phổ biến là tay chân miệng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hơn 4 tuổi. Mặc dù là căn bệnh này đã không còn xa lạ gì với các bậc phụ huynh ở nước ta, tuy nhiên cho đến nay việc Xét nghiệm chẩn đoán bệnh vẫn còn rất phức tạp và tốn kém, dễ bị nhầm lẫn với những tình trạng khác. Vì thế, sự xuất hiện của bóng nước ở cả 3 vị trí tay, chân và miệng chính là dấu hiệu lâm sàng quan trọng giúp loại trừ những bệnh lý khác, từ đó chẩn đoán xác định và có hướng điều trị chăm sóc trẻ bị tay chân miệng đúng đắn.

Hướng dẫn Chăm sóc da, tắm cho bé khi bị tay chân miệng - ảnh 1
Tay chân miệng chủ yếu xuất hiện ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ dưới 4 tuổi

Những con đường lây nhiễm của bệnh tay chân miệng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bao gồm:

  • Trực tiếp từ phân – miệng;
  • Gián tiếp qua nước, thực phẩm hoặc bàn tay bẩn;
  • Lây lan qua đường Hô hấp (một số ít trường hợp).

Triệu chứng sớm nhất của bệnh thường là Sốt nhẹ, chán ăn và mệt mỏi. Trong vòng 1 - 2 ngày sau đó trẻ sẽ bị phát ban hồng nổi trên da bình thường, dần dần chuyển thành dạng bóng nước. Tổn thương niêm ở miệng, bao gồm cả lưỡi và lợi, có dạng vết loét làm trẻ đau khi nuốt và dễ nhầm lẫn với viêm Loét miệng thông thường (đau đẹn / nhiệt miệng). Những bóng nước ngoài da thường xuất hiện ở lòng bàn tay và cẳng tay, cũng như lòng bàn chân và cẳng chân. Tay chân miệng ở trẻ sơ sinh cũng có thể phát ban dạng sẩn ở vùng mông - nơi quấn tã lót. Trong giai đoạn cấp và diễn tiến, đôi khi bệnh nhân còn gặp thêm triệu chứng kèm theo khác.

2. Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng

Do hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh tay chân miệng, nên để giảm nguy cơ nhiễm trùng da - niêm mạc thì phụ huynh cần phải chú ý giữ gìn vệ sinh thân thể cho trẻ mắc bệnh. Cách chăm sóc trẻ bị tay chân miệng cụ thể là:

  • Cho trẻ súc miệng với nước muối mỗi ngày;
  • Tắm cho bé khi bị tay chân miệng bằng nước ấm, lau rửa cơ thể trẻ nhẹ nhàng, tránh làm vỡ bóng nước hoặc Trầy xước da;
  • Thay quần áo mới sạch, thoáng mát hàng ngày sau khi tắm;
  • Cắt ngắn móng tay, hoặc bao tay cho trẻ nhỏ, để hạn chế tổn thương da do gãi ngứa;
  • Xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất và theo nhu cầu của trẻ;
  • Bổ sung nhiều chất lỏng cho cơ thể bệnh nhi, bao gồm nước đun sôi để nguội, nước ép trái cây tươi, nước canh, nước cháo, ...

Xung quanh vấn đề “Có nên tắm cho bé khi bị tay chân miệng không?”, các bác sĩ đã khẳng định việc kiêng cữ gió, tránh ánh sáng và không tắm cho bé khi bị tay chân miệng là những quan niệm sai lầm. Bên cạnh đó phụ huynh cũng nên lưu ý không được chọc vỡ bóng nước cũng như đắp các loại lá cây theo dân gian truyền miệng, ... để hạn chế tình trạng nhiễm trùng da (bội nhiễm) rất nguy hiểm.

Hướng dẫn Chăm sóc da, tắm cho bé khi bị tay chân miệng - ảnh 2
Nên tắm cho trẻ bị tay chân miệng bằng nước ấm thật nhẹ nhàng

3. Đề phòng biến chứng tay chân miệng ở trẻ sơ sinh

Song song với việc chăm sóc trẻ bị tay chân miệng đúng cách như đã được hướng dẫn, bố mẹ cũng cần theo dõi sát những diễn biến tổn thương da - niêm, cũng như tình trạng chung của trẻ. Cần phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được điều trị biến chứng nặng khi có những dấu hiệu sau đây:

  • Sốt cao không hạ;
  • Nhức đầu dữ dội;
  • Nôn ói nhiều;
  • Lơ mơ, mệt mỏi;
  • Giật mình chới với;
  • Co giật.

Nếu được điều trị đúng cách, trẻ mắc bị mắc bệnh tay chân miệng sẽ khỏi trong vòng 1 tuần lễ mà không gặp bất kỳ biến chứng nào. Ban đầu những bóng nước sẽ dịch trong, sau thời gian lành lại thì cũng không để lại sẹo. Nhưng nếu không được điều trị đúng cách, bệnh chuyển sang giai đoạn bội nhiễm thì phỏng nước sẽ có dịch đục. Bệnh diễn tiến nặng sẽ dẫn đến những biến chứng rất nghiêm trọng, chẳng hạn như:

  • Nhiễm trùng huyết;
  • Viêm Não và màng não;
  • Viêm cơ tim.

Trong đó, biến chứng liên quan đến Não có nhiều nguy cơ khiến bệnh nhân tử vong và để lại di chứng lâu dài ảnh hưởng đến cuộc sống về sau của trẻ.

Mặc dù đã xác định được nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng là do siêu vi trùng đường ruột, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc-xin chủng ngừa tay chân miệng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Chính vì vậy, cộng đồng cần chung tay phòng bệnh bằng cách cải thiện chất lượng môi trường sống, đảm bảo “ăn chín uống sôi” và giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhất là trước khi ăn và sau khi đi đại tiện. Đối với những trường hợp mắc bệnh, cần chăm sóc trẻ bị tay chân miệng đúng cách, đặc biệt chú ý tránh làm tổn thương thêm các Bỏng nước trên da niêm và tắm cho bé khi bị tay chân miệng hàng ngày bằng nước ấm để hạn chế nhiễm trùng.