Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Bệnh ung thư vú có di truyền không? Các yếu tố di truyền ung thư vú

16/04/2021
Bệnh ung thư vú có di truyền không? Các yếu tố di truyền ung thư vú

Ung thư vú gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản, chiếm tỉ lệ tử vong cao ở giới nữ. Tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, bệnh có xu hướng tăng dần, ngày càng trẻ hóa. Vậy, bệnh ung thư vú có di truyền không? Thông qua bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giúp bạn giải đáp nỗi lo lắng này, đồng thời đưa ra cách phòng ngừa bệnh hiệu quả.

1. HER2 là gì?

Thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì 2 ở người (HER2) là một gen tạo ra protein HER2. Protein HER2 hoạt động như các thụ thể trên tế bào vú và thúc đẩy tăng trưởng tế bào vú. Mọi phụ nữ đều có HER2 trong các tế bào vú của họ.

Trong một tế bào vú khỏe mạnh, HER2 có trách nhiệm sửa chữa các tế bào bị hư hỏng và sinh ra nhiều tế bào hơn. Nếu đột biến gen HER2, nó gây ra sự gia tăng không kiểm soát các protein HER2. Điều này khiến các tế bào phát triển và phân chia không kiểm soát, có thể dẫn đến ung thư. Theo Mayo Clinic, trong khoảng 1/5 (20%) của các trường hợp ung thư vú là do gen HER 2 không hoạt động bình thường.

Ung thư vú HER2 dương tính không được thừa kế từ cha mẹ. Thay vào đó, nó được coi là một đột biến gen soma. Đột biến gen soma xảy ra sau khi thụ thai. Có một người thân bị ung thư vú HER2 dương tính không làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú hoặc ung thư vú HER2 dương tính ở bạn.

2. Xét nghiệm xác định ung thư vú HER2 dương tính

Ung thư vú HER2 dương tính thường có khả năng ác tính cao hơn các loại ung thư khác. Ung thư vú HER2 dương tính cũng không luôn luôn đáp ứng trong việc điều trị Nội tiết tố.

Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú, bác sĩ có thể tiến hành một thử nghiệm để xác định xem liệu ung thư vú của bạn là HER2 dương tính không. Nếu có, điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều trị của bạn.

Tuy nhiên, xét nghiệm HER2 là không đơn giản. Xét nghiệm HER2 đôi khi có kết quả sai. Nếu ung thư vú của bạn là HER2 dương tính nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy nó là âm tính, điều này có thể tác động đáng kể trong việc điều trị ung thư. Bạn hãy nói chuyện với bác sĩ để xem thử kết quả xét nghiệm có đáng tin cậy hay không. Nếu bạn đang quan tâm, hoặc nếu kết quả của bạn đang ở ranh giới giữa bình thường và bất thường, hãy yêu cầu làm xét nghiệm HER2 lần nữa.

3. Yếu tố di truyền ung thư vú

Ước tính có khoảng 5 - 10 % bệnh nhân ung thư vú có liên quan đến đột biến gen được truyền qua các thế hệ trong một gia đình. Một số gen đột biến di truyền có thể làm tăng khả năng ung thư vú đã được xác định. Được biết đến nhiều nhất là gen ung thư vú 1 (BRCA1) và gen ung thư vú 2 (BRCA2), cả hai đều làm tăng đáng kể nguy cơ mắc cả ung thư vú và ung thư buồng trứng.

Nếu bạn có tiền sử gia đình rõ ràng về ung thư vú hoặc các bệnh ung thư khác, bác sĩ có thể đề nghị Xét nghiệm máu để xác định các đột biến đặc hiệu trong BRCA hoặc các gen khác đang được di truyền trong gia đình bạn.

Cân nhắc hỏi bác sĩ của bạn để giới thiệu đến một chuyên gia di truyền, người có thể xem lại tiền sử sức khỏe gia đình của bạn. Chuyên gia di truyền cũng có thể thảo luận về lợi ích, nguy cơ và những hạn chế của xét nghiệm di truyền để hỗ trợ bạn trong việc đưa ra quyết định chung.

4. Những yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư vú

Yếu tố nguy cơ ung thư vú là bất cứ yếu tố nào khiến bạn dễ bị ung thư vú hơn. Nhưng có một hoặc thậm chí một số yếu tố nguy cơ ung thư vú cũng không có nghĩa là bạn sẽ bị ung thư vú, trong khi có nhiều phụ nữ bị ung thư vú không có các yếu tố nguy cơ.

Các yếu tố liên quan đến khả năng tăng nguy cơ ung thư vú bao gồm:

  • Giới tính: Phụ nữ mắc ung thư vú nhiều hơn nam giới
  • Tuổi: Nguy cơ ung thư vú tăng lên tỉ lệ thuận với tuổi
  • Tiền sử cá nhân về tổn thương vú: Nếu bạn đã Sinh thiết vú phát hiện Ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ (LCIS) hoặc tăng sản không điển hình (ADH) thì bạn có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn.
  • Tiền sử cá nhân về ung thư vú: Nếu bạn đã mắc ung thư vú một bên, sẽ tăng nguy cơ mắc ung thư ở vú còn lại.
  • Tiền sử gia đình bị ung thư vú: Nếu mẹ, chị gái hoặc con gái được chẩn đoán mắc ung thư vú, đặc biệt khi trẻ tuổi, nguy cơ mắc ung thư vú sẽ tăng lên. Tuy nhiên, phần lớn những người được chẩn đoán ung thư vú không có tiền sử gia đình mắc bệnh.
  • Gen di truyền làm tăng nguy cơ ung thư: Một số đột biến gen làm tăng nguy cơ ung thư vú có thể được truyền từ cha mẹ sang con cái. Được biết đến nhiều nhất là BRCA1 và BRCA2. Những gen này có thể làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư vú và các ung thư khác
  • Phơi nhiễm tia xạ: Nếu được điều trị tia xạ vùng ngực lúc nhỏ, sẽ tăng nguy cơ mắc ung thư vú
  • Béo phì: Béo phì làm tăng nguy cơ ung thư vú
  • Dậy thì: Dậy thì trước 12 tuổi làm tăng nguy cơ ung thư vú
  • Mãn kinh: Nếu bắt đầu mãn kinh khi lớn tuổi, có nhiều khả năng bị ung thư vú hơn
  • Tuổi có con đầu lòng: Phụ nữ sinh con đầu lòng sau 30 tuổi có thể tăng nguy cơ ung thư vú
  • Không mang thai: Phụ nữ chưa bao giờ Mang thai có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn so với những phụ nữ đã có một hoặc nhiều lần mang thai.
  • Liệu pháp hormone sau mãn kinh: Phụ nữ dùng thuốc nội tiết tố kết hợp Estrogen Progesterone để điều trị các dấu hiệu và triệu chứng mãn kinh có nguy cơ cao mắc ung thư vú. Nguy cơ ung thư vú giảm khi phụ nữ ngừng dùng các loại thuốc này.
  • Rượu: Uống rượu làm tăng nguy cơ ung thư vú.

5. Phòng ngừa ung thư vú

Giảm nguy cơ ung thư vú cho phụ nữ có nguy cơ trung bình bằng cách thay đổi lối sống hàng ngày của bạn có thể giúp giảm nguy cơ ung thư vú. Cố gắng:

  • Hỏi bác sĩ về sàng lọc ung thư vú: Thảo luận với bác sĩ khi bắt đầu kiểm tra và sàng lọc ung thư vú, chẳng hạn như khám vú lâm sàng và chụp nhũ ảnh. Nói chuyện với bác sĩ về những lợi ích và rủi ro của sàng lọc. Cùng với bác sĩ, bạn có thể quyết định chiến lược sàng lọc ung thư vú nào phù hợp.
  • Nhận thức về việc tự kiểm tra vú: Thỉnh thoảng nên tự kiểm tra ngực của mình. Nếu có một thay đổi nào, khối hoặc các dấu hiệu bất thường khác ở vú, hãy nói chuyện ngay với bác sĩ. Nhận thức về vú không thể ngăn ngừa ung thư vú, nhưng nó có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về những thay đổi bình thường ở vú để xác định bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng bất thường nào.
  • Uống rượu vừa phải: Nếu phải uống, hạn chế lượng không quá một ly mỗi ngày.
  • Tập thể dục: Đặt mục tiêu ít nhất 30 phút vào hầu hết các ngày trong tuần. Nếu gần đây bạn không hoạt động, hãy hỏi bác sĩ và bắt đầu dần.
  • Hạn chế điều trị nội tiết tố sau mãn kinh: Liệu pháp hormone kết hợp có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú. Nói chuyện với bác sĩ về lợi ích và nguy cơ của liệu pháp hormone.
  • Một số phụ nữ gặp phải các dấu hiệu và triệu chứng khó chịu trong thời kỳ mãn kinh và đối với những phụ nữ này, khả năng có nguy cơ ung thư vú có thể được chấp nhận để làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng mãn kinh.
  • Để giảm nguy cơ ung thư vú, hãy sử dụng liều điều trị hormone thấp nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể.
  • Duy trì cân nặng: Nếu cân nặng ổn, hãy duy trì. Nếu bạn cần giảm cân, hãy hỏi bác sĩ về chiến lược để thực hiện. Giảm số lượng calo bạn ăn mỗi ngày và từ từ tăng số lượng bài tập.
  • Lựa chọn một chế độ ăn uống lành mạnh: Phụ nữ có chế độ ăn bổ sung dầu ô liu và các loại hạt hỗn hợp có thể giảm nguy cơ ung thư vú. Chế độ ăn tập trung chủ yếu vào các thực phẩm có nguồn gốc thực vật, như trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và các loại hạt, chọn chất béo lành mạnh (chẳng hạn như dầu ô liu), cá thay vì bơ và thịt đỏ.