Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Bệnh viêm gan B có lây qua đường sữa mẹ hay không?

13/10/2021
Bệnh viêm gan B có lây qua đường sữa mẹ hay không?

Nuôi con bằng sữa mẹ là mong ước của tất cả người làm mẹ, đây cũng là nguồn dinh dưỡng tốt nhất trong những năm tháng đầu đời của trẻ. Tuy nhiên, với những bệnh nhân mắc bệnh viêm gan B có được thực hiện cho con bú như nhiều các bà mẹ khác hay không?

1. Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Viêm gan siêu vi B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đe dọa sức khỏe cộng đồng. Ở Việt Nam, có đến 10 - 14% tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B. Bệnh thường diễn biến thầm lặng và có khả năng lây lan nhanh chóng, thậm chí có thể đột biến gây viêm gan tối cấp dẫn đến tử vong, hậu quả lâu dài và nặng nề gây ra biến chứng Xơ gan và ung thư gan.

Thực tế, tỷ lệ phụ nữ Mang thai nhiễm viêm gan siêu vi B cũng cao tới 10-13%, lây từ mẹ sang con là 44,7%. Con đường lây lan chủ yếu là khi thai Nhi đi qua âm đạo, sau khi sinh cho trẻ bú sữa mẹ và chỉ có 3-10% lây qua nhau thai.

Thai phụ có thể nhiễm viêm gan B trước khi mang thai hoặc trong khi Mang thai nhưng phần lớn là nhiễm bệnh từ trước có thể không phát hiện. Tuy nhiên, virus Viêm gan B không làm ảnh hưởng xấu đến quá trình mang thai. Thai nhi trong bụng mẹ vẫn phát triển khỏe mạnh bình thường.

Theo đó, để đảm bảo sức khỏe và tránh nguy cơ lây nhiễm cho thai nhi thì sau khi trẻ ra đời cần được tiêm chủng vắc-xin để phòng bệnh. Nếu không được bảo vệ ngay sau khi sinh thì 50% số trẻ này sẽ bị viêm gan mạn và có nguy cơ bị Xơ gan lúc trưởng thành. Tỷ lệ trẻ bị viêm gan cấp ngay sau sinh là 5-7% mà không có biểu hiện triệu chứng rõ ràng.

Bệnh viêm gan B có lây qua đường sữa mẹ hay không? - ảnh 1
Viêm gan B có thể lây từ mẹ sang con trong quá trình mang thai

2. Khả năng lây truyền viêm gan B trong quá trình mang thai

Viêm gan B là một căn bệnh nguy hiểm, khó điều trị và để lại biến chứng nguy hiểm cho gan. Đặc biệt đây là căn bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng và rất dễ lây nhiễm, nhất là trong quá trình mang thai.

Khả năng lây truyền bệnh viêm gan B trong quá trình mang bầu:

  • 3 tháng đầu thai kỳ: 1%
  • 3 tháng giữa thai kỳ: 10%
  • 3 tháng cuối thai kỳ: 67%

Mức độ nhân đôi của siêu vi được xác định bằng xét nghiệm HBeAg huyết thanh, đây là một bằng chứng nguy hiểm của tính lây nhiễm. Cụ thể xét nghiệm chứng tỏ sự lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con như sau:

  • HBsAg (+)/ HBeAg (+): 90%
  • HBsAg (+)/ HBeAg (-): 10-25%

Theo thống kê, có hơn 95% trẻ sơ sinh bị nhiễm viêm gan B ở giai đoạn chu sinh sẽ tiến triển sang giai đoạn Viêm gan mạn tính do có liên quan đến tình trạng chưa trưởng thành ở hệ thống miễn dịch của trẻ, ngược lại ở tuổi trưởng thành chỉ có 5-7% chuyển sang mạn tính.

Bệnh viêm gan B có lây qua đường sữa mẹ hay không? - ảnh 2
3 tháng đầu thai kỳ, tỉ lệ lây nhiễm là 1%

3. Bệnh viêm gan B có lây qua đường sữa mẹ hay không?

Là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nên rất nhiều chị em phụ nữ mắc bệnh viêm gan B đang cho con bú lo lắng không biết viêm gan B có lây qua sữa mẹ không?

Thực tế, trong sữa mẹ vẫn chứa một lượng virus viêm gan B nhất định. Tuy nhiên, virus viêm gan B chỉ lây nhiễm cho trẻ nếu trẻ bú mẹ có đầu vú bị nứt, rạn, chảy máu. Vì thế, khi trẻ bị nứt miệng, tưa lưỡi thì người mẹ cần được điều trị vị trí tổn thương và ngừng cho trẻ bú sữa mẹ.

Bên cạnh đó, người mẹ bị nhiễm virus viêm gan B vẫn có thể cho trẻ bú bình thường nếu như trẻ được bảo vệ bằng cách tiêm cho trẻ Huyết thanh kháng viêm gan B (Ig- AntiB) 100 đơn vị ngay trong phòng đẻ, sau đó tiêm vắc-xin phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh ở những vị trí khác trên cơ thể theo công thức 3 mũi (ngay sau đẻ, tháng thứ 2 và tháng thứ 3).

Sau khi tiến hành cai sữa thì người mẹ mắc bệnh viêm gan B cần tiến hành điều trị viêm gan B, đồng thời làm các xét nghiệm để hạn chế những biến chứng nguy hiểm mà bệnh viêm gan B có thể gây ra. Nếu điều trị bệnh trong quá trình cho con bú, người mẹ cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa, không nên tự ý sử dụng các loại thuốc, thuốc Đông y hay các thực phẩm chức năng. Người mẹ chỉ nên sử dụng thuốc khi có sự tư vấn của các bác sĩ có chuyên môn để tránh gây ra các tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng sữa mẹ.

Bệnh viêm gan B có lây qua đường sữa mẹ hay không? - ảnh 3
Trẻ cần sớm được tiêm vắc - xin viêm gan B để tránh lây nhiễm virus viêm gan B từ người mẹ

4. Cách phòng bệnh viêm gan B

Là một căn bệnh nguy hiểm nhưng bệnh viêm gan B hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách tiêm vắc-xin phòng bệnh ngay khi trẻ chào đời.

Với các mẹ bầu cần làm xét nghiệm HBsAg trong Huyết thanh thai phụ vào tháng thứ 6 của thai kỳ, nếu kết quả dương tính (+) các bác sĩ sẽ đánh giá mức độ truyền bệnh, làm xét nghiệm bổ sung HBeAg hoặc ADN và anti HBe để có hướng điều trị bệnh và hạn chế tối đa sự lây nhiễm cho thai nhi.

Theo đó, phương án phòng bệnh viêm gan B tốt nhất là tiêm chủng vắc-xin viêm gan B cho tất cả các phụ nữ có kết quả xét nghiệm HBsAg âm tính (-) trong huyết thanh trước hoặc trong khi có thai để phòng ngừa bệnh.

Ngoài ra, để giảm thiểu sự lây truyền Virus Viêm gan B từ mẹ sang con, trong quá trình mang thai, mẹ bầu cần thường xuyên theo dõi, khám thai định kỳ, chọn thời điểm thụ thai phù hợp (tốt nhất trước khi có thai nên khám sức khỏe tiền hôn nhân), tuân thủ phác đồ tiêm chủng vắc-xin của WHO và chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia để con được khỏe mạnh nhất.