1. Bệnh liệt dạ dày là gì?
Liệt dạ dày (hay còn gọi là chậm lưu thông dạ dày) là một rối loạn tiến triển. Liệt dạ dày khiến thức ăn lưu lại trong dạ dày lâu hơn bình thường vì các dây Thần kinh chi phối việc di chuyển thức ăn qua đường tiêu hóa bị tổn thương, các cơ bắp không hoạt động để đẩy thức ăn. Điều này dẫn đến việc thực phẩm hay bị giữ trong dạ dày và không được tiêu hóa.
2. Biến chứng liệt dạ dày ở bệnh nhân đái tháo đường
Liệt dạ dày là một rối loạn ảnh hưởng đến cả bệnh nhân Tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2. Tổn thương Thần kinh có thể xảy ra theo thời gian do tác động của lượng đường trong máu tăng cao và kéo dài ở bệnh nhân đái tháo đường. Chậm tiêu hóa còn làm cho việc điều trị bệnh đái tháo đường trở nên khó khăn hơn.
Liệt dạ dày rất khó chẩn đoán và thường xuyên bị bỏ qua. Theo nghiên cứu, tỷ lệ liệt dạ dày ở những người bị bệnh tiểu đường rất cao, lên đến 65%.
Liệt dạ dày thường gặp hơn ở những người được chẩn đoán tiểu đường sau nhiều năm có lượng đường trong máu cao, không được kiểm soát. Đường huyết cao trong thời gian dài gây ra thay đổi hóa học trong dây thần kinh. Khi tình trạng này kéo dài dai dẳng, cuối cùng sẽ gây thiệt hại cho các mạch máu là nguồn cung cấp các chất Dinh dưỡng và oxy cho dây thần kinh của cơ thể, bao gồm các dây thần kinh phế vị, cuối cùng dẫn đến liệt dạ dày.
3. Triệu chứng liệt dạ dày
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh liệt dạ dày bao gồm:
- Ợ nóng.
- Buồn nôn.
- Ói ra thức ăn chưa được tiêu hóa.
- Cảm giác mau no khi ăn.
- Sụt cân.
- Bụng đầy hơi thường xuyên.
- Lượng đường trong máu lên xuống thất thường.
- Ăn không cảm thấy ngon miệng.
- Gây trào ngược dạ dày thực quản.
- Co thắt thành dạ dày.
Những triệu chứng này có mức độ nhẹ hay nặng phụ thuộc vào mỗi người.
4. Biến chứng của bệnh liệt dạ dày ở bệnh nhân đái tháo đường
Liệt dạ dày làm cho tình trạng bệnh đái tháo đường trở nên xấu hơn vì nó gây khó khăn trong việc kiểm soát lượng đường trong máu. Liệt dạ dày gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho bệnh nhân tiểu đường vì gây khó theo dõi quá trình tiêu hóa, dẫn đến lượng đường của bệnh nhân thường quá cao hoặc quá thấp.
Nếu thức ăn ở lại quá lâu trong dạ dày có thể gây ra việc vi khuẩn phát triển quá mức do thức ăn đã lên men. Ngoài ra, các thực phẩm có thể đông cứng lại thành khối rắn gọi là dị vật dạ dày (bezoar), gây ra các triệu chứng như buồn nôn, ói mửa và tắc nghẽn trong dạ dày. Bezoar có thể nguy hiểm nếu gây tắc nghẽn sự thông thương từ dạ dày vào ruột non.
Liệt dạ dày là một bệnh mãn tính và có thể khiến bệnh nhân cảm thấy choáng ngợp, kiệt sức vì trải qua quá trình thay đổi chế độ ăn uống và cố gắng kiểm soát lượng đường trong máu, đồng thời cảm thấy ốm và buồn nôn đến mức nôn mửa. Những người bị liệt dạ dày thường hay cảm thấy thất vọng và chán nản.
5. Bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ liệt dạ dày khi nào?
Bệnh nhân nữ mắc tiểu đường có nguy cơ bị liệt dạ dày cao hơn. Các bệnh khác có thể kết hợp làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm tiền sử phẫu thuật vùng bụng (sinh mổ) hoặc có tiền sử rối loạn ăn uống.
Bệnh và các tình trạng khác ngoài bệnh tiểu đường có thể gây liệt dạ dày, chẳng hạn như nhiễm trùng do virus, thuốc tiêu hóa chậm, bệnh trào ngược axit, các rối loạn cơ trơn.
Các bệnh khác có thể gây ra các triệu chứng liệt dạ dày bao gồm bệnh Parkinson, viêm tụy mãn tính, xơ nang, bệnh thận, hội chứng Turner. Đôi khi không thể xác định nguyên nhân gây liệt dạ dày, thậm chí sau khi đã tiến hành Xét nghiệm nhiều lần.
6. Chẩn đoán liệt dạ dày
- Chụp X - quang dạ dày với Bari.
- Đo áp lực dạ dày.
- Nội soi dạ dày - tá tràng.
- Siêu âm bụng.
- Xét nghiệm máu.
7. Điều trị liệt dạ dày
Mục tiêu quan trọng nhất trong điều trị bệnh liệt dạ dày do đái tháo đường là kiểm soát lượng đường huyết càng gần mức bình thường càng tốt. Phương pháp điều trị bao gồm: dùng insulin, thuốc uống tăng co bóp dạ dày, thay đổi chế độ ăn và trong trường hợp nghiêm trọng sẽ nuôi ăn bằng ống hoặc nuôi ăn qua đường tĩnh mạch.
7.1 Dùng Insulin để kiểm soát đường huyết
Nếu bị liệt dạ dày, sau khi ăn thực phẩm sẽ được hấp thu chậm hơn và ở những thời điểm không thể đoán trước. Để quản lý tốt hơn lượng đường trong máu cần phải thử như sau: sử dụng insulin thường xuyên hơn; tiêm insulin sau khi ăn thay vì trước khi ăn; kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên sau khi ăn và tiêm Insulin bất cứ khi nào cần thiết.
7.2 Dùng thuốc tăng sức co bóp dạ dày
Bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc khác nhau hoặc kết hợp các loại thuốc để tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
7.3 Thay đổi bữa ăn và chế độ ăn
Thay đổi thói quen ăn uống có thể giúp kiểm soát liệt dạ dày. Bệnh nhân có thể được yêu cầu ăn 6 bữa nhỏ trong ngày thay vì 3 bữa lớn. Nếu mỗi bữa ăn một ít thì trong dạ dày sẽ có ít thức ăn hơn, vì thế tránh được hiện tượng dạ dày trở nên quá đầy.
Bác sĩ cũng có thể đề nghị bệnh nhân nên cố gắng ăn nhiều chất lỏng mỗi ngày cho đến khi lượng đường trong máu ổn định và liệt dạ dày được cải thiện. Thức ăn lỏng có thể đi qua dạ dày dễ dàng và nhanh chóng hơn thức ăn rắn. Bệnh nhân nên tránh những thức ăn nhiều chất béo và chất xơ vì chúng khó tiêu đối với người bị liệt dạ dày và có thể tạo thành bezoar gây tắc dạ dày.
7.4 Ăn bằng ống
Nếu các phương pháp trên không hiệu quả, bệnh nhân có thể cần phải phẫu thuật để đặt ống nuôi ăn (phẫu thuật mở hỗng tràng ra da). Ống này cho phép đưa các chất Dinh dưỡng trực tiếp vào ruột non.