1. Lộ tuyến cổ tử cung và viêm lộ tuyến cổ tử cung
1.1 Lộ tuyến cổ tử cung
Lộ tuyến cổ tử cung là các tổn thương lành tính ở cổ tử cung, do các tế bào tuyến nằm trong ống cổ tử cung phát triển ra ngoài, xâm lấn mặt ngoài cổ tử cung, tiết dịch như khi ở trong cổ tử cung. Vì vậy, bệnh nhân thường có hiện tượng tăng tiết dịch âm đạo, khí hư có mùi, Ngứa ngáy,... dễ dẫn đến viêm nhiễm (viêm lộ tuyến cổ tử cung).
Tình trạng lộ tuyến cổ tử cung thường không có triệu chứng. Bệnh nhân chủ yếu được phát hiện khi đi khám phụ khoa. Một số phụ nữ bị lộ tuyến cổ tử cung bẩm sinh. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể xuất hiện do việc dùng thuốc tránh thai, gặp ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai hoặc do vệ sinh vùng kín sai cách, hoạt động Tình dục mạnh gây tổn thương tử cung, nạo hút thai nhiều lần,... Mức độ nguy hiểm của lộ tuyến cổ tử cung phụ thuộc vào diện tích vùng lộ tuyến rộng hay hẹp.
1.2 Viêm lộ tuyến cổ tử cung
Viêm lộ tuyến cổ tử cung là hiện tượng cảnh báo Tình trạng viêm nhiễm ở các lộ tuyến. Khi cổ tử cung bị lộ ra ngoài niêm mạc khiến các tuyến dễ bị viêm nhiễm bởi nấm, vi trùng, ký sinh trùng,... Bệnh thường gặp ở phụ nữ đã có gia đình, người từng trải qua kỳ sinh nở hoặc đã có quan hệ Tình dục trong nhiều năm.
Nguyên nhân gây bệnh- Không vệ sinh vùng kín sạch sẽ: Tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh phát triển và tấn công. Chúng sẽ nhanh chóng thâm nhập, di chuyển lên cổ tử cung và gây viêm nhiễm tại đây;
- Hormone estrogen tăng đột biến: Thúc đẩy sự xáo trộn môi trường bảo vệ trong cơ quan sinh dục, khiến các tuyến bị lộ, viêm nhiễm;
- Nạo hút thai không đảm bảo vô trùng: Khiến cổ tử cung của phụ nữ bị bào mòn và viêm nhiễm;
- Quan hệ tình dục không an toàn: Khiến phụ nữ tăng nguy cơ viêm lộ tuyến cổ tử cung do các bệnh truyền nhiễm qua đường Tình dục như giang mai, lậu, sùi mào gà,...;
- Thủ thuật phụ khoa: Các thủ thuật phụ khoa như hút thai, đặt vòng tránh thai, mổ u xơ,... làm bào mòn cổ tử cung, tăng nguy cơ viêm lộ tuyến.
- Khí hư xuất hiện nhiều, nặng mùi ngả sang màu vàng, dính dính, có bọt, đôi khi có pha lẫn máu;
- Vùng da ngoài âm đạo có màu đỏ và sưng, ngứa, thậm chí bị loét;
- Đau vùng eo, vùng xương chậu, đau bụng kinh, về sau cơn đau lan sang các vùng dây chằng, ảnh hưởng tới sinh hoạt vợ chồng và có thể dẫn tới vô sinh;
- Viêm lộ tuyến lan rộng sang ba góc của bàng quang, kích thích bàng quang, dẫn tới hiện tượng tiểu rắt, tiểu nhiều, đau khi đi tiểu;
- Chảy máu khi quan hệ tình dục, có cảm giác đau rát do bề mặt cổ tử cung bị viêm lộ tuyến trở nên sần sùi hơn, dễ bị tổn thương hơn;
- Mệt mỏi, kém linh hoạt và lười vận động;
- Chu kỳ kinh nguyệt thất thường: Trễ kinh, kinh nguyệt kéo dài hoặc máu kinh nguyệt có màu đen sẫm,...
Bản thân lộ tuyến là một tổn thương lành tính nhưng trong quá trình xâm lấn ra bề mặt cổ tử cung, các tế bào lát bên ngoài cổ tử cung có thể phản ứng tăng sinh để đẩy lùi sự xâm lấn này, làm xuất hiện những tổn thương có thể dẫn tới Ung thư cổ tử cung. Bên cạnh đó, viêm lộ tuyến kèm Viêm cổ tử cung kéo dài còn làm cổ tử cung to và dài ra, dễ bị lầm tưởng là sa dạ con. Vì vậy, việc điều trị sớm là rất cần thiết. Các phương pháp điều trị gồm:
- Nội khoa: Dùng thuốc đặt âm đạo cho những trường hợp bị viêm nhiễm nhẹ. Bệnh nhân nên thực hiện đặt thuốc vào buổi tối, trước khi đi ngủ và thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ;
- Ngoại khoa: Đốt điện hoặc đốt laser tiêu diệt vùng viêm nhiễm và các tế bào gây lộ tuyến.
2. Nang naboth cổ tử cung
Nang naboth cổ tử cung là những u nhỏ, hình thành trên bề mặt cổ tử cung. Nang naboth là một tổn thương lành tính, hình thành do lớp tế bào biểu mô lát phát triển quá mức, trùm lên biểu mô tuyến ở vị trí giáp ranh mối nối cổ tử cung. Tùy vào thời gian và mức độ phát triển mà nang naboth có thể có kích thước nhỏ hay lớn (bằng hạt gạo, hạt đậu hoặc to hơn).
Nang naboth có màu trắng hoặc vàng, rất nhẵn. Thông thường, khi bị nang naboth, phụ nữ không có biểu hiện cụ thể, thường chỉ phát hiện bệnh khi đi khám phụ khoa. Cũng có trường hợp xuất huyết âm đạo sau khi quan hệ nhưng rất hiếm.
Nhìn chung, nang naboth không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng lại ảnh hưởng tới đời sống tình dục và khả năng mang thai của phụ nữ. Nang naboth nhỏ và ít, phần lớn có thể tự tiêu nên không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu nang phát triển quá to thì có thể tự vỡ, gây viêm nhiễm, nhiễm khuẩn tử cung rất nguy hiểm. Bởi vậy, nhiều trường hợp bác sĩ sẽ chọc cho dịch thoát ra ngoài để tránh nguy cơ nang tự vỡ gây viêm nhiễm.
3. Polyp cổ tử cung
Polyp cổ tử cung là các khối u nhỏ, dài, thường xuất phát từ cổ tử cung ngoài hoặc từ bên trong và lan ra ngoài cổ tử cung. Polyp hình thành bởi các tuyến tăng sinh phì đại, bao quanh bởi một khối mô đệm và đa số polyp là lành tính. Nếu bị polyp, thông thường chị em chỉ có 1, 2, nhiều nhất là 3 polyp trên cổ tử cung. Kích thước khối polyp có thể rất nhỏ hoặc phình to rất lớn. Polyp cổ tử cung không có triệu chứng nhận biết rõ ràng, thường chỉ được phát hiện khi phụ nữ đi khám phụ khoa.
3.1 Triệu chứng bệnh
- Chảy máu âm đạo;
- Có chất nhầy màu trắng, vàng;
- Chu kỳ kinh nguyệt nặng bất thường;
- Chảy máu sau khi quan hệ tình dục, giữa các kỳ kinh, sau khi thụt rửa, sau khi mãn kinh.
3.2 Nguyên nhân gây bệnh
Cho đến nay, nguyên nhân gây polyp cổ tử cung vẫn chưa được xác định rõ ràng. Một số giả thuyết cho rằng nguyên nhân gây bệnh là:
- Tăng nồng độ estrogen;
- Tắc mạch máu;
- Viêm cổ tử cung, âm đạo hoặc mắc bệnh tử cung mạn tính.
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh là:
- Phụ nữ độ tuổi 40 - 50 nhiều hơn 1 con;
- Phụ nữ mang thai (do tăng hormone estrogen);
- Người mắc viêm nhiễm cổ tử cung.
3.3 Phương pháp điều trị
Thông thường, các bác sĩ sẽ không loại bỏ polyp cổ tử cung trừ khi chúng gây ra những triệu chứng khó chịu. Thủ thuật loại bỏ polyp cổ tử cung rất đơn giản, có thể thực hiện trong phòng khám và không cần dùng thuốc giảm đau. Các phương pháp loại bỏ polyp cổ tử cung gồm:
- Xoắn polyp ở đáy;
- Gắn dây phẫu thuật quanh gốc của polyp và cắt đi;
- Sử dụng vòng kẹp để tháo polyp;
- Phá hủy nền tảng của polyp bằng nitơ lỏng, đốt điện (bao gồm sử dụng kim điện nóng) và phẫu thuật laser.
3.4 Phòng ngừa và kiểm soát polyp cổ tử cung
- Khám cổ tử cung thường xuyên để phát hiện sự tăng trưởng sớm của polyp;
- Dùng đồ lót bằng cotton để lưu thông không khí tốt, ngăn ngừa nhiệt độ và độ ẩm quá mức ở cơ quan sinh dục;
- Sử dụng bao cao su khi sinh hoạt tình dục;
- Khám sức khỏe định kỳ và thường xuyên kiểm tra PAP.
4. Viêm cổ tử cung
Viêm cổ tử cung là bệnh lý phụ khoa thường gặp. Ở Việt Nam, có tới 33% phụ nữ mắc viêm cổ tử cung, trong đó, có tới 40% số ca đã bị biến chứng nặng, chuyển thành viêm loét cổ tử cung và tăng nguy cơ Ung thư cổ tử cung.
Viêm cổ tử cung là tình trạng sưng, viêm, lở loét ở cổ tử cung do nhiễm vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng. Bệnh được chia thành 2 loại: cấp tính và mãn tính. Viêm cổ tử cung cấp tính tái phát nhiều lần hoặc không được phát hiện, điều trị kịp thời có thể dẫn tới Viêm cổ tử cung mãn tính.
4.1 Triệu chứng viêm cổ tử cung
Hầu hết phụ nữ bị viêm cổ tử cung đều không có triệu chứng. Bệnh thường chỉ được phát hiện khi kiểm tra định kỳ hoặc khi bệnh nhân đi khám vì một bệnh liên quan khác. Số khác, người bệnh có thể có những triệu chứng sau:
- Ra khí hư bất thường: Có màu vàng, trắng đục hoặc xám nhạt;
- Xuất huyết âm đạo bất thường: Ra máu sau khi quan hệ tình dục hoặc giữa các kỳ kinh nguyệt;
- Đau, Ngứa âm đạo;
- Đau rát khi quan hệ tình dục;
- Đau buốt khi đi tiểu tiện.
4.2 Nguyên nhân gây bệnh
- Quan hệ tình dục không an toàn: Không sử dụng bao cao su (tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và virus lây truyền qua đường tình dục), quan hệ tình dục quá thô bạo (gây tổn thương cổ tử cung, tạo điều kiện cho viêm nhiễm phát triển), sinh hoạt vợ chồng với bạn tình đang mắc bệnh xã hội như giang mai, lậu, sùi mào gà, mụn cóc sinh dục;
- Viêm âm đạo: Nếu không được điều trị kịp thời sẽ tạo cơ hội cho ký sinh trùng, nấm, vi khuẩn tấn công cổ tử cung và gây viêm nhiễm, thậm chí làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung;
- Dị ứng: Sử dụng các dung dịch vệ sinh phụ nữ, bao cao su, chất bôi trơn không rõ nguồn gốc hoặc dùng không đúng cách khiến cơ quan sinh dục bị Dị ứng và dẫn tới viêm cổ tử cung;
- Nạo phá thai: Những phụ nữ có tiền sử nạo phá thai có nguy cơ viêm cổ tử cung cao hơn, đặc biệt là các trường hợp nạo phá thai không an toàn hoặc khâu chăm sóc hậu phẫu không tốt;
- Quan hệ tình dục quá sớm, quá nhiều: Phụ nữ quan hệ tình dục khi còn quá trẻ, mang thai sớm khi cơ quan sinh sản chưa phát triển hoàn thiện hoặc giao hợp liên tục với tần suất cao, có nhiều bạn tình khác nhau trong một thời điểm,... dễ mắc các bệnh phụ khoa nói chung, viêm cổ tử cung nói riêng;
- Vệ sinh cá nhân kém: Mặc quần áo lâu ngày, mặc quần bó sát cơ thể, sử dụng nước thụt rửa quá sâu vào âm hộ, không vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ trước và sau quan hệ tình dục,... làm tăng nguy cơ viêm nhiễm cổ tử cung;
- Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài bất thường: Chu kỳ kinh nguyệt trên 7 ngày gây tình trạng rong kinh, rong huyết, khiến cổ tử cung luôn trong trạng thái mở, tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm xâm nhập và gây viêm cổ tử cung.
4.3 Phương pháp điều trị viêm cổ tử cung
Nếu không được điều trị, viêm cổ tử cung sẽ làm giảm chức năng miễn dịch của tử cung và âm đạo, tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, giang mai, nấm Chlamydia,... Vì vậy, khi có triệu chứng viêm cổ tử cung, chị em nên sớm điều trị. Các phương pháp điều trị chủ yếu là:
- Sử dụng thuốc: Tùy thuộc căn nguyên gây bệnh bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng loại thuốc phù hợp. Với bệnh nhân viêm cổ tử cung do bệnh lây truyền qua đường tình dục, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh. Trong trường hợp viêm cổ tử cung do virus gây ra, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng virus;
- Liệu pháp Laser: Sử dụng tia laser cường độ cao đốt cháy, phá hủy các mô bất thường;
- Đốt điện (nhiệt trị liệu): Sử dụng que tỏa nhiệt đốt cháy các tế bào bị viêm nhiễm bên trong cổ tử cung;
- Phẫu thuật lạnh (liệu pháp đóng băng): Chỉ định cho các trường hợp viêm cổ tử cung diễn ra dai dẳng. Thủ thuật này sử dụng nhiệt độ cực lạnh để phá hủy các tế bào bất thường. Dụng cụ được sử dụng là que tỏa lạnh chứa nitơ lỏng. Phẫu thuật lạnh hầu như không gây đau nhưng bệnh nhân có thể bị chuột rút, chảy máu, nhiễm trùng và để lại sẹo.
4.4 Cách phòng bệnh
- Luôn sử dụng các biện pháp bảo vệ như bao cao su, vòng tránh thai,... và dùng đúng cách;
- Sống chung thủy một vợ một chồng, hạn chế số lượng bạn tình;
- Vệ sinh âm hộ đúng cách trước và sau khi giao hợp, thay băng vệ sinh đúng thời điểm trong kỳ kinh nguyệt, lựa chọn chất liệu quần lót phù hợp và thay quần lót thường xuyên;
- Tránh nạo phá thai. Trong trường hợp buộc phải nạo phá thai, phụ nữ nên chọn cơ sở y tế uy tín để giảm thiểu tai biến và tránh ảnh hưởng tới chức năng sinh sản sau này;
- Sinh hoạt tình dục điều độ và có chừng mực.
5. Ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là hiện tượng các tế bào ở cổ tử cung phát triển vượt ngoài tầm kiểm soát của cơ thể, tạo thành khối u ác tính ở cổ tử cung. Ở Việt Nam, trung bình mỗi ngày có 14 phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung, và cứ 14 người mắc bệnh thì có tới 7 người tử vong.
5.1 Triệu chứng ung thư cổ tử cung
- Xuất huyết âm đạo bất thường: Chảy máu âm đạo ở những ngày không phải chu kỳ kinh nguyệt;
- Tiết dịch âm đạo bất thường: Dịch âm đạo tiết ra nhiều bất thường, có màu sắc lạ như vàng, xanh như mủ hoặc có lẫn máu, có mùi khó chịu,...
- Chu kỳ kinh nguyệt bất thường: Ung thư cổ tử cung tác động đến quá trình phát triển, rụng trứng và sự cân bằng hormone trong cơ thể. Kết quả là chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn, kinh nguyệt kéo dài hoặc máu kinh có màu đen sẫm;
- Thay đổi thói quen tiểu tiện: Tiểu thường xuyên, mót tiểu gấp;
- Đau vùng xương chậu: Xuất hiện khi tế bào ung thư đã lan tới xương chậu, gây đau xương chậu dù không liên quan tới kỳ kinh nguyệt, đau khi quan hệ tình dục hoặc đau khi đi tiểu;
- Thiếu máu: Ở bệnh nhân ung thư cổ tử cung, số lượng tế bào hồng cầu khỏe mạnh bị giảm đi, được thay thế bằng các tế bào bạch cầu để đẩy lùi ung thư, dẫn tới thiếu máu, Biểu hiện của thiếu máu là mệt mỏi, cạn kiệt năng lượng, giảm cân không rõ nguyên nhân và mất cảm giác ngon miệng;
- Triệu chứng khác: Đau hoặc chảy máu sau khi quan hệ tình dục; đau lưng, đau lan xuống chân và gây sưng phù ở chân;
5.2 Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung
Hầu hết các trường hợp mắc ung thư cổ tử cung là do virus HPV gây ra thông qua hoạt động quan hệ tình dục. Hai chủng virus HPV là HPV 16 và HPV 18 chiếm khoảng 70% các trường hợp mắc ung thư cổ tử cung.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung gồm:
- Nhiễm virus HPV: Do quan hệ tình dục với nhiều người;
- Hút thuốc lá: Khói thuốc chứa nhiều hóa chất có thể gây hại cho cơ thể. Phụ nữ hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao gấp 2 lần người không hút thuốc;
- Ức chế miễn dịch: Dùng thuốc hay mắc các bệnh ảnh hưởng tới hệ thống miễn dịch (ví dụ HIV/AIDS) có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HPV và dẫn đến ung thư cổ tử cung;
- Nhiễm nấm Chlamydia: Nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao hơn ở người nhiễm Chlamydia;
- Nguyên nhân khác: Ăn ít trái cây và rau quả, thừa cân, sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài, sử dụng các dụng cụ tử cung, mang thai nhiều (trên 3 lần), mang thai lần đầu khi dưới 17 tuổi, hoàn cảnh sống khó khăn, bệnh sử gia đình,... đều là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.
5.3 Phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung
Có 3 phương pháp chính điều trị ung thư cổ tử cung là phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Cụ thể là:
- Phẫu thuật: Bác sĩ cắt bỏ khối u, bao gồm cắt bỏ cổ tử cung (cắt bỏ cổ tử cung, mô xung quanh và phần trên âm đạo nhưng giữ lại tử cung), cắt bỏ tử cung (cắt bỏ cổ tử cung và tử cung, có thể bỏ cả buồng trứng và ống dẫn trứng tùy thuộc vào giai đoạn ung thư) và đoạn chậu (loại bỏ cổ tử cung, âm đạo, tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng, bàng quang và trực tràng);
- Xạ trị: Là phương pháp chiếu tia xạ vào cơ thể, thực hiện đơn lẻ hoặc kết hợp với phẫu thuật trong điều trị ung thư cổ tử cung ở giai đoạn đầu. Khi ung thư đã bước sang giai đoạn sau, xạ trị có thể kết hợp với hóa trị để giảm chảy máu và các triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân;
- Hóa trị: Là phương pháp tiêm thuốc chống ung thư vào cơ thể qua đường tĩnh mạch, có thể hóa trị đơn lẻ hoặc kết hợp với xạ trị để điều trị ung thư cổ tử cung. Đối với trường hợp phát hiện ung thư cổ tử cung khi đã bước sang giai đoạn trễ, bác sĩ sẽ sử dụng hóa trị để ngăn ngừa ung thư lan rộng.
5.4 Biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung
- Thường xuyên làm xét nghiệm PAP theo chỉ định của bác sĩ để phát hiện và điều trị ung thư cổ tử cung kịp thời;
- Phụ nữ dưới 26 tuổi nên chủng ngừa HPV để chống lại HPV 16 và HPV 18 - 2 chủng virus gây ung thư cổ tử cung;
- Quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su và hạn chế số lượng bạn tình để tránh bị lây nhiễm HPV.
Các bệnh thường gặp ở cổ tử cung đều có thể chữa khỏi với tỷ lệ thành công cao nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Vì vậy, khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, phụ nữ nên đi thăm khám tại các bệnh viện lớn để phòng ngừa hoặc phát hiện sớm các bệnh lý trên, từ đó lựa chọn phương án điều trị phù hợp nhất.