Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Các biến chứng có thể gặp sau mổ cắt dạ dày

21/06/2021
Các biến chứng có thể gặp sau mổ cắt dạ dày

Phẫu thuật cắt dạ dày là một phẫu thuật lớn. Phụ thuộc theo vị trí, tính chất của ổ loét, kinh nghiệm của phẫu thuật viên mà số biến chứng có nhiều hay ít. Việc phát hiện sớm các biến chứng sau mổ dạ dày và chăm sóc bệnh nhân sau mổ cắt dạ dày đóng vai trò vô cùng quan trọng.

1. Biến chứng sau mổ dạ dày

1.1. Biến chứng sớm

Chảy máu sau mổ: thường gặp 24 giờ đầu sau mổ.

  • Chảy máu vết mổ: Có thể băng ép hoặc khâu tăng cường để giải quyết.
  • Chảy máu miệng nối dạ dày - ruột : Với mức nhẹ dùng các thuốc cầm máu, rửa dạ dày bằng nước đá đang tan hoặc Huyết thanh cho tới khi trong trở lại. Với mức nặng hơn cần truyền máu, nếu dịch vẫn đỏ cần phải mổ lại để cầm máu.

Chảy máu trong ổ bụng: Khẩn trương truyền máu tươi và mổ lại để cầm máu. Nếu chảy máu do mạch máu cần thắt khâu. Nếu do tổn thương lách có thể khâu bảo tồn hoặc cắt lách.

Tắc miệng nối: Truyền dịch, kháng sinh, trợ sức. Hút dịch dạ dày hàng ngày. Nếu không hiệu quả phải mổ lại để giải quyết nguyên nhân.

Xì rò miệng nối: Mức độ nhẹ có thể nhịn ăn, truyền dịch, kháng sinh, bổ sung đạm, máu. Mức độ nặng phải mổ, lau rửa khoang phúc mạc, kiểm tra và xử trí vị trí dò.

Rò mỏm tá tràng: Nhẹ cho hút dịch dạ dày, truyền dịch, kháng sinh liều cao. Nếu không hiệu quả phải mổ lại. Nặng phải lau rửa khoang phúc mạc, dẫn lưu mỏm tá tràng hoặc dẫn lưu cạnh mỏm tá tràng ra ngoài.

Viêm tuỵ cấp: Hút dạ dày để làm giảm căng trướng, giảm đau, cho dùng kháng sinh, truyền dịch và điện giải. Nếu có Viêm phúc mạc phải mổ.

Tổn thương các đường dẫn mật: Can thiệp lại để giải quyết nguyên nhân. Có thể khâu vết rách ống mật chủ, nối mật tiêu hoá hoặc dẫn lưu ra ngoài.

1.2. Biến chứng muộn

Viêm miệng nối: Trước hết điều trị nội khoa như mọi trường hợp loét khác. Nếu không có kết quả mới xét mổ lại:

  • Nếu cắt chưa đủ thì cắt lại dạ dày (degastrectomy).
  • Nếu cắt dây X không tốt thì thường mổ lại cắt đoạn dạ dày.
  • Nếu do u tuỵ thì cắt toàn bộ dạ dày.

Hội chứng quai tới: Triệu chứng không nặng nề, điều trị nội khoa có thể ổn định được thì tiếp tục điều trị nội khoa. Triệu chứng nặng nề hoặc ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt của người bệnh thì làm phẫu thuật:

  • Quai tới ngắn: cắt lại dạ dày hoặc cắt quai tới cắm vào quai đi.
  • Quai dài: làm miệng nối Braun
  • Xoắn: mổ cấp cứu, tuỳ tổn thương cụ thể xử trí.

Lồng quai đi: Thường điều trị nội khoa. Nếu ruột bị lồng chặt và kéo dài cần phải mổ để tránh hoại tử.

Thoát vị trong: Phần lớn cần phải phẫu thuật, sau khi tháo lồng phải Phong bế mạc treo ruột, khâu kín lại kẽ hở. Nếu ruột Hoại tử phải mổ cắt lại đoạn ruột.

Hội chứng Dumping: Cho chế độ ăn tăng đạm, ít bột.

  • Không uống khi ăn, chỉ uống giữa 2 bữa ăn.
  • Ăn thành nhiều bữa nhỏ, sau đó nằm nghỉ 10-15 phút.
  • Cho thuốc kháng Histamin, kháng serotonin, chống co thắt.

Thiếu máu: Dùng các thuốc kích thích tạo máu: B1, B12, axit Folic, viên sắt... ăn các thức ăn: nghệ, tam thất...

Thiểu dưỡng: Cần cho ăn chế độ cao đạm, theo dõi chặt chẽ, không lao động nặng.

Mắc các bệnh mạn tính: lao phổi, rối loạn tâm thần...

Các rối loạn khác: Giun chui lên dạ dày và rối loạn hấp thu mỡ, đường, đạm, vitamin.

Các biến chứng có thể gặp sau mổ cắt dạ dày - ảnh 1
Với biến chứng thiếu máu có thể sử dụng thuốc kích thích tạo máu để cải thiện tình trạng

2. Chăm sóc bệnh nhân sau mổ cắt dạ dày

Phát hiện sớm chảy máu do biến chứng sau mổ dạ dày, dấu hiệu sinh tồn, tình trạng bụng... Thực hiện các y lệnh truyền máu, truyền dịch, hồi sức người bệnh. Động viên, giải thích cho người bệnh. Chuẩn bị cho trường hợp mổ cấp cứu lại nếu phát hiện tình trạng chảy máu lại.

  • Đau, khó thở sau mổ: Cho dùng thuốc giảm đau theo chỉ định. Nâng cao thành giường, hướng dẫn người bệnh hít thở sâu, trở mình nhẹ nhàng. Nếu người bệnh không choáng nên cho ngồi dậy hay nằm với chân co nhẹ lên bụng. Tránh căng chướng bàng quang, khuyến khích người bệnh thư giãn, không gồng cứng bụng. Theo dõi dấu hiệu khó thở, cung cấp đầy đủ oxy.
  • Liệt ruột sau mổ: Theo dõi tính chất, số lượng, màu sắc dịch dạ dày, rút ống hút khi có y lệnh. Cho người bệnh vận động sớm, tập thở. Thường xuyên đo vòng bụng để đánh giá tình trạng căng chướng bụng, đầy hơi sau phẫu thuật. Chăm sóc vệ sinh răng miệng.
  • Nhiễm trùng: Cho người bệnh thường xuyên nằm nghiêng về phía dẫn lưu. Nếu thấy có máu tươi chảy ra nên báo bác sĩ ngay. Ống thông tiểu cần rút sớm khi không còn dấu hiệu choáng. Thường không thay băng nếu vết mổ vô trùng, cắt chỉ sau khoảng 1 tuần. Cắt chỉ muộn hơn với người già, suy dinh dưỡng, thành bụng yếu.

Trong những ngày đầu, người bệnh được nuôi bằng dịch truyền. Tuỳ bệnh lý và phương thức phẫu thuật mà thực hiện việc cho ăn qua đường nào, vào lúc nào. Trong những ngày đầu cần ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, nhai kỹ, chia 6 bữa trong ngày. Để cơ thể phục hồi nhanh chóng thì người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn uống như sau:

Các biến chứng có thể gặp sau mổ cắt dạ dày - ảnh 2
Người bệnh sau phẫu thuật nên ăn thức ăn dễ tiêu hóa như súp, cháo, canh
  • Nên ăn uống thức ăn dễ tiêu hóa như cháo, soup, canh
  • Thực hiện chế độ chia nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày. Thay vì ăn 3 bữa chính thì có thể chia làm 6 - 8 bữa/ ngày.
  • Ăn chậm, nhai kỹ để dạ dày không phải làm việc quá sức do đang trong giai đoạn hồi phục.
  • Chọn những thức ăn nhiều chất dinh dưỡng, tránh đồ ăn cay nóng, chua, nhiều axit,
  • Không sử dụng thức uống rượu, bia, chất kích thích
  • Nghỉ ngơi hợp lý, không vận động mạnh
  • Uống thuốc đúng thời gian, đúng giờ, đúng thuốc, đúng liều.
  • Tránh dùng các thuốc gây tổn thương niêm mạc dạ dày như: Aspirin, corticoid... Dùng thuốc che chở niêm mạc dạ dày.
  • Theo dõi tình trạng sức khỏe bệnh nhân. Nếu gặp những biểu hiện nào bất thường cần báo cho các bác sĩ. Nên tái khám đúng hẹn hay khi có triệu chứng bất thường như đau bụng, nôn ra máu.