Ngoài trầm cảm khi mang thai, người phụ nữ sau sinh cũng dễ mắc phải căn bệnh này, nó có thể bắt đầu bất cứ thời điểm nào trong năm đầu đời của bé nhưng phổ biến nhất là 3 tuần đầu sau khi sinh nở. Người mẹ có dấu hiệu trầm cảm sau sinh khi liên tục cảm thấy vô vọng, buồn, tội lỗi.
Theo các chuyên gia tâm lý, cơ thể người phụ nữ sau sinh thường có nhiều sự thay đổi đột ngột về hệ thống Nội tiết tố nên sẽ dẫn đến tính trạng mệt mỏi và có biểu hiện trầm cảm sau sinh. Đặc biệt, thời điểm sau sinh, hệ miễn dịch, thể tích máu, huyết áp và chuyển hóa cũng có những sự biến đổi nên dễ dẫn đến bất ổn về mặt cảm xúc. Mặc dù người mẹ đã có những dấu hiệu trầm cảm sau sinh ban đầu nhưng thường không được chú ý cho đến khi xảy ra sự việc đau lòng.
Các biểu hiện trầm cảm sau sinh sẽ càng trở nên nguy hiểm nếu như người mẹ gặp phải khó khăn trong việc chăm sóc em bé, mâu thuẫn gia đình hay khó khăn về tài chính...
Lúc này sẽ không đủ sức khỏe và tâm trí để chăm sóc tốt cho em bé, đến khi dấu hiệu trầm cảm sau sinh nặng hơn thì sẽ có suy nghĩ tự tử, một số người luôn có cảm giác bị hại nên tìm cách để trả thù hay đối phó với mọi người muốn đến gần mình. Nhận biết sớm các dấu hiệu trầm cảm sau sinh chính là cách để bảo vệ sản phụ và em bé.
Các biểu hiện trầm cảm sau sinh có điểm khác và giống so với trầm cảm khi mang thai, bao gồm:
- Suy Nhược cơ thể;
- Lo lắng, buồn bã cả ngày không rõ nguyên nhân, cảm thấy đau cơ thể, hoặc cảm giác khó thở như bị đè chặt;
- Hoảng hốt;
- Thường xuyên bị ám ảnh bởi một điều gì đó;
- Rối loạn giấc ngủ;
- Thu mình và không muốn giao tiếp với mọi người;
- Căng thẳng, giảm trí nhớ, khó tập trung.
Khi sản phụ có các dấu hiệu trầm cảm sau sinh ban đầu, sự giúp đỡ của gia đình đóng vai trò rất quan trọng, giúp sản phụ có thể nhanh chóng vượt qua và phục hồi sức khỏe. Tuy nhiên trong trường hợp các biểu hiện trầm cảm sau sinh nặng thì cần đưa sản phụ đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, điều trị để hạn chế những hậu quả đáng tiếc xảy ra.