Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Cách điều trị viêm da cơ địa hiệu quả

28/08/2020
Cách điều trị viêm da cơ địa hiệu quả

Viêm da cơ địa rất phổ biến ở trẻ nhỏ và cũng có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào. Bệnh viêm da cơ địa dị ứng không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và về mặt thẩm mỹ của người bệnh. Cách điều trị viêm da cơ địa hiệu quả là gì?

1. Viêm da cơ địa là gì?

Viêm da cơ địa (Atopic dermatitis) còn được gọi với cái tên khác là bệnh chàm, eczema, bệnh sẩn Ngứa besnier, bệnh liken đơn mạn tính,… Đây là một căn bệnh mạn tính, xảy ra theo từng đợt và bắt đầu bởi các vết Chàm ngứa trên da. Bệnh thường xảy ra ở những người có tiền sử hoặc trong gia đình có tiền sử mắc các bệnh liên quan đến cơ địa như: hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm xoang, nổi mề đay, Dị ứng thuốc,…

Bệnh lý này có thể xảy ra ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể như mặt, tay, chân, cổ, bụng, lưng, thậm chí là mông, vùng kín,… Tuy nhiên các vết chàm Ngứa thường xuất hiện chủ yếu ở bàn tay, cánh tay, đùi, lưng, vùng cổ sau. Các vết Chàm này thường chỉ xuất hiện rầm rộ vào một khoảng thời gian sau đó thuyên giảm và cứ thế tái phát ngày này qua năm khác.

Hầu hết các trường hợp viêm da cơ địa đều không gây nguy hiểm đến sức khỏe. Tuy nhiên đây là căn bệnh ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người bệnh. Một số tác hại của căn bệnh này là:

Gây ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như giấc ngủ của người bệnh.

Bệnh mạn tính, tái phát thường xuyên và khó điều trị dứt điểm. Bệnh nhân phải sống chung với căn bệnh này trong một thời gian dài.

Gãi nhiều làm tổn thương da, đặc biệt là các vùng da nhạy cảm, tạo điều kiện cho vi sinh vật xâm nhập gây viêm da bội nhiễm.

Một số trường hợp bội nhiễm do virus có thể gây sốt, tổn thương các nội quan bên trong, đe dọa đến sức khỏe của người bệnh.

Nếu các vết chàm ngứa xuất hiện ở vùng Mắt có thể gây ảnh hưởng đến thị lực.

Gãi nhiều và không được điều trị ngoài da sẽ dễ gây Sẹo về sau, bệnh lan rộng gây ban đỏ toàn thân, khó điều trị.

Các biến chứng khác: bệnh nhân có thể sẽ bị suy hô hấp, hen suyễn, hen phế quản,…

2. Nguyên nhân Viêm da cơ địa

Cho đến nay, khoa học vẫn chưa thể tìm ra thông tin chính xác về nguyên nhân gây nên căn bệnh mạn tính này. Một số ý kiến cho rằng bệnh này liên quan đến yếu tố gia đình. Dưới đây là một số nguyên nhân có thể gây ra căn bệnh này:

Di truyền: Nếu trong gia đình bạn có người đã từng mắc viêm da cơ địa và một số bệnh liên quan đến cơ địa khác, thì bạn cũng có khả năng cao mắc bệnh này.

Có tiền sử mắc các bệnh cơ địa như hen suyễn, viêm mũi - xoang dị ứng,…

Có tiền sử Dị ứng với thức ăn hoặc thuốc: hải sản, ngũ cốc, trứng, sữa, thuốc giảm đau, thuốc an thần,…

Sức đề kháng yếu, da không được khỏe mạnh hoàn toàn cũng là một yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh.

Thói quen sinh hoạt thiếu khoa học: Lười tắm gội, tắm quá nhiều, ít vệ sinh da, thường xuyên tiếp xúc với bụi bặm, tác nhân gây ngứa,…

Sự ảnh hưởng của thời tiết và môi trường sống: Khi thời tiết thay đổi đột ngột, môi trường sống ô nhiễm cũng có thể gây nên bệnh.

Các nguyên nhân trên đây chỉ mang tính chất giả thuyết và không được chắc chắn 100%. Để biết được nguyên nhân gây nên căn bệnh này cần phải nghiên cứu thực hiện những thí nghiệm chuyên sâu hơn.

3. Triệu chứng viêm da cơ địa

Đây là một căn bệnh không quá khó để nhận biết bởi vì nó được đặc trưng bởi những triệu chứng nhất định. Có thể điểm qua các triệu chứng điển hình của bệnh, bao gồm:

  • Ngứa: Ngứa là một dấu hiệu điển hình nhất của bệnh viêm da cơ địa. Người bệnh có thể bị ngứa tại một vùng da hoặc nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể. Cơn ngứa thường tăng lên khi về đêm hoặc khi thời tiết lạnh, hanh khô. Điều này khiến ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, trẻ em bị bệnh thường quấy khóc, ngủ không ngon. Không những thế, ngứa và gãi sẽ dễ dẫn đến Tình trạng viêm da bội nhiễm hơn.
  • Tổn thương da: Khi bệnh mới khởi phát sẽ xuất hiện những vết chàm, vết đỏ trên da. Đây cũng là xuất phát điểm của triệu chứng ngứa, càng gãi, các vết tổn thương da càng dày lên và lan rộng.
  • Da phù nề, đóng vảy: Khi người bệnh gãi quá nhiều sẽ dẫn đến da bị tổn thương. Giai đoạn này, da có biểu hiện phù nề, chảy dịch, đóng vảy, đau rát khó chịu.
  • Tổn thương da lan rộng: Việc gãi quá nhiều không những làm bệnh nhân đau rát mà còn tạo điều kiện cho bệnh lan rộng nhanh chóng. Các chất dịch chảy ra từ vị trí tổn thương sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây viêm nhiễm kế phát và lan rộng hơn.
  • Tổn thương da tái phát: Bệnh sẽ được khỏi sau một thời gian ngắn điều trị tích cực. Tuy nhiên không lâu sau đó, bệnh sẽ lại “ghé thăm” và đâu lại vào đó, có thể là tự tái phát hoặc do trở trời, thời tiết, khói bụi,…

4. Điều trị viêm da cơ địa

Tùy tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị cụ thể. Nếu như các cách trị viêm da cơ địa tại nhà như dùng kem dưỡng ẩm và thuốc Đông y không có hiệu quả thì bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng một số loại thuốc bôi viêm da cơ địa dị ứng như:

  • Thuốc kháng sinh dạng kem bôi giúp chống nhiễm trùng;
  • Thuốc corticoid dạng kem điều trị ngứa và phục hồi làn da;
  • Thuốc kháng histamin tổng hợp, vitamin C;
  • Một vài trường hợp nặng, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc corticosteroid đường uống (không được phép sử dụng kéo dài vì gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng);
  • Mới đây, FDA đã cấp phép sử dụng cho một loại thuốc sinh học đường tiêm dupilumab nếu bệnh nhân không đáp ứng với các biện pháp điều trị thông thường.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị bằng một số phương pháp khác như: sử dụng phương pháp UVA, UVB, LASER HE-NE.

                                                                                                     Tổng hợp theo: vinmec.com