1. Phẫu thuật cắt dạ dày
Dạ dày là cơ quan tiêu hóa nối giữa thực quản và ruột non. Sau khi đi qua thực quản, thức ăn xuống dạ dày và được nghiền nhỏ, đẩy xuống ruột non để hấp thu các chất dinh dưỡng. Trong một số trường hợp dạ dày có vấn đề nghiêm trọng cần được can thiệp, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân phẫu thuật cắt dạ dày.
Có 3 loại Cắt dạ dày chính:
- Cắt dạ dày bán phần là loại bỏ một phần của dạ dày, thường là phần dưới.
- Cắt dạ dày toàn phần là loại bỏ toàn bộ dạ dày sau đó nối thực quản vào ruột non để hệ tiêu hóa tiếp tục làm việc.
Cắt dạ dày hình ống là loại bỏ phần bên trái của dạ dày. Kỹ thuật này có thể giảm thể tích dạ dày tới 85% và được thực hiện như một phần của phẫu thuật giảm cân
2. Những trường hợp cần chỉ định cắt dạ dày
Cắt dạ dày được sử dụng để điều trị các vấn đề về dạ dày khi các phương pháp điều trị khác không có tác dụng. Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt dạ dày để điều trị:
- Khối u ung thư hoặc không ung thư, Polyp
- Chảy máu
- Viêm
- Thủng dạ dày
- Ung thư dạ dày
- Loét dạ dày hoặc tá tràng nghiêm trọng
- Ung thư thực quản: Nếu Ung thư thực quản lan xuống dạ dày thì bắt buộc phải cắt dạ dày.
Trong một số trường hợp, phẫu thuật cắt dạ dày cũng có thể được sử dụng để điều trị bệnh béo phì. Phẫu thuật này lấy đi đến 85% của dạ dày, khi dạ dày nhỏ hơn bệnh nhân sẽ ăn ít thức ăn hơn. Tuy nhiên, phẫu thuật cắt dạ dày giảm béo chỉ thích hợp khi các phương pháp giảm cân khác đã thất bại.
3. Nguy cơ của phẫu thuật
Những điều bạn cần biết trước khi thực hiện cắt dạ dày
Không phải ai cũng có thể trải qua thủ thuật này một cách an toàn. Để quyết định bạn có đủ điều kiện cắt dạ dày không, bác sĩ cần đánh giá loại và giai đoạn ung thư cũng như bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác mà bạn có. Một số tình trạng như thiếu máu và protein máu thấp có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng sau khi thực hiện phẫu thuật này.
Cũng như bất kỳ phẫu thuật nào khác, cắt dạ dày cũng tiềm ẩn nguy cơ biến chứng. Trường hợp cắt dạ dày do ung thư thì nguy cơ biến chứng cao hơn do phần lớn bệnh nhân loại này thường lớn tuổi và thể trạng chung kém.
Các tác dụng phụ của cắt dạ dày bao gồm:
- Trào ngược axit
- Tiêu chảy
- Hội chứng dạ dày rỗng nhanh - một dạng kém hấp thu nghiêm trọng
- Nhiễm trùng vết mổ
- Nhiễm trùng trong ngực
- Chảy máu nội tạng
- Rò rỉ dạ dày tại vết mổ
- Buồn nôn, nôn mửa
- Rò rỉ dịch axit vào thực quản gây sẹo, thu hẹp hoặc co thắt
- Tắc Nghẽn ruột non
- Thiếu vitamin
- Sụt cân
- Khó thở
- Viêm phổi
- Tổn thương các cấu trúc lân cận
Người bệnh có thể mắc hội chứng dạ dày rỗng nhanh. Khi ruột non phải tiêu hóa lượng lớn thức ăn cùng một lúc cũng có thể có dấu hiệu bị nôn hoặc buồn nôn, chuột rút hay tiêu chảy. Nhiều người có các triệu chứng này trong vòng 1 giờ sau khi ăn.
Trong một vài giờ sau đó, lượng đường trong máu bệnh nhân có thể tăng hoặc giảm quá nhanh. Lúc này, người bệnh có thể vã mồ hôi, nhịp tim nhanh, cảm thấy mệt mỏi hoặc bối rối.
Điều quan trọng là bạn cần hiểu các biện pháp phòng ngừa, các biến chứng và tác dụng phụ có thể xảy ra trước khi thực hiện phẫu thuật cắt dạ dày. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc bác sĩ phẫu thuật để biết thêm thông tin.
4. Quy trình cắt dạ dày
4.1 Chuẩn bị trước khi cắt dạ dày?
- Xét nghiệm máu và Xét nghiệm hình ảnh trước khi phẫu thuật.
- Khám tổng thể và đánh giá bệnh sử. Nếu đang Mang thai hoặc mắc các tình trạng sức khỏe khác như tiểu đường, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ.
- Kiểm tra tình trạng sử dụng thuốc điều trị của bệnh nhân Người bệnh có thể phải ngưng dùng một số loại thuốc nhất định trước khi phẫu thuật.
- Tránh hút thuốc lá vì thuốc lá làm vết thương lâu lành hơn. Đồng thời cũng tạo ra nhiều biến chứng hơn, đặc biệt là các biến chứng liên quan đến nhiễm trùng và các vấn đề về phổi.
- Đêm trước ngày mổ và sáng ngày mổ, bệnh nhân cần tắm bằng dung dịch sát trùng Betadine.
- Đêm trước ngày mổ, bệnh nhân phải nhịn ăn uống (ngoại trừ các loại thuốc mà phẫu thuật viên và gây mê cho phép sử dụng) với ít nước vào sáng ngày mổ.
4.2 Quy trình cắt dạ dày
Phẫu thuật cắt dạ dày được thực hiện sau khi gây mê toàn thân. Có 2 kỹ thuật cắt dạ dày được mô Tả sơ lược dưới đây:
- Phẫu thuật mở: Phẫu thuật mở gồm một vết rạch lớn duy nhất lấy đi một phần hay toàn bộ dạ dày. Bác sĩ phẫu thuật sẽ kéo da, cơ và mô để tiếp cận dạ dày. Phẫu thuật có thể mất từ 4-5 giờ.
- Phẫu thuật nội soi: áp dụng phương thức xâm lấn tối thiểu, dùng nhiều vết cắt nhỏ, ống soi đặc biệt và dụng cụ nhỏ để cắt bỏ một phần hay toàn bộ dạ dày. Phẫu thuật này tiên tiến hơn với tỷ lệ biến chứng thấp hơn phẫu thuật mở, đồng thời cũng ít đau và cho phép thời gian phục hồi nhanh hơn.
4.3 Điều gì xảy ra sau khi cắt dạ dày?
- Sau khi cắt dạ dày, bác sĩ sẽ đóng vết rạch bằng các mũi khâu và băng vết thương lại. Bạn được đưa đến phòng hồi sức để y tá theo dõi các dấu hiệu quan trọng trong quá trình phục hồi.
- Bạn có thể ở lại bệnh viện 1-2 tuần sau khi phẫu thuật. Trong thời gian này, bệnh nhân sẽ có thể được đặt một ống chạy từ mũi đến dạ dày hoặc ruột non để loại bỏ các chất lỏng sản xuất bởi dạ dày. Ống này để dẫn lưu dịch dạ dày ra ngoài đều đặn, giúp bạn không cảm thấy buồn nôn.
- Bệnh nhân sẽ được nuôi bằng đường tĩnh mạch cho đến khi ăn uống lại bình thường. Hầu hết bệnh nhân có thể bắt đầu ăn nhẹ sau 4-5 ngày hậu phẫu.
- Bệnh nhân cần dùng thuốc giảm đau vài ngày, và nếu bệnh nhân thấy giảm đau không hiệu quả thì có thể thông báo để được dùng loại thuốc khác.
- Thường thì sau khi cắt dạ dày 1-2 tuần bệnh nhân có thể xuất viện.
Hãy cho bác sĩ biết ngay lập tức nếu bạn phát triển bất kỳ triệu chứng mới hoặc đau mà thuốc không kiểm soát được.
Sau khi cắt dạ dày, có thể mất từ 3-6 tháng để bạn điều chỉnh chế độ ăn phù hợp để phòng ngừa các biến chứng, bao gồm:
- Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày
- Tránh các loại thực phẩm nhiều chất xơ
- Ăn thực phẩm giàu canxi, Sắt và vitamin C và D
- Uống bổ sung vitamin.
Việc phục hồi từ cắt dạ dày có thể mất nhiều thời gian. Cuối cùng, dạ dày và ruột non sẽ giãn ra. Lúc này, bạn có thể tiêu thụ nhiều chất xơ và ăn các bữa ăn lớn hơn. Bạn cần làm Xét nghiệm máu thường xuyên sau khi phẫu thuật để đảm bảo cơ thể nhận đủ vitamin và khoáng chất.