1. Chẩn đoán bệnh phình đại tràng bẩm sinh
Bệnh phình đại tràng bẩm sinh hay còn gọi là Hirschsprung hay bệnh vô hạch đại tràng bẩm sinh, có thể gặp ở bất kỳ trẻ nào, cả nam và nữ. Bệnh phình đại tràng bẩm sinh nằm trong khoảng 15% bệnh lý và dị tật bẩm sinh cần phải mổ ở trẻ em. Đặc trưng của bệnh phình đại tràng bẩm sinh là tình trạng đại tiện khó ngày càng nhiều ngay cả khi đại tiện phân mềm. Bệnh sẽ gây ra hậu quả khiến trẻ biếng ăn, chậm lớn, nhiều trường hợp gặp phải những biến chứng nguy hiểm như viêm ruột nặng, tắc ruột, việc chăm sóc trẻ Phình đại tràng bẩm sinh lúc này sẽ gặp khó khăn hơn.
Hiện nay, nhờ sự phát triển của y học mà căn bệnh này có thể được chữa khỏi hoàn toàn khi tiến hành phẫu thuật phình đại tràng bẩm sinh. Tuy nhiên, trước khi đưa ra phác đồ điều trị thì bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và thực hiện một số Xét nghiệm để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh ở trẻ.
Sau khi hỏi một số câu hỏi về tình trạng nhu động ruột của trẻ thì bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện một số xét nghiệm bao gồm:
- Chụp X-quang: Để chẩn đoán bệnh phình đại tràng bẩm sinh ở trẻ thì có thể sử dụng kỹ thuật chụp X-quang có sử dụng chất cản quang. Kỹ thuật này sẽ cho thấy đoạn ruột hẹp và đoạn ruột dãn.
- Kỹ thuật đo khả năng kiểm soát của cơ xung quanh trực tràng (ít phổ biến).
- Lấy mẫu mô đại tràng để xét nghiệm (sinh thiết mẫu, sinh thiết hút ): Đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh. Bằng cách này, có thể chắc chắn là trẻ có bị mắc bệnh phình đại tràng bẩm sinh hay không. Tuy nhiên cần phải bác sĩ lấy mẫu và đọc kết quả phải có kinh nghiệm.
2. Điều trị phình đại tràng bẩm sinh ở trẻ
Tùy vào tình trạng và mức độ của mỗi người mà bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị cụ thể là điều trị nội khoa hay phẫu thuật. Thời điểm tiến hành phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đôi khi cũng cần phẫu thuật ngay ở lứa tuổi sơ sinh.
Phẫu thuật phình đại tràng bẩm sinh sẽ giúp cắt bỏ: toàn bộ đoạn bị hẹp vô hạch, đoạn chuyển tiếp (thưa thớt hạch) và một phần đoạn phình giãn (có chức năng nhưng kém) và kéo phần đại tràng bình thường qua ống đại tràng ở bên trong để nối với hậu môn.
Khi kỹ thuật chưa phát triển có thể phải trải qua 3 lần mổ (3 thì), làm hậu môn tạm thời ở trên bụng (phân sẽ qua hậu môn tạo này trong một thời gian). Ngày nay, với những tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như trang thiết bị máy móc, trình độ chuyên môn được nâng cao kết hợp với phẫu thuật nội soi, hầu hết bệnh nhân chỉ cần mổ 1 thì. Sau mổ, khoảng 90% bệnh nhân đại tiện bình thường. Tuy nhiên, trong thời gian đầu, bệnh nhân có thể đại tiện chưa ổn định, còn són phân hoặc táo bón. Bệnh nhân sau mổ phải được thăm khám định kỳ theo sự chỉ định của bác sĩ phẫu thuật (sau mổ 3 tuần, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 1 năm) để được bác sĩ hướng dẫn chăm sóc cụ thể tránh những biến chứng sau mổ.
Sau khi kết thúc điều trị, phụ huynh có thể chăm sóc sau mổ ở trẻ bằng cách cho trẻ ăn thức ăn có nhiều chất xơ (tốt nhất là xơ của củ quả bầu bí, sắn dây,... nhưng tránh ăn củ xơ, củ cà rốt), cung cấp ngũ cốc nguyên hạt, rau quả, trái cây cho trẻ, đồng thời khuyến khích trẻ uống nhiều nước và tập thói quen đại tiện hàng ngày để tránh Táo bón hiệu quả. Trong trường hợp trẻ biếng ăn chất xơ thì có thể cho trẻ dùng ít xơ hòa tan. Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc gì.