1. Chọc ối là gì?
Chọc ối là thủ thuật sàng lọc trước sinh. Để lấy mẫu dịch ối xét nghiệm, mẫu mô, thủ thuật này đòi hỏi phải xâm nhập sâu vào bên trong tử cung.
Khi thai trên 16 tuần tuổi, có thể chỉ định thực hiện chọc ối. Bằng việc sử dụng một cây kim nhỏ, nước ối sẽ được rút ra qua thành bụng dưới sự hướng dẫn của siêu âm.
Thủ thuật chọc ối sẽ cho biết các vấn đề di truyền trước sinh, và từ đó, sau khi bé được sinh ra đời, cha mẹ có kế hoạch chăm sóc và điều trị thích hợp, tránh khỏi tâm lý hoang mang, bỡ ngỡ. Một số bệnh có thể được điều trị trước khi sinh bé.
2. Thai phụ mắc Viêm gan B có nên chọc ối không?
Virus HBV là nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan B. Bệnh không quá nguy hiểm đối với người bình thường, tuy nhiên, đối với thai phụ mắc Viêm gan B thì sẽ có nguy cơ cao lây nhiễm sang cho bé.
Sự hiện diện của HBsAg đặc trưng cho nhiễm trùng cấp tính HBV. Bệnh nhân cũng có Huyết thanh dương tính với kháng nguyên e của virus (HBeAg) trong giai đoạn đầu của bệnh.
HBeAg thường là dấu hiệu cho thấy virus đã nhân rộng. Sự xuất hiện của HBeAg cho thấy máu và chất dịch cơ thể của người bệnh rất dễ lây nhiễm. Sự tồn tại của HBsAg trong vòng ít nhất 6 tháng đặc trưng cho tình trạng nhiễm mạn tính. Bệnh nhân có nguy cơ phát triển bệnh gan mạn tính và Ung thư gan nếu HBsAg tồn tại lâu dài.
Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra Vàng da trong thai kỳ chính là viêm gan virus cấp tính. Trong giai đoạn nhiễm trùng cấp tính, phần lớn các trường hợp sẽ không thấy sự xuất hiện của bất cứ triệu chứng nào, tuy nhiên, một số khác có thể xuất hiện dấu hiệu của bệnh, chẳng hạn như vàng da, nước tiểu có màu đậm, nôn, buồn nôn, đau bụng và mệt mỏi. Bệnh nhân bị viêm gan cấp tính có thể tiến triển thành Suy gan cấp tính, tuy nhiên, trường hợp này khá hiếm. Nhiễm HBV cấp tính thường không gây nghiêm trọng cho thai phụ cũng như không liên quan đến khả năng dị tật hay tỉ lệ tử vong. Vì vậy, không cần phải đình chỉ thai nghén khi bạn bị nhiễm HBV trong thời kỳ mang thai.
Nếu không kèm bệnh gan tiến triển, phụ nữ Mang thai nhiễm viêm gan B mạn tính thường có thể dung nạp tốt, mặc dù có thể xuất hiện đợt bùng phát viêm gan B. Hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào xác định được rõ tác động của HBV lên kết cục của thai kỳ.
Nhiều thai phụ mắc viêm gan B lo ngại nếu thực hiện chọc ối sẽ khiến con bị lây nhiễm? Thực tế có đúng như vậy không?
Trên thực tế, sau khi thực hiện chọc ối, nguy cơ lây truyền virus từ mẹ sang con là khá thấp. Tuy nhiên, thủ thuật này có thể làm tăng nguy cơ lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con nếu tải lượng virus HBV DNA > 7log10 copies/ml ( trên 10 triệu bản sao/ml). Vì vậy, trước khi quyết định có nên lựa chọn thực hiện thủ thuật chọc ối, bạn cần tham khảo kỹ với bác sĩ.
Trẻ sẽ được tiêm ngừa sau khi sinh nếu kết quả xét nghiệm cho thấy bạn dương tính với virus viêm gan B. Nếu hàm lượng virus trong máu cao, bạn sẽ được chỉ định một số loại thuốc nhất định nhằm kiểm soát bệnh
Như vậy, có thể thấy, nguy cơ lây truyền HBV sau chọc ối là thấp, tuy nhiên việc thực hiện chọc ối đối với những thai phụ có tải lượng virus trên 10 triệu bản sao/ml là yếu tố làm tăng nguy cơ lây truyền HBV. Vì thế, tránh chọc ối khi tải lượng virus HBV trên 10 triệu bản sao/ml đối với thai phụ.