Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Có thể chữa đau, trào ngược dạ dày bằng mật ong?

08/06/2021
Có thể chữa đau, trào ngược dạ dày bằng mật ong?

Mật ong từ lâu đã được sử dụng làm thuốc, từng loại khác nhau sẽ mang đến những lợi ích nhất định. Trong đó, công dụng điều trị trào ngược dạ dày hay chữa đau dạ dày bằng mật ong được khá nhiều người biết đến.

1. Lợi ích của mật ong

  • Rất giàu chất chống oxy hóa

Một số loại mật ong có thể chứa nhiều chất chống oxy hóa tương đương với trái cây và rau quả. Chất chống oxy hóa có trong mật ong giúp bảo vệ tế bào không bị tổn thương khi các gốc tự do tấn công. Gốc tự do được xem là nhân tố ảnh hưởng đến quá trình lão hóa, đồng thời là nguyên nhân dẫn đến các bệnh mãn tính, chẳng hạn như tim và ung thư. Vì vậy, thành phần chống oxy hóa của mật ong có tác dụng giúp ngăn ngừa bệnh tim.

Thành phần này rất hiệu quả trong điều trị vết thương. Mật ong Manuka - chỉ được sản xuất tại New Zealand và Úc từ mật hoa của cây Manuka, được các chuyên gia y tế công nhận là có hiệu quả nhất trong điều trị vết thương. Nguyên nhân là do loại mật ong đặc biệt này chứa đặc tính kháng khuẩn cao cùng với hydrogen peroxide tự nhiên.

  • Đặc tính kháng virus và khử trùng

Mật ong thô (loại chưa tiệt trùng) không chỉ tiêu diệt được vi khuẩn và nấm, mà còn chứa chất khử trùng tự nhiên. Mật ong thô còn mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe con người nhờ giàu chất Dinh dưỡng và enzyme.

Có thể chữa đau, trào ngược dạ dày bằng mật ong? - ảnh 1
Mật ong thô có chứa chất khử trùng tự nhiên

2. Mật ong chữa đau dạ dày, trào ngược

Từ hàng ngàn năm trước, mật ong đã được sử dụng trong hệ thống y học Hindu truyền thống để điều trị nhiều loại bệnh. Một số nghiên cứu và bằng chứng truyền miệng cho biết mật ong có tác dụng làm dịu cổ họng, cũng như giảm các triệu chứng trào ngược dạ dày.

Có nhiều lý do khác nhau để mọi người tin rằng mật ong chữa đau dạ dày và làm dịu các triệu chứng trào ngược axit. Một bài báo trên Tạp chí Nghiên cứu Y khoa của Ấn Độ chỉ ra vài điểm chính như sau:

  • Đặc tính chống oxy hóa và gốc tự do

Mật ong vừa chống oxy hóa, vừa tiêu diệt gốc tự do. Trong khi đó, một phần nguyên nhân gây trào ngược và đau dạ dày là vì các gốc tự do làm tổn thương những tế bào lót ở đường tiêu hóa. Vì vậy mật ong sẽ ngăn ngừa diễn tiến của bệnh bằng cách loại bỏ các gốc tự do.

  • Kết cấu đặc trưng

Nhờ vào kết cấu đặc trưng, mật ong có khả năng bao phủ tốt hơn so với màng nhầy của thực quản. Kết cấu sánh đặc và có độ dính của mật ong có thể giúp giảm axit, góp phần kiểm soát trào ngược dạ dày về lâu dài, cũng như chữa đau dạ dày bằng mật ong hiệu quả. Ngoài ra mật ong còn có tác dụng giảm viêm ở dạ dày - thực quản nhờ đặc tính kháng khuẩn tự nhiên.

Có thể chữa đau, trào ngược dạ dày bằng mật ong? - ảnh 2
Mật ong có kết cấu sánh đặc trưng
  • Phương pháp an toàn, tự nhiên

Mật ong là nguyên liệu tự nhiên và có thể được sử dụng cùng với các phương pháp điều trị truyền thống khác mà không cần quá lo ngại về tác dụng phụ hay ảnh hưởng tiêu cực.

Khi các loại thuốc không kê đơn (OTC) hoặc theo toa không có hiệu quả, một số người muốn chuyển sang lựa chọn biện pháp tự nhiên để kiểm soát triệu chứng. Tuy nhiên vẫn cần nhiều nghiên cứu chính thức hơn trước khi đưa ra kết luận về hiệu quả thực sự của biện pháp điều trị trào ngược dạ dày và chữa đau dạ dày bằng mật ong.

3. Lưu ý khi dùng mật ong chữa đau dạ

3.1. Liều dùng

Theo nghiên cứu công bố trên Tạp chí Y khoa Anh, các triệu chứng ợ nóng của một người sẽ giảm hẳn sau khi tiêu thụ 5ml (khoảng một muỗng cà phê) mật ong nguyên chất.

Nếu không muốn dùng mật ong đơn thuần, bạn có thể pha với một ly nước ấm hoặc trà. Uống một ly sữa hoặc ăn một ít sữa chua cũng có thể mang đến cho bạn hiệu quả làm dịu cổ họng tương tự.

Trong trường hợp sử dụng nghệ và mật ong chữa đau dạ dày, người bệnh cần uống khoảng 30 - 40 viên nghệ/ngày, hoặc 12g bột Nghệ hòa với 10g mật ong vào 100ml nước đun sôi để nguội, ngày uống 3 - 4 lần.

3.2. Nguy cơ rủi ro

Hầu hết mọi người đều có thể dùng mật ong mà không gặp bất kỳ tác dụng phụ tiêu cực nào. Tuy nhiên độ ngọt của mật ong chắc chắn ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Do đó nếu bạn bị tiểu đường hoặc đang dùng thuốc để kiểm soát lượng đường trong máu, hãy hỏi bác sĩ trước khi thử phương pháp trào ngược dạ dày và chữa đau dạ dày bằng mật ong tại nhà.

Bạn cũng nên hỏi bác sĩ về việc uống mật ong nếu đang Mang thai hoặc cho con bú. Hơn nữa, mật ong thường không được khuyến cáo dùng cho trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

Người bị Dị ứng mật ong cũng không nên thử phương pháp chữa trị tại nhà này. Nếu gặp phản ứng nào bất thường, nên ngừng sử dụng và tìm kiếm sự chăm sóc y tế càng sớm càng tốt.

Có thể chữa đau, trào ngược dạ dày bằng mật ong? - ảnh 3
Nếu bạn bị tiểu đường nên tham khảo bác sĩ trước khi sử dụng mật ong tại nhà

4. Lựa chọn khác điều trị đau, trào ngược dạ dày

4.1. Thuốc OTC

Bạn cũng có thể thử dùng các loại thuốc không kê đơn (OTC) để điều trị chứng trào ngược axit thường xuyên, ví dụ:

  • Kẹo ngậm Tums và các thuốc kháng axit khác có tác dụng trung hòa axit dạ dày, giúp giảm đau nhanh chóng;
  • Thuốc đối kháng thụ thể H2, như Cimetidine (Tagamet) và Famotidine (Pepcid), có hiệu quả trong giảm lượng axit mà dạ dày tạo ra;
  • Thuốc ức chế bơm proton, như Omeprazole (Prilosec), cũng làm giảm axit dạ dày, ngoài ra còn có công dụng chữa lành thực quản.

4.2. Thuốc kê đơn

Nếu các triệu chứng của bạn vẫn còn, bác sĩ có thể kê toa các dạng mạnh hơn của những loại thuốc trên. Chúng có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp cùng nhau, tùy thuộc vào dấu hiệu và triệu chứng của bạn.

Đối với những trường hợp nặng, bác sĩ có thể đề nghị một loại thuốc tăng cường thực quản, chẳng hạn như baclofen. Thuốc này có thể làm giảm tần suất co thắt cơ vòng, giúp thư giãn và ngăn axit chảy lên trên. Tuy nhiên Baclofen đi kèm với một số tác dụng phụ đáng kể, bao gồm mệt mỏi và suy giảm nhận thức.

4.3. Phẫu thuật

Trong một số ca hiếm gặp, bệnh nhân cần phải phẫu thuật để tăng sức mạnh của cơ thắt thực quản.

Mặc dù nghiên cứu về hiệu quả điều trị trào ngược dạ dày và chữa đau dạ dày bằng mật ong còn hạn chế, nhưng đây vẫn là một biện pháp tự nhiên và an toàn. Ngoài ra, một số thuốc OTC cũng có thể giúp giảm bớt tình trạng trào ngược axit và đau dạ dày. Nếu các triệu chứng vẫn không thuyên giảm, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Nên ghi nhớ rằng thời gian điều trị càng sớm, khả năng hồi phục càng cao, đồng thời hạn chế tối đa tổn thương thực quản - dạ dày.