Điều gì có thể xảy ra trong và sau khi trẻ được chiếu đèn điều trị vàng da?

Chiếu đèn được xem là một trong những phương pháp điều trị bệnh vàng da sơ sinh hiệu quả, dễ thực hiện và tiết kiệm tối đa chi phí. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị của phương pháp này còn phụ thuộc rất nhiều vào: Cường độ- bước sóng ánh sáng do đèn phát ra, khoảng cách từ đèn chiếu vàng da đến trẻ sơ sinh, cách chọn máy chiếu đèn vàng da phù hợp...
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1.Đặc điểm vàng da ở trẻ sơ sinh

Vàng da là hiện tượng da và niêm mạc nhuốm màu vàng khi Bilirubin tăng trong máu.Vàng da sơ sinh là hiện tượng sinh lý do tăng phá huỷ hồng cầu bào thai, giảm chức năng của các men chuyển hoá do gan sản xuất và tăng chu trình ruột gan. Trong một số trường hợp, khi nồng độ Bilirubin gián tiếp tăng quá cao trong máu có thể tiến triển nặng dẫn đến Vàng da nhân não. Biến chứng này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: tuổi thai non tháng hay đủ tháng, bất đồng nhóm máu, trẻ khỏe hay bệnh lý.

  • Vàng da sinh lý: Khoảng 60% trẻ đủ tháng và 85 Sinh non có biểu hiện vàng da rõ trên lâm sàng vào ngày thứ 3 sau sinh. Vàng da tăng cao nhất từ 5-7 ngày sau sinh, nhưng không cao quá 7 – 7.5 mg%, sau đó giảm dần và có thể kéo dài đến 14 ngày.
Điều gì có thể xảy ra trong và sau khi trẻ được chiếu đèn điều trị vàng da? - ảnh 1
Vàng da ở trẻ sơ sinh có thể là do vàng da sinh lý hoặc vàng da bệnh lý
  • Vàng da bệnh lý: Vàng da xuất hiện sớm trong 24 giờ sau sinh, vàng da mức độ nặng kèm các yếu tố nguy cơ, mức bilirubin vượt ngưỡng phải can thiệp.

Vàng da sớm trong 48 giờ đầu là bất thường, có thể do tan máu (bất đồng Rh, Nhóm máu hệ ABO, dưới nhóm), đẻ non

Vàng da từ ngày thứ 3-10 hay gặp hơn nguyên nhân có thể gặp do đẻ non (< 35-37 tuần), trẻ có bầm tím trên da, có bướu huyết thanh, đa hồng cầu, chậm đi phân su, Mất nước nhiều, ăn sữa mẹ, người châu Á, con của người mẹ có tiền sử mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt là thai to

Vàng da kéo dài > 14 ngày: Nếu do tăng bilirubin gián tiếp nguyên nhân thường là vàng da do sữa mẹ, nhiễm trùng máu, suy giáp, thiếu men glucurronyl transferase bẩm sinh. Nếu vàng da do tăng bilirubin trực tiếp thường gặp do teo đường mật bẩm sinh, viêm gan,... Do đó, cần có các thăm dò khác liên quan đến bệnh lý gan mật.

2. Tại sao trẻ sơ sinh cần phải được chiếu đèn?

Khi nồng độ bilirubin tăng quá cao trong máu (> 22mg%) trẻ có nguy cơ vàng da nhân não. Ở trẻ có nguy cơ như đẻ non, ngạt, hạ đường huyết, tổn thương tế bào não, phù Não thì con số này có thể thấp hơn.

Bilirubin gián tiếp gây độc cho tế bào não và huỷ hoại tế bào thần kinh bằng cách ức chế men nội bào ở một số vùng đặc biệt như thể vân, thể trên thị, vùng hải mã. Ngoài ra, cả thân não và tiểu Não bị nhuốm vàng không mất và để lại di chứng nặng nề mặc dù triệu chứng vàng da giảm dần dù điều trị hay không.

Mục đích điều trị vàng da là làm giảm nhanh nhất nồng độ bilirubin tự do trong máu, tránh tổn thương não do nồng độ bilirubin tự do tăng quá cao. Vậy các biện pháp chính điều trị vàng da tăng bilirubin gián tiếp là gì? Có 2 biện pháp cơ bản điều trị vàng da, đó là: Chiếu đèn và thay máu.

  • Chiếu đèn được áp dụng để điều trị và phòng ngừa cho tất cả các trẻ có vàng da.
  • Thay máu áp dụng cho trẻ có chỉ số bilirubin tăng cao tuỳ thuộc theo ngày tuổi, yếu tố nguy cơ. Trước và sau khi tiến hành thay máu vẫn chiếu đèn cho trẻ một cách tích cực nhất.
Điều gì có thể xảy ra trong và sau khi trẻ được chiếu đèn điều trị vàng da? - ảnh 2
Chiếu đèn là một trong những biện pháp điều trị vàng da ở trẻ

Liệu pháp ánh sáng ( chiếu đèn) là phương pháp rẻ tiền, hiệu quả, an toàn có chỉ định cho tất cả các trường hợp tăng bilirubin tự do cho dù nguyên nhân gây vàng da là gì.

Có 2 loại ánh sáng được dùng để điều trị vàng da cho trẻ: Ánh sáng xanh và đèn Halogen. Cả hai loại ánh sáng này có bước sóng 400 – 480 nm. Dưới tác dụng của ánh sáng có bước sóng như trên các phân tử bilirubin tự do ( không tan trong nước, tan trong trong dầu mỡ dễ thấm vào da niêm mạc và não, gây độc với tế bào thần kinh) được chuyển hoá thành Photobilirubin tan trong nước thải ra ngoài theo đường mật và nước tiểu, không gây độc với tế bào thần kinh.

3. Điều gì có thể xảy ra trong quá trình chiếu đèn?

Trẻ được nằm trong lồng ấp nhiệt độ 28o C, ở trần, chỉ che mắt và bộ phận sinh dục, đèn cách xa trẻ 50 – 60cm, để ánh sáng chiếu trực tiếp lên da của trẻ, thay đổi tư thế 2 – 4h/ lần, chiếu liên tục trong 24 – 48h chỉ ngừng chiếu khi cho trẻ bú, đến khi bilirubin dưới chỉ định tùy thuộc vào mức bilirubin.

Khi trẻ chiếu đèn phân của trẻ có màu xanh và nước tiểu thẫm màu hơn và chúng thường Mất nước khi chiếu đèn. Vì vậy, cần tăng thêm lượng dịch 10 - 20% so với nhu cầu của trẻ.

Trong quá trình chiếu đèn trẻ vẫn được theo dõi liên tục chỉ số Bilirubin, tùy thuộc vào đáp ứng của trẻ với liệu pháp ánh sáng mà bác sỹ quyết định cho trẻ ngừng, tiếp tục chiếu đèn hay cần phải thay máu.

4. Điều gì có thể xảy ra sau khi trẻ được chiếu đèn?

Một số tác dụng phụ của chiếu đèn có thể xảy ra với trẻ là khiến da trẻ bị xạm, hội chứng trẻ da đồng, tiêu chảy, bỏng, mất nước, mẩn da... Các tác dụng phụ này sẽ mất sau khi trẻ ngừng chiếu đèn.

Chiếu đèn giảm nồng độ bilirubin tự do trong máu. Vì vậy, sau khi ngừng chiếu đèn da của trẻ vẫn còn vàng. Bố mẹ cần tiếp tục theo dõi trẻ, nếu thấy vàng da của trẻ tái khám ngay tại các cơ sở y tế gần nhất.

Điều gì có thể xảy ra trong và sau khi trẻ được chiếu đèn điều trị vàng da? - ảnh 3
Trẻ có thể bị tiêu chảy sau khi được chiếu đèn

Vàng da do tăng bilirubin tự do là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non. Điều trị vàng da bằng liệu pháp ánh sáng đơn giản, rẻ tiền, an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, chiếu đèn phải được thực hiện sớm khi chưa có biến chứng vàng da nhân xảy ra. Vì vậy, khi phát hiện con có dấu hiệu vàng da ( trong 6 ngày đầu sau sinh) cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế có chuyên khoa sơ sinh để được khám, tư vấn, điều trị phù hợp nhất.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung