Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Điều trị bệnh viêm gan B theo từng trường hợp cụ thể

13/10/2021
Điều trị bệnh viêm gan B theo từng trường hợp cụ thể

Việt Nam là nước có tỷ lệ bệnh nhân nhiễm viêm gan B cao. Mặc dù gần đây có thêm nhiều thuốc điều trị viêm gan mạn tính, nhưng cũng xuất hiện tình trạng kháng thuốc khá phổ biến. Do đó cần sử dụng hiệu quả các loại thuốc viêm gan B và hiểu rõ trường hợp nào phải bắt buộc điều trị.

1. Chỉ định thuốc kháng viêm gan virus B

1.1. Trường hợp cần dùng thuốc

Cần dùng thuốc điều trị Viêm gan B đối với các trường hợp:

  • Có biểu hiện của bệnh Viêm gan B rõ rệt, như: Vàng da, vàng mắt, mệt mỏi và chán ăn;
  • Kết quả Xét nghiệm kháng nguyên bề mặt HBsAg dương tính: Chứng tỏ có viêm gan virus;
  • Kháng nguyên nội sinh HBeAg dương tính: Chứng tỏ viêm gan virus đang sinh sôi;
  • Enzyme gan ALT-alanine aminotransferase: Tăng gấp 2 lần trở lên;
  • Xét nghiệm định lượng virus viêm gan B (HBV-DNA) để xác định máu có mang virus hoàn chỉnh hay không: Lớn hơn 2x103 IU/ml.
Điều trị bệnh viêm gan B theo từng trường hợp cụ thể - ảnh 1
Sử dụng thuốc kháng viêm gan virus B

1.2. Trường hợp chưa và không cần dùng thuốc

Nếu người lành mang mầm bệnh thì không cần dùng thuốc điều trị viêm gan B. Ngoài ra, chưa cần dùng thuốc đối với trường hợp:

  • Người “dung nạp được miễn dịch”;
  • Người bệnh đã từng bị Viêm gan mạn tính loại B;
  • Người bị viêm gan B không hoạt tính: Virus từng kích hoạt âm thầm, sau đó ngừng kích hoạt.

Tuy nhiên, những trường hợp trên phải được theo dõi chặt chẽ bằng cách khám lâm sàng và xét nghiệm định kỳ, khi cần thiết phải áp dụng biện pháp can thiệp ngay.

2. Phác đồ điều trị viêm gan B bắt buộc

2.1. Chỉ định

Đối với bệnh nhân Viêm gan mạn tính loại B, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bắt buộc khi có đầy đủ các yếu tố tùy theo từng trường hợp sau đây.

Trường hợp 1, người bệnh có kết quả xét nghiệm:

  • HBsAg dương tính;
  • HBeAg dương tính;
  • Định lượng HBV-DNA trên 100.000 bản sao/ml;
  • Men gan cao gấp 2 lần bình thường;
  • Các triệu chứng lâm sàng như: Mệt mỏi, vàng da, rối loạn tiêu hóa, đau tức hạ sườn, ...

Trường hợp 2, kết quả xét nghiệm của bệnh nhân là:

  • HBsAg dương tính;
  • HBeAg âm tính;
  • Định lượng HBV-DNA trên 10000 bản sao/ml;
  • Men gan cao gấp 2 lần;
  • Đã có triệu chứng bệnh lâm sàng.

Tuy nhiên trên thực tế, người bệnh cũng sẽ được chỉ định phác đồ điều trị phù hợp theo độ tuổi và thể trạng.

Điều trị bệnh viêm gan B theo từng trường hợp cụ thể - ảnh 2
Xét nghiệm HBsAg dương tính

2.2. Mục tiêu điều trị

Mục tiêu điều trị viêm gan B là:

  • Ức chế được sự phát triển của virus;
  • Giảm nồng độ virus trong máu;
  • Kiểm soát các triệu chứng của bệnh;
  • Hạ men gan;
  • Ngăn chặn nguy cơ dẫn đến biến chứng Xơ gan và ung thư gan.

2.3. Loại thuốc điều trị viêm gan B

Ở người bệnh vừa mới được phát hiện mắc viêm gan virus B nhưng chưa từng điều trị bằng thuốc kháng virus HBV trước đây, có thể lựa chọn 1 trong 2 nhóm thuốc gồm:

Thuốc tiêm Peg-interferon alfa 2a dưới da bụng, liều lượng 180μg / tuần, thời gian tiêm trong 48 tuần. Thuốc được ưu tiên dùng cho:

  • Phụ nữ trẻ có nguyện vọng mang thai;
  • Nồng độ virus HBV-DNA dưới 10 triệu bản sao/ml;
  • Hoặc do bệnh nhân yêu cầu.

Thuốc uống : Hai loại thuốc được ưu tiên hàng đầu vì tỷ lệ kháng thuốc thấp là:

  • Entecavir (ENT) liều 5mg / ngày;
  • Tenofovir (TDF) liều 300mg / ngày.

Ngoài ra còn có:

  • Lamivudine (LAM) với liều 100mg / ngày;
  • Telbivudine (LdT) với liều 600mg / ngày;
  • Adefovir (ADV) với liều 10mg / ngày.

2.4. Thời gian điều trị

Trường hợp bệnh nhân có kết quả xét nghiệm HBeAg dương tính thì phải dùng thuốc kéo dài ít nhất 12 tháng. Ngưng thuốc khi:

  • HBV-DNA dưới 10000 bản sao/ml;
  • Xuất hiện HBeAg âm tính hoặc xuất hiện anti-Hbe;

Ngược lại, nếu bệnh nhân có kết quả xét nghiệm HBeAg âm tính thì thời gian điều trị sẽ khó xác định hơn vì ngưng thuốc sẽ rất dễ bị tái phát. Trường hợp này có thể điều trị kéo dài cho đến khi mất HBsAg.

3. Phác đồ điều trị bệnh viêm gan B theo từng trường hợp

3.1. Không đáp ứng thuốc kháng virus

Bác sĩ có thể chỉ định điều trị Lamivudine kết hợp với Tenofovir nếu người bệnh rơi vào 1 trong 2 trường hợp sau:

  • Sau 6 tháng điều trị bằng Lamivudin 100mg/ngày, nhưng nồng độ HBV-DNA vẫn trên 1000 bản sao/ml;
  • Sau 1 năm điều trị bằng Adefovir 10mg/ngày, nồng độ HBV-DNA vẫn trên 100.000 bản sao/ml hoặc nồng độ virus từ không giảm đến tăng trên 10 lần so với trước khi uống thuốc.

3.2. Có biến chứng Xơ gan còn bù

Nếu nồng độ HBV-DNA trên ngưỡng phát hiện thì có thể chỉ định điều trị bằng:

  • Thuốc tiêm Peg-interferon alfa 2a hoặc Interferon alfa cổ điển: Liều lượng 5ml mỗi ngày hoặc 10ml mỗi lần, tiêm 3 lần / tuần trong thời gian 6 - 12 tháng;
  • Thuốc uống Entecavir, Tenofovir: Liều lượng như đã nêu ở mục 2.
Điều trị bệnh viêm gan B theo từng trường hợp cụ thể - ảnh 3
Biến chứng xơ gan do viêm gan B

3.3. Có biến chứng xơ gan mất bù

Trường hợp này cần chống chỉ định điều trị bằng các loại thuốc tiêm, chỉ áp dụng phác đồ với uống Entecavir và Tenofovir. Lưu ý nên điều chỉnh liều lượng khi độ thanh thải creatinin của người bệnh dưới 50ml/phút.

3.4. Bệnh nhân là trẻ em trên 12 tuổi

Phác đồ điều trị viêm gan B quy định là:

  • Dùng thuốc Lamivudine với liều 3mg / ngày (không dùng quá 100mg mỗi ngày);
  • Thuốc tiêm Interferon alfa 2a không quá 10ml / lần tiêm và điều trị 3 lần / tuần.

3.5. Bệnh nhân là phụ nữ đang uống thuốc và có thai

  • Nên tiếp tục điều trị bằng các loại thuốc cho phép như Tenofovir, Telbivudine;
  • Không khuyến cáo dùng Adefovir, Lamivudine, và Entecavir;
  • Chống chỉ định dùng thuốc tiêm cho phụ nữ có thai.

3.6. Trường hợp khác

Nếu bệnh nhân chấp nhận tuân thủ phác đồ điều trị lâu dài, cần cân nhắc áp dụng thuốc kháng virus trong trường hợp:

  • Men gan tăng gấp trên 10 lần bình thường;
  • Nồng độ HBV-DNA trên 1 triệu bản sao/ml;
  • Tiền sử gia đình liên quan đến viêm gan virus B.
Điều trị bệnh viêm gan B theo từng trường hợp cụ thể - ảnh 4
Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện và điều trị sớm bệnh lý

Bác sĩ có thể xem xét sinh thiết gan, đo mức độ tổn thương gan hoặc làm xét nghiệm đánh giá mức độ xơ hóa để đưa ra phác đồ điều trị viêm gan B chuẩn xác.

Nhìn chung, viêm gan B là căn bệnh khá phổ biến trong cộng đồng hiện nay. Vì vậy khi có các biểu hiện nghi ngờ, người bệnh cần đi khám ngay để được chẩn đoán xác định sớm nhằm chỉ định điều trị kịp thời, phù hợp theo phác đồ quy định theo từng trường hợp bệnh lý. Lưu ý, người bệnh viêm gan B phải được điều trị trong thời gian dài dưới sự giám sát, theo dõi của bác sĩ nhằm đảm bảo hiệu quả và an toàn, cũng như ngăn ngừa nguy cơ biến chứng xơ gan và ung thư gan.