Đối tượng nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ

Nếu mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ trong giai đoạn 3 tháng đầu, thai có thể không phát triển, sảy thai, dị tật bẩm sinh...Đối tượng nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ lại rất phổ biến, bất kỳ thai phụ nào cũng cần có kiến thức về căn bệnh này.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Bệnh đái tháo đường thai kỳ là gì?

Định nghĩa bệnh đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) Theo Tổ chức Y tế thế giới (2013) là tăng Glucose huyết tương được phát hiện lần đầu trong khi có thai.

Được phân loại thành 2 nhóm :

  • Đái tháo đường Mang thai (Diabetes in pregnancy)
  • Bệnh đái tháo đường thai kỳ (Gestational Diabetes Mellitus)

2. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ Đối tượng nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ - ảnh 1

Hình ảnh hội chứng buồng trứng đa nang

Các thai phụ có yếu tố nguy cơ sau đây dễ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ:

  • Béo phì
  • Tiền sử gia đình có người đái tháo đường
  • Tiền sử sinh con to ≥ 4000 gam
  • Tiền sử bất thường về dung nạp glucose
  • Glucose niệu dương tính
  • Tuổi mang thai: Thai phụ nhỏ hơn 25 tuổi được xem là ít nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ, hơn 35 tuổi thì nguy cơ ĐTĐTK tăng cao hơn
  • Tiền sử Sản khoa bất thường: Thai chết lưu không rõ nguyên nhân, con bị dị tật bẩm sinh, tiền sản giật, sinh non
  • Chủng tộc: Châu Á là chủng tộc có nguy cơ mắc ĐTĐTK cao.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang

3. Hậu quả của bệnh đái tháo đường thai kỳ Đối tượng nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ - ảnh 2

Bệnh đái tháo đường thai kỳ làm tăng huyết áp đối với thai phụ

3.1 Đối với thai phụ

  • Tăng huyết áp
  • Sinh non
  • Đa ối
  • Sẩy thai và thai lưu
  • Nhiễm khuẩn niệu
  • Ảnh hưởng về lâu dài: Nguy cơ cao diễn tiến thành đái tháo đường type 2

3.2 Đối với thai Nhi và trẻ sơ sinh

Nếu mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ trong giai đoạn 3 tháng đầu, thai có thể không phát triển, sảy thai, dị tật bẩm sinh, những thay đổi này thường xảy ra vào tuần thứ 6, 7 của thai kỳ.

Nếu mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ trong giai đoạn 3 tháng giữa, đặc biệt 3 tháng cuối thai kỳ có hiện tượng tăng tiết insulin:

  • Tăng trưởng quá mức và thai to
  • Hạ glucose huyết tương và các bệnh lý chuyển hóa ở trẻ sơ sinh
  • Bệnh lý đường hô hấp: Hội chứng nguy kịch hô hấp
  • Dị tật bẩm sinh
  • Tử vong ngay sau sinh
  • Tăng hồng cầu
  • Vàng da sơ sinh

Các ảnh hưởng lâu dài: Gia tăng tần suất trẻ béo phì, khi lớn trẻ sớm bị mắc bệnh đái tháo đường type 2, rối Loạn tâm thần - vận động.

4. Tiêu chuẩn tầm soát và chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ Đối tượng nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ - ảnh 3

Đa thai là một trong các yếu tố sử dụng tầm soát đái tháo đường trong thai kỳ

4.1. Đối tượng tầm soát đái tháo đường trong thai kỳ

Các yếu tố nguy cơ được sử dụng trong tầm soát chọn lọc bao gồm 4 nhóm chủ yếu dưới đây:

  • Yếu tố thai phụ: Lớn tuổi, nhiều con, Béo phì trước khi có thai, tăng cân quá mức trong thai kỳ, hội chứng buồng trứng đa nang
  • Tiền sử đái tháo đường trong gia đình thế hệ thứ nhất
  • Tiền sử sản khoa: Thai lưu, sinh con to, đái tháo đường thai kỳ trong lần sinh trước.
  • Các yếu tố trong thai kỳ: Tăng huyết áp, đa thai

4.2. Thời điểm tầm soát thường quy

Nên tầm soát đái tháo đường thai kỳ cho mọi thai phụ từ tuần thứ 24 -28 của tuổi thai. Nếu là nhóm nguy cơ cao nên thực hiện nghiệm pháp tầm soát sớm và nếu nghiệm pháp âm tính lặp lại khi tuổi thai 24 -28 tuần.

Tầm soát bằng nghiệm pháp dung nạp glucose

4.3. Nghiệm pháp dung nạp glucose

Lấy máu Xét nghiệm đường huyết lúc đói, sau đó thai phụ được uống 75g Glucose trong 5 – 10 phút và được kiểm tra đường huyết trước sau 1 giờ và 2 giờ

Chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ khi bất kỳ giá trị glucose huyết thoả mãn tiêu chuẩn sau đây:

  • Lúc đói ≥ 92 mg/dL (5,1 mmol/L)
  • Ở thời điểm sau uống 1 giờ ≥ 180 mg/dL (10,0 mmol/L)
  • Ở thời điểm sau uống 2 giờ ≥ 153 mg/dL (8,5 mmol/L)

Trước khi thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose: Ăn uống bình thường 3 ngày trước đó và thai phụ không dùng các thuốc corticoid, thuốc lợi tiểu, chẹn beta giao cảm.

Đối tượng nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ - ảnh 4
Nghiệm pháp dung nạp glucose cần được thực hiện

4.4. Theo dõi tiền sản

Khuyến cáo phụ nữ bị ĐTĐTK kiểm soát glucose huyết tương đạt mục tiêu hoặc càng gần bình thường càng tốt, nhưng không gây hạ glucose huyết tương.

Khuyến cáo xử trí ban đầu ĐTĐTK nên bao gồm: Điều chỉnh chế độ ăn và tập luyện ở mức vừa phải trong 30 phút/ngày hoặc hơn.

Khuyến cáo dùng các biện pháp làm hạ glucose huyết tương, nếu việc thay đổi lối sống (gồm Dinh dưỡng và vận động) không đủ để duy trì glucose huyết tương đạt mục tiêu.

Kiểm tra glucose huyết tương khi đói và sau ăn 2 giờ. Điều chỉnh liều Insulin sao cho đạt và duy trì ổn định glucose huyết tương mục tiêu.

Khám và theo dõi thai định kỳ. Hướng dẫn thai phụ cách đếm và theo dõi cử động thai.

5. Phòng chống đái tháo đường thai kỳ: Điều chỉnh lối sống

Để phòng chống đái tháo đường thai kỳ, phụ nữ có thai đặc biệt các thai phụ có nguy cơ cao như đã sinh con trên 3,5 kg, trên 30 tuổi, thừa cân, béo phì... cần điều chỉnh lối sống để phòng chống bệnh đái tháo đường thai kỳ

  • Lựa chọn thực phẩm lành mạnh
  • Kiểm soát sự tăng cân trong thai kỳ
Đối tượng nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ - ảnh 5
Bảng khuyến cáo về mức tăng cân trong thai kỳ
  • Hạn chế sử dụng muối
  • Hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất kích thích
  • Hoạt động thể chất

6. Điều trị đái tháo đường thai kỳ Đối tượng nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ - ảnh 6

Thuốc Insulin được sử dụng điều trị đái tháo đường thai kỳ

Tại Việt Nam, các thuốc viên chưa được Bộ Y tế chấp thuận để điều trị cho phụ nữ Mang thai bị đái tháo đường. Insulin là thuốc duy nhất được chấp nhận.

Mục tiêu điều trị:

  • Glucose đói: < 5,3 mmol/l
  • Glucose sau ăn 1 giờ: < 7,8 mmol/l
  • Glucose sau ăn 2 giờ: < 6,7 mmol/l
  • HbA1c < 6%
  • Và không có biểu hiện hạ đường máu
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung