1. Thoái hóa khớp cùng đòn là gì?
Khớp cùng đòn vai không có nhiều vận động như các khớp khác, nhưng giúp cho cánh tay có tầm hoạt động lớn, là nơi tiếp nối phần xương vai cánh tay với khung xương của cơ thể.
Khi bị thoái hóa khớp cùng đòn sẽ xuất hiện Tình trạng viêm vô khuẩn tại khớp đó. Đau và Viêm khớp cùng đòn có thể do Chấn thương hoặc do vận động quá nhiều.
Thoái hóa khớp cùng đòn thường tiến triển dần theo thời gian và gây đau, hạn chế vận động của vai, cánh tay. Người bệnh sẽ cảm thấy đau, sưng, tràn dịch phía ngoài của vai. Đau tăng khi vận động khớp vai và giảm khi nghỉ ngơi.
Có 2 phương pháp điều trị thoái hóa khớp cùng đòn:
- Điều trị thoái hóa khớp cùng đòn bằng phương pháp nội khoa: Thay đổi thói quen vận động; chườm lạnh hoặc dùng các thuốc chống viêm giảm đau, tiêm corticoid.
- Điều trị thoái hóa khớp cùng đòn bằng phương pháp ngoại khoa: Sau khi điều trị nội khoa từ 2 -3 tháng mà tình trạng bệnh không cải thiện, lúc này bệnh nhân có thể cần phẫu thuật.. Phương pháp gây tê đám rối Thần kinh cánh tay phẫu thuật Nội soi thoái hóa khớp cùng đòn thường được lựa chọn nếu bệnh nhân không có chống chỉ định Gây tê vùng.
2. Vì sao nên gây tê đám rối thần kinh cánh tay phẫu thuật nội soi thoái hóa khớp cùng đòn?
Phẫu thuật nội soi thoái hóa khớp cùng đòn là kỹ thuật tương đối phức tạp. Tuy nhiên về vô cảm cho phẫu thuật này thường đơn giản và có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau. Gây tê đám rối thần kinh cánh tay là kỹ thuật được lựa chọn khi người bệnh không có các chống chỉ định của gây tê vùng.
Đây là kỹ thuật gây tê vùng được thực hiện bằng cách đưa thuốc tê hoặc hỗn hợp thuốc tê vào bao đám rối thần kinh cánh tay. Dựa vào đặc điểm về giải phẫu, đường đi và liên quan có một số đường đi chính để gây tê đám rối thần kinh cánh tay. Đối với phẫu thuật thoái hóa khớp cùng đòn, bác sĩ gây mê hồi sức nên lựa chọn gây tê đám rối thần kinh cánh tay đường gian cơ bậc thang.
Phương pháp này chống chỉ định trong trường hợp:
- Dị ứng thuốc tê; viêm nhiễm vùng chọc kim gây tê
- Rối loạn đông máu nặng
- Không đủ phương tiện hồi sức hoặc không thành thạo kỹ thuật
3. Các bước thực hiện kỹ thuật
Bước 1: Chuẩn bị phương tiện cấp cứu, theo dõi, hồi sức; thuốc hồi sức tuần hoàn, thuốc chống co giật; dụng cụ gây tê và thuốc tê...
Bước 2: Thăm khám trước mổ cho người bệnh, vệ sinh vùng gây tê và cho người bệnh nằm ngửa, đầu quay sang bên đối diện, đặt một gối nhỏ dưới xương bả vai, tay để dọc theo thân người.
Bước 3: Chọn mốc giải phẫu là khe hai cơ bậc thang trước và giữa; đường ngang qua mức sụn nhẫn. Điểm chọc là điểm giao cắt giữa đường thẳng đi qua sụn nhẫn và khe giữa các cơ bậc thang. Hướng kim đi từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong, từ trước ra sau, tránh tĩnh mạch cảnh ngoài.
Bước 4: Đẩy kim nhẹ cho tới khi thấy dị cảm hoặc có phản ứng vận động của các nhóm cơ cánh tay, cẳng tay hoặc bàn tay; rút lui kim 1-2mm rồi bơm thuốc.
4. Xử trí tai biến sau phẫu thuật
Dị ứng, Sốc phản vệ với thuốc tê: Ngừng sử dụng thuốc tê rồi sử dụng phác đồ chống Sốc phản vệ theo Bộ Y tế.
Ngộ độc thuốc tê: Ngừng sử dụng thuốc tê, chống co giật, cấp cứu hồi sức hô hấp, tuần hoàn, truyền intralipid khi bị Ngộ độc thuốc tê nhóm bupivacain và ropivacain.
Tai biến do kỹ thuật: Bơm thuốc vào mạch máu và tiêm thuốc tê vào khoang dưới nhện hoặc khoang ngoài màng cứng vùng cổ.
Có thể gặp các biến chứng khác: nhiễm trùng, tụ máu nơi chọc, tổn thương dây thần kinh... cần cấp cứu Hô hấp và tuần hoàn, băng ép nơi chọc kim, chọc hút hoặc dẫn lưu khoang màng phổi.