1. Siêu âm thai tuần 35 - 37 trong chẩn đoán bất thường thai nhi
1.1. Chẩn đoán các bất thường ở hệ Thần kinh của thai Nhi 35 - 37 tuần
Siêu âm thai 35 - 37 tuần giúp phát hiện nhiều vấn đề bất thường tại Não bộ của thai nhi. Trong đó, hầu hết các trường hợp thai nhi giãn Não thất nhẹ đến vừa, nang màng nhện chỉ được chẩn đoán trong giai đoạn này.
1.2. Chẩn đoán các bất thường vùng mặt ở thai nhi 35 - 37 tuần
Đa số các bất thường vùng mặt như khe hở môi và khẩu cái, ... đã được chẩn đoán ở giai đoạn 3 tháng đầu và 3 tháng giữa thai kỳ. Chỉ một số các dị tật khó phát hiện được chẩn đoán muộn hơn, khi trẻ đã phát triển hoàn thiện. Siêu âm thai tuần 35 - 37 thường giúp chẩn đoán nang tuyến lệ ở thai nhi.
1.3. Chẩn đoán các bất thường về Tim mạch ở thai nhi 35 - 37 tuần
Tùy thuộc vào loại bệnh gây bất thường về tim mạch ở thai nhi mà thời gian chẩn đoán khác nhau. Trong đó, các bệnh như Thông liên thất (tỷ lệ nhỏ), u cơ vân, hẹp eo động mạch chủ, hẹp động mạch phổi, bất thường van 3 lá chỉ được chẩn đoán ở 3 tháng cuối thai kỳ, thậm chí là chẩn đoán sau khi sinh.
1.4. Chẩn đoán các bất thường vùng ngực ở thai nhi 35 - 37 tuần
Thoát vị hoành (tỷ lệ hiếm) chỉ được chẩn đoán trong giai đoạn siêu âm 35 - 37 tuần. Còn lại, các ca dị dạng đường dẫn khí bẩm sinh ở phổi (CPAM), tràn dịch màng phổi và Thoát vị hoành thường đã được chẩn đoán ở các lần siêu âm trước đó.
1.5. Chẩn đoán các bất thường ở hệ thống tiêu hóa ở thai nhi 35 - 37 tuần
Siêu âm thai 35 - 37 tuần giúp phát hiện nang ổ bụng (số nhiều), teo thực quản, dạ dày nhỏ (thiểu số). Các trường hợp không có lỗ hậu môn, có lỗ dò trực tràng - âm đạo thường chỉ được chẩn đoán sau sinh.
1.6. Chẩn đoán các bất thường vùng niệu dục ở thai nhi 35 - 37 tuần
Đối với hệ tiết niệu, siêu âm thai tuần 35 - 37 giúp phát hiện thận ứ nước. Các trường hợp khác như bất sản thận một bên kèm hoặc không kèm thận trong tiểu khung, thận đôi và Thận đa nang một bên thường đã được phát hiện ở các giai đoạn trước đó.
Đối với hệ sinh dục, siêu âm tuần 35 - 37 giúp phát hiện sa niệu đạo, nang buồng trứng, ứ máu âm đạo. Các trường hợp giới tính mơ hồ, Lỗ tiểu đóng thấp thường chỉ được phát hiện sau sinh.
1.7. Chẩn đoán các bất thường vùng xương ở thai nhi 35 - 37 tuần
Siêu âm thai tuần 35 - 37 có thể giúp phát hiện một số ít trường hợp chưa được chẩn đoán trong các giai đoạn trước mà chủ yếu là loạn sản sụn. Hầu hết các ca chân khoèo, đa ngón được chẩn đoán ở các thời kỳ trước đó hoặc sau sinh.
2. Các kỹ thuật chẩn đoán khác được sử dụng cho phụ nữ Mang thai 35 - 37 tuần
Ngoài siêu âm mà chủ yếu là siêu âm 4D nhằm theo dõi các bất thường tại các cơ quan thì các chỉ định khác cũng có thể được sử dụng. Trong đó, non-stress test giúp kiểm tra sức khỏe thai nhi, máy đo tim thai nhằm xác định tuần hoàn và hô hấp thai nhi.
Bắt đầu từ giai đoạn này, bạn cần đến bệnh viện kiểm tra mỗi tuần hoặc khi có cảm giác đau bụng, ra máu để được theo dõi tim thai, cử động thai nhi và tình trạng cổ tử cung, chuẩn bị sẵn sàng sinh em bé.
3. Sự phát triển của thai nhi 35 - 37 tuần tuổi
Thai nhi 37 tuần có cân nặng khoảng 2,9kg, chiều dài khoảng 49cm, đã hoàn thiện về cơ quan hô hấp. Trẻ có thể tự hô hấp, không cần hỗ trợ máy nếu được sinh trong tuần này.
Não bộ của bé sẽ tiếp tục phát triển liên tục từ thời điểm này cho đến những năm đầu đời. Do đó, khi bé còn ở trong bụng mẹ, bạn có thể đọc truyện, bật nhạc hoặc hát cho bé nghe. Bạn cũng nên khuyến khích chồng tham gia vào các hoạt động này nhằm tạo nên sự gắn kết tình thân và giúp bé trở nên thông minh, nhanh nhẹn hơn.
4. Phụ nữ mang thai 35 - 37 tuần cần chuẩn bị những gì?
4.1. Chuẩn bị tinh thần sẵn sàng sinh con
- Thời gian sinh con: Nếu mang thai đứa con đầu tiên, bạn thường sẽ sinh muộn hơn ngày dự tính ít ngày. Trong trường hợp này, bạn nên giữ bình tĩnh, tin tưởng rằng em bé sẽ chào đời khi sẵn sàng.
- Chuyển dạ: Từ tuần 37 trở đi, nếu không chắc chắn là cơn co bóp tử cung thông thường hay chuyển dạ thì bạn nên cùng gia đình đến các cơ sở y tế để được theo dõi thai kỳ 1 lần/tuần cho đến khi hạ sinh em bé an toàn.
4.2. Chuẩn bị cho các thay đổi sinh lý
- Lông mọc nhiều hơn ở các vùng mặt, lưng, đầu vú: Tẩy lông và nhổ lông không gây ra ảnh hưởng gì đối với sức khỏe của bà mẹ và thai nhi. Trước lúc sinh con, bạn sẽ được đề nghị cắt bỏ lông mu, nó chỉ gây đau mà không ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Cảm giác khô mắt: Bình thường, nước mắt chảy ra làm trơn bề mặt ngoài của mắt, nhưng tại thời điểm này nước mắt chảy ngược xuống cổ. Do đó, bạn nhớ mang theo khăn giấy và nước nhỏ mắt sử dụng khi khó chịu.
- Ít tăng cân: Thời kỳ 35 - 37 tuần, kích thước em bé vẫn tăng lên, đặc biệt là trong quá trình hoàn thiện não bộ, vùng da, lớp mỡ dưới da, ...
4.3. Chuẩn bị cho các thay đổi tâm lý
- Bạn sẽ có tâm lý chuẩn bị sinh con. Thời gian này, bạn thường hạn chế ra khỏi nhà, lên kế hoạch cùng chồng cho dự định sinh con và thường xuyên suy nghĩ đã bỏ qua việc gì không.
- Khi công việc chuẩn bị đã hoàn thành, bạn thường dành thời gian để ngắm nhìn các bức ảnh gia đình, của chồng con và hình dung về em bé sắp sinh.
- Tìm hiểu các dấu hiệu phân biệt giữa cơn đau thông thường và chuyển dạ.
4.4. Duy trì cơ thể khỏe mạnh
- Đến bể bơi để thư giãn: Cơ thể của thai phụ sẽ thấy nhẹ nhõm hơn khi được nước nâng đỡ. Ngâm mình trong nước cũng là cách giảm nhiệt độ cơ thể.
- Thực hiện các công việc yêu thích như đọc sách, nghe nhạc, xem phim, gọi điện với bạn bè, viết thư, cùng gia đình chuẩn bị những thứ cần thiết cho việc sinh em bé.
- Thăm khám sức khỏe thai kỳ để chuẩn bị sinh con
- Cải thiện chứng mất ngủ: Ngủ riêng để được yên tĩnh nếu cần thiết và thử các biện pháp nâng cao chất lượng giấc ngủ như xếp gối xung quanh giường, nghe nhạc, thực hiện một số động tác trước khi ngủ, ...
Siêu âm thai nhi 35 - 37 tuần tuổi giúp chẩn đoán các dị tật chưa thể phát hiện trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai. Lúc này, hầu hết các cơ quan trong cơ thể của thai nhi đều đã được hoàn thiện. Vì thế các bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi, dự kiến ngày sinh và giúp người mẹ có tâm lý thật tốt để chào đón thiên thần nhỏ chào đời.