Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Giảm tiểu cầu do dùng thuốc

02/06/2021
Giảm tiểu cầu do dùng thuốc

Mặc dù thuốc là một nguyên nhân phổ biến của giảm tiểu cầu qua trung gian miễn dịch cấp tính ở người, giảm tiểu cầu do dùng thuốc thường không được công nhận từ ban đầu. Thông thường, giảm tiểu cầu do dùng thuốc xảy ra 1 đến 2 tuần sau khi bắt đầu dùng một loại thuốc mới hoặc sử dụng đột ngột sau một liều duy nhất khi một loại thuốc trước đó đã không được sử dụng liên tục. Tuy nhiên, giảm tiểu cầu do dùng thuốc nghiêm trọng có thể xảy ra ngay sau khi dùng thuốc kháng tiểu cầu hay chống huyết khối.

1. Giảm tiểu cầu do dùng thuốc là gì?

Giảm tiểu cầu do thuốc bao gồm giảm tiểu cầu gây ra bởi các loại thuốc có chỉ định và cả các loại đồ uống, thực phẩm và thảo dược. Đây là một vấn đề lâm sàng quan trọng đối với các nhà huyết học do Giảm tiểu cầu do dùng thuốc thường xuất hiện đột ngột với mức độ nặng và có thể gây chảy máu, tử vong.

Tuy nhiên, ở không ít các bệnh nhân, nguyên nhân là do thuốc thường không được công nhận từ ban đầu. Trên những bệnh nhân nhập viện, giảm tiểu cầu mới khởi phát có thể được quy kết cho các biến chứng như nhiễm trùng huyết. Tương tự như vậy, ở những bệnh nhân không có triệu chứng trước đây, giảm tiểu cầu do dùng thuốc thường bị chẩn đoán nhầm là Xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch với kết quả điều trị không phù hợp.

Ngay cả khi chẩn đoán giảm tiểu cầu do dùng thuốc đã được xem xét, nguyên nhân là do thuốc vẫn có thể không rõ ràng vì bệnh nhân có thể không nghĩ rằng các loại thuốc tự ý dùng như thực phẩm chức năng, đồ uống, thức ăn hoặc thảo Dược cũng có liên quan đến các triệu chứng chảy máu trên da và do đó sẽ không báo cáo cho bác sĩ của mình.

Mặc dù khả năng phục hồi của giảm tiểu cầu do dùng thuốc sẽ nhanh chóng khởi động trong vòng 1 đến 2 ngày sau khi ngừng thuốc và thường hoàn thiện trong vòng một tuần, kháng thể phụ thuộc vào thuốc thông qua cơ chế miễn dịch gây phá hủy tiểu cầu có thể tồn tại trong nhiều năm sau đó. Chính vì vậy, điều quan trọng là nguyên nhân do thuốc phải được xác nhận càng sớm và loại thuốc đó cần tránh sử dụng cho bệnh nhân trong suốt cuộc đời.

Giảm tiểu cầu do dùng thuốc - ảnh 1
Giảm tiểu cầu gây ra bởi các loại thuốc có chỉ định và cả các loại đồ uống, thực phẩm và thảo dược

2. Cơ chế gây bệnh của giảm tiểu cầu do dùng thuốc là gì?

Giảm tiểu cầu do dùng thuốc là một rối loạn trên lâm sàng tương đối phổ biến và đôi khi nghiêm trọng đặc trưng bởi sự hiện diện của các kháng thể phụ thuộc vào thuốc liên kết với tiểu cầu và gây phá hủy tiểu cầu. Các kháng thể gây ra giảm tiểu cầu do dùng thuốc khác với các kháng thể thông thường ở chỗ chúng có cấu trúc chuyên biệt để liên kết với thành phần glycoprotein trên màng tế bào của tiểu cầu.

Trong hai mươi năm qua, cơ chế bệnh sinh của giảm tiểu cầu do dùng thuốc đã được hiểu biết nhiều hơn và cho ra đời các bộ Xét nghiệm tìm sự hiện diện của các kháng thể kháng tiểu cầu do từng loại thuốc nhất định. Tuy nhiên, kiến ​​thức về bản chất phân tử của các phản ứng miễn dịch này vẫn còn nhiều khoảng trống. Theo đó, chỉ định dùng thuốc luôn cần được cân nhắc, nhất là trên các đối tượng đã có số lượng tiểu cầu thấp với các nhóm thuốc đã có bằng chứng gây ra giảm tiểu cầu do dùng thuốc cũng như các loại thuốc nói chung.

3. Khi nào nên nghi ngờ mắc phải giảm tiểu cầu do dùng thuốc? Giảm tiểu cầu do dùng thuốc - ảnh 2

Chảy máu nướu khi đánh răng là một dấu hiệu cần lưu ý

Sự xuất hiện đột ngột của tình trạng giảm tiểu cầu nghiêm trọng là một yếu tố gợi ý của giảm tiểu cầu do dùng thuốc. Tương tự như vậy, bệnh nhân bị tái phát giảm tiểu cầu và sẽ hồi phục từng đợt nên được nghi ngờ là do thuốc hoặc có thể do đồ uống, chẳng hạn như các loại nước giải khát, nước tăng lực và thảo dược.

Một số loại thuốc đã được quan sát là có khả năng gây giảm tiểu cầu do thuốc bao gồm:

  • Furosemide
  • Vàng, dùng để trị viêm khớp
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
  • Penicillin
  • Quinidin
  • Quinin
  • Ranitidin
  • Sulfonamit
  • Linezolid và các kháng sinh khác
  • Statin

Khi bị giảm tiểu cầu, người bệnh được phát hiện bởi các triệu chứng của rối loạn chức năng đông máu như có thể gây ra:

  • Chảy máu bất thường;
  • Chảy máu nướu khi đánh răng;
  • Dễ bầm tím trên da;
  • Xuất hiện tự phát các đốm đỏ trên da .

Kế tiếp, bác sĩ sẽ cần làm thêm các Xét nghiệm nhằm đánh giá số lượng và chức năng của tiểu cầu với số lượng của tiểu cầu trên công thức máu ngoại biên luôn là tiêu chí đầu tiên. Ngoài ra, việc chứng minh, định lượng kháng thể chống tiểu cầu phụ thuộc vào thuốc là rất quan trọng để xác nhận nguyên nhân của giảm tiểu cầu do dùng thuốc.

Tuy nhiên, các xét nghiệm như vậy là không sẵn có cũng như mất một khoảng thời gian nhất định, không thể chờ đợi kết quả xét nghiệm trước khi quyết định có nên ngừng sử dụng thuốc có thể gây bệnh hay không. Hơn nữa, các xét nghiệm tìm kháng thể phụ thuộc vào thuốc có thể âm tính ở bệnh nhân mắc phải giảm tiểu cầu do dùng thuốc.

Nguyên nhân là do phương pháp xét nghiệm không đủ nhạy để phát hiện một số kháng thể, một số loại thuốc không tan trong nước và khó kết hợp vào hóa chất cũng như cơ chế bệnh sinh trong cơ thể đôi khi có sự khác biệt nhất định với mô hình xét nghiệm in vitro. Vậy nên, chẩn đoán giảm tiểu cầu do dùng thuốc với một loại thuốc nghi ngờ thực sự là một thách thức, cần phải cân nhắc trong chỉ định điều trị với lợi ích, nguy cơ mắc phải trên từng trường hợp cá thể hóa.

4. Điều trị giảm tiểu cầu do dùng thuốc như thế nào? Giảm tiểu cầu do dùng thuốc - ảnh 3

Tình trạng giảm tiểu cầu do dùng thuốc có thể phục hồi trong vòng 1 đến 2 ngày sau khi ngừng thuốc

Giảm tiểu cầu do dùng thuốc thường khởi phát đột ngột khiến người bệnh rơi vào tình trạng giảm tiểu cầu nặng. Số lượng tiểu cầu khi thấp dưới 20.000 / μL sẽ có nguy cơ chảy máu nghiêm trọng, thậm chí bao gồm cả tử vong.

Tuy nhiên, một điều may mắn là giảm tiểu cầu do dùng thuốc có thể phục hồi trong vòng 1 đến 2 ngày sau khi ngừng thuốc và sự hồi phục này cũng thường hoàn tất trong vòng một tuần. Mặc dù vậy, chỉ định truyền tiểu cầu vẫn có thể cần thiết để kiểm soát nếu tình trạng xuất huyết quá mức.

Đồng thời, Corticosteroid cũng có thể được sử dụng nếu chẩn đoán xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn hay giảm tiểu cầu miễn dịch không thể được loại trừ. Tuy vậy, nếu số lượng tiểu cầu trở lại bình thường thì cần nghi ngờ khả năng giảm tiểu cầu do dùng thuốc cao hơn và nên dừng điều trị bằng corticosteroid. Trái lại, nếu giảm tiểu cầu tái phát và chắc chắn rằng bệnh nhân đã không dùng lại thuốc nghi ngờ nữa, chẩn đoán giảm tiểu cầu do dùng thuốc nên được loại trừ.

Ngoài ra, trong giảm tiểu cầu do dùng thuốc, kháng thể phụ thuộc vào thuốc có thể tồn tại trong nhiều năm và bệnh nhân phải được khuyên nên tránh dùng thuốc gây giảm tiểu cầu trong suốt cuộc đời. Đồng thời, người bệnh cũng cần ý thức về việc dùng thuốc, không được tự ý sử dụng các loại thuốc cũng như thực phẩm đặc hiệu, kể cả các loại thảo dược nếu không có ý kiến chuyên môn.

Tóm lại, giảm tiểu cầu do dùng thuốc cũng có thể được xem là một tác dụng phụ thường thấy với cơ chế chủ yếu là do rối loạn trong hệ thống miễn dịch. Mặc dù tình trạng này có thể hồi phục nhanh chóng khi ngưng thuốc, việc phát hiện ra nguyên nhân cũng như tránh sử dụng loại thuốc đó là vô cùng quan trọng, nhằm tránh nguy cơ giảm tiểu cầu do dùng thuốc tái phát với mức độ nghiêm trọng hơn.