Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Giúp người tự kỷ trưởng thành hòa nhập cuộc sống như thế nào?

24/09/2020
Giúp người tự kỷ trưởng thành hòa nhập cuộc sống như thế nào?

Theo số liệu thống kê từ Liên Hợp Quốc, hiện có 1% dân số thế giới (khoảng 70 triệu người) đang mắc chứng tự kỷ. Khi nói đến tự kỷ người ta thường nghĩ điều đó chỉ xảy ra ở trẻ em, tuy nhiên thực tế trong cộng đồng vẫn có rất nhiều trường hợp bị tự kỷ dù đã ở tuổi trưởng thành. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thêm cho bạn kiến thức về người tự kỷ trưởng thành

1. Tự kỷ là gì?

1.1 Khái niệm về tự kỷ

Tự kỷ (autism spectrum disorder - ASD) là một hội chứng do rối loạn phát triển hệ thần kinh, gây ảnh hưởng đến các hoạt động của Não bộ. Hội chứng này bao gồm những khiếm khuyết trong khả năng lập luận, phát triển ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp, tương tác xã hội, sở thích và hoạt động mang tính hạn hẹp và lặp đi lặp lại.

1.2 Tự kỷ có nguy hiểm không?

  • Trẻ tự kỷ thường chậm phát triển, giảm có khả năng nhận thức, giảm khả năng ngôn ngữ giao tiếp, bất thường về hành vi và cảm xúc, rối loạn cảm giác khác nhau. Chỉ có khoảng 20% trẻ bị tự kỷ có thể giao tiếp được và học được nhưng vẫn gặp khó khăn trong quan hệ xã hội, thường ít có bạn và không thích giao tiếp, kết bạn với mọi người xung quanh. Còn lại 80% bệnh Nhi này tiếp tục trưởng thành và trở thành người lớn mắc tự kỷ, kèm theo biểu hiện chậm phát triển tâm thần, động kinh, trầm cảm... nên thường sống thu mình và hay có Lo âu ám ảnh sợ.
  • Người mắc tự kỷ mức nặng không thể chữa khỏi sẽ không có khả năng hòa nhập với xã hội, không tự nuôi sống bản thân khi lớn lên, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
  • Hiện nay tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu chỉ ra, số lượng trẻ tự kỷ đến các bệnh viện chẩn đoán và điều trị ngày càng tăng cao. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ này hiện tăng vọt gấp 50 lần so với những năm 2000 - 2007. Tại TP Hồ Chí Minh tỷ lệ này tăng đến 160 lần. Vì vậy tự kỷ là một vấn đề cần sự quan tâm của toàn xã hội vì chỉ sau 10 tới 20 năm nữa, nếu không chú ý phát hiện sớm và tìm ra phương pháp can thiệp thích hợp thì tự kỷ sẽ trở thành một căn bệnh khó chữa trị và gây hậu quả nghiêm trọng tới gia đình và xã hội.
Giúp người tự kỷ trưởng thành hòa nhập cuộc sống như thế nào? - ảnh 1
Người mắc tự kỷ mức nặng không thể chữa khỏi sẽ không có khả năng hòa nhập với xã hội

2. Người tự kỷ trưởng thành

2.1. Nguyên nhân gây tự kỷ ở người lớn

Mỗi khi nói đến tự kỷ hầu hết mọi người đều nghĩ rằng điều đó chỉ xảy ra ở trẻ em. Thực tế nó tồn tại ở nhiều lứa tuổi khác nhau, thậm chí tồn tại suốt đời. Nhiều trẻ tự kỷ có thể được phát hiện và điều trị sớm nhưng tỉ lệ chữa dứt điểm không cao. Trường hợp không phát hiện và điều trị kịp thời đến độ tuổi trưởng thành trở thành người lớn mắc bệnh và tác động của tự kỷ càng nghiêm trọng. Về nguyên nhân của tự kỷ, các nghiên cứu hiện nay chưa dám khẳng định một cách chính xác và toàn diện. Các giả thuyết cho rằng tự kỷ có nguyên nhân từ các yếu tố sinh học, môi trường hoặc cả hai

  • Do di truyền: Trên thực tế, nếu trong gia đình họ hàng có người bị tự kỷ hoặc một số bệnh lý Tâm thần khác thì có khả năng di truyền cho con cháu đời sau. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu chưa tìm ra được đầy đủ và chính xác các gen hay tổ hợp gen nào gây ra bệnh này.
  • Người mẹ mắc virus Rubella trong thời kỳ Mang thai làm cho Não của thai nhi kém phát triển, gây ra bệnh tự kỷ.
  • Một số bệnh lý tuyến giáp gây thiếu hụt tyroxin của người mẹ trong kỳ thai nghén cũng được cho là nguyên nhân sản sinh ra những thay đổi trong não thai nhi, dẫn tới tự kỷ.
  • Bệnh đái tháo đường của mẹ trong suốt thời kỳ thai nghén làm tăng gấp đôi nguy cơ tự kỷ ở trẻ.
  • Một số loại thuốc sử dụng trong khi Mang thai như thuốc an thần, Acid Valproic, thuốc điều trị dạ dày, Viêm khớp cũng được cho là yếu tố nguy cơ gây nên tự kỷ ở trẻ.
  • Môi trường tiếp xúc với các chất độc hại như thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ tiếp xúc liên tục với nồng độ cao cũng gây ra những bất thường về gen, dễ phát sinh những đột biến gen có ảnh hưởng đến các bà mẹ mang thai.
  • Nếu thai phụ trong thời kỳ mang thai phải chịu căng thẳng, mệt mỏi, hoặc stress, thì cũng sẽ có nguy cơ cao trẻ sinh ra bị mắc tự kỷ.

2.2 Biểu hiện của bệnh tự kỷ ở người lớn

Cách giao tiếp người tự kỷ trưởng thành sẽ gặp phải những vấn đề về ngôn ngữ, cử chỉ và cách biểu lộ cảm xúc trong quá trình giao tiếp. Nét mặt thiếu biểu cảm, tư thế cơ thể không tự nhiên rập khuôn và lặp đi lặp lại việc sử dụng ngôn ngữ. Họ thường lặp lại hơn một lần một từ hoặc cụm từ mà họ đã nghe nói trước đây. Họ sống cô lập và không có xu hướng kết bạn hay nói chuyện, chia sẻ với bất cứ ai, kể cả những người cùng trang lứa hay người thân trong gia đình. Khó khăn trong việc quan tâm, chia sẻ. Họ không thể thấu hiểu cảm xúc của người khác, thiếu sự đồng cảm.

  • Trong hành vi hàng ngày

Người bị bệnh tự kỷ thường tập trung và sử dụng đúng một vật dụng nào đó có thể là quen thuộc hoặc có ấn tượng mạnh chẳng hạn như bánh xe trên một chiếc xe, thay vì toàn bộ. Hành động giữ khư khư đồ vật và không cho người khác động vào là một trong những dấu hiệu của bệnh tự kỷ ở người lớn. Họ thường tập trung vào một chủ thể nhất định và bỏ qua những ý kiến hay hành động của người khác ví dụ như bị cuốn hút bởi trò chơi điện tử, kinh doanh thẻ, hoặc tấm giấy phép, quan tâm tìm hiểu những chủ để không thực tế... Hành vi mang tính rập khuôn máy móc. Một số người bệnh có hành vi hung tính, tăng động, không kiềm chế cảm xúc, dễ bùng nổ bột phát.

  • Cách làm việc

Nếu còn đang đi học, người tự kỷ gặp khó khăn trong học tập, tiếp thu chậm, kết quả học tập sa sút và thường có xu hướng cách ly với bạn bè. Nếu bệnh nhân đã đi làm thì thường xuyên không hoàn tốt nhiệm vụ được giao, công việc tiến hành theo kiểu rập khuôn. Thường làm phật lòng người khác vì người bị bệnh tự kỷ gặp khó khăn trong việc nghe và tiếp thu, hiểu hết ý trong câu nói của người khác.

Giúp người tự kỷ trưởng thành hòa nhập cuộc sống như thế nào? - ảnh 2
Biểu hiện của bệnh tự kỷ ở người lớn

2.3 Phương pháp can thiệp người tự kỷ trưởng thành

Tự kỷ là một rối loạn tồn tại hầu như suốt đời và rất khó điều trị, kể cả được phát hiện bệnh sớm, ở trường hợp người lớn bệnh càng khó điều trị hơn rất nhiều. Người nhà bệnh nhân có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị.

  • Can thiệp tâm lý

Để có thể cải thiện được những vấn đề về ngôn ngữ, giao tiếp và cả khả năng hành động độc lập thì những người tự kỷ trưởng thành phải được can thiệp tâm lý tích cực và từ rất sớm (với trẻ em thời lượng từ 20-25 giờ/tuần). Tuy nhiên đối với người tự kỷ trưởng thành việc can thiệp hành vi nhằm xây dựng các thói quen tốt, biết cách tự kiểm soát hành vi cảm xúc để thích ứng với môi trường xung quanh, biết cách bảo vệ bản thân tránh khỏi nguy hiểm và phát triển các hành vi thích ứng phù hợp. Trong quá trình can thiệp tâm lý các nhà chuyên môn sẽ đánh giá các điểm mạnh hoặc điểm yếu của người bệnh để định hướng một nghề nghiệp phù hợp với khả năng.

Giúp người tự kỷ trưởng thành hòa nhập cuộc sống như thế nào? - ảnh 3
Để người tự kỷ được làm việc hòa nhập với cộng đồng
  • Để người tự kỷ được làm việc hòa nhập với cộng đồng

Nếu người lớn ở dạng tự kỷ nhẹ vẫn có thể làm một số việc tùy theo khả năng. Người nhà nên để người bệnh được can thiệp tâm lý, tìm ra điểm mạnh của người bệnh và để họ được làm việc. Làm như vậy sẽ giúp họ gần gũi với cộng đồng và tăng khả năng tư duy, vận động và không bị cô lập với xã hội.

  • Quan tâm nhiều hơn đến người bị tự kỷ

Đối với những người bị tự kỷ họ cần được sự quan tâm từ gia đình và xã hội nhiều hơn, người thân nên thường xuyên nói chuyện, hướng dẫn kiên trì, luôn động viên khuyến khích hành vi tốt, tạo điều kiện cho họ tương tác với mọi người, đưa đi chơi, hòa nhập với thiên nhiên, đi bộ , thể dục... Nên hạn chế để người tự kỷ xem ti vi hay thu mình một chỗ.

Tùy theo năng khiếu của từng người tự kỷ trưởng thành, những nghề dưới đây có thể phù hợp cho người tự kỷ trưởng thành với điều kiện có người giám sát bên cạnh như

Nghệ thuật, âm nhạc, hội họa, vi tính, toán học, làm công việc nhà... Về sở thích thư giãn, người tự kỷ thích âm nhạc, bơi lội, cắm trại, chơi lắp ráp, cờ vua, cờ tướng...