Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Làm gì nếu trẻ sơ sinh xét nghiệm âm tính với virus viêm gan B sau 2 liều vắc - xin h

14/10/2021
Làm gì nếu trẻ sơ sinh xét nghiệm âm tính với virus viêm gan B sau 2 liều vắc - xin h

Xét nghiệm virus viêm gan B sau khi sử dụng vắc - xin không được thực hiện thường quy trừ một số tình huống khuyến cáo. Vậy với trường hợp đặc biệt sau khi trẻ đã thực hiện hoàn chỉnh 2 liệu trình vắc - xin mà xét nghiệm âm tính với virus viêm gan B thì xử trí tiếp theo như thế nào?

1. Trường hợp nào trẻ cần phải sử dụng đến 2 liệu trình vắc - xin phòng virus Viêm gan B hoàn chỉnh?

Theo khuyến cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (Centers for Disease Control and Prevention - CDC) Hoa Kỳ, xét nghiệm Huyết thanh về miễn dịch không cần được thực hiện thường quy sau khi sử dụng vắc - xin phòng virus viêm gan B.

Có một số đối tượng nên được thực hiện xét nghiệm sau khi hoàn thành một liệu trình vắc - xin hoàn chỉnh (3 liều), bao gồm trẻ sinh ra có mẹ HBsAg dương tính và trẻ sinh ra mà không thể xác định tình trạng HBsAg của mẹ; Xét nghiệm cần làm gồm cả HBsAg và nồng độ anti - HBs, và được thực hiện khi trẻ được 9 tới 12 tháng tuổi (hoặc sau khi sử dụng liều vắc - xin cuối từ 1 tới 2 tháng nếu việc sử dụng vắc - xin không được thực hiện đúng lịch vì một lý do nào đó).

Xét nghiệm không nên thực hiện trước khi trẻ được 9 tháng tuổi, bởi những trẻ này khi sinh ra đã được sử dụng kháng thể miễn dịch đặc hiệu kháng virus Viêm gan B (hepatitis B immune Globulin - HBIG), những kháng thể này có thể tồn tại từ 6 tới 8 tháng, khiến kết quả có khả năng bị sai lệch. Xét nghiệm cũng không nên được thực hiện trong vòng 1 tháng kể từ khi sử dụng vắc - xin, bởi lúc này trẻ đang trong giai đoạn chuyển tiếp, kết quả dương tính giả có thể xảy ra.

Trường hợp xét nghiệm nồng độ anti - HBs cho kết quả dưới 10 mIU/mL thì cần tiếp tục sử dụng vắc - xin phòng virus viêm gan B:

  • Thông thường một liệu trình hoàn chỉnh gồm 3 liều vắc - xin phòng virus viêm gan B cho trẻ sẽ được lặp lại một lần nữa. Sau khi hoàn thành liều cuối cùng của liệu trình thứ hai từ 1 tới 2 tháng sẽ tiến hành xét nghiệm Huyết thanh về miễn dịch.
  • Hoặc có thể thực hiện theo phương án sử dụng thêm 1 liều vắc - xin, xét nghiệm lại sau khi dùng từ 1 tới 2 tháng. Nếu nồng độ anti - HBs vẫn dưới 10 mIU/mL thì tiếp tục sử dụng thêm 2 liều vắc - xin nữa, và xét nghiệm lại sau từ 1 tới 2 tháng kể từ liều vắc - xin cuối (tuy nhiên phương án này ít thực tế hơn phương án đầu).
Làm gì nếu trẻ sơ sinh xét nghiệm âm tính với virus viêm gan B sau 2 liều vắc - xin h - ảnh 1
Cần tiếp tục sử dụng vắc - xin phòng virus viêm gan B theo kết quả xét nghiệm nồng độ anti - HBs

2. Các kết quả xét nghiệm huyết thanh về miễn dịch có thể xảy ra sau khi hoàn thành 2 liệu trình vắc - xin phòng virus viêm gan B

Xét nghiệm được thực hiện sau khi hoàn thành liều cuối cùng của liệu trình thứ hai từ 1 tới 2 tháng, và có thể xảy ra các tình huống sau:

  • Nồng độ anti - HBs đạt từ 10 mIU/mL trở lên nghĩa là đã đạt nồng độ kháng thể có ý nghĩa bảo vệ (cơ thể đã có đáp ứng miễn dịch đầy đủ).
  • Nếu nồng độ anti - HBs vẫn thấp dưới 10 mIU/mL, kết quả HBsAg sẽ cần được xem xét:

Xét nghiệm HBsAg dương tính thì trẻ cần có kế hoạch theo dõi tiếp theo thích hợp, và những người xung quanh trẻ nên được sử dụng vắc - xin phòng virus viêm gan B.

Xét nghiệm HBsAg âm tính thì trẻ thuộc đối tượng dễ bị lây nhiễm bởi virus viêm gan B. Cha mẹ trẻ sẽ được tư vấn về cách phòng tránh virus viêm gan B cho trẻ, đồng thời sẽ được giải thích về sự cần thiết sử dụng phương pháp dự phòng bằng kháng thể miễn dịch đặc hiệu kháng virus viêm gan B cho trẻ trong tình huống sau khi phơi nhiễm xảy ra.

3. Liệu trình vắc - xin phòng virus viêm gan B thứ ba có nên sử dụng nếu sau hai liệu trình hoàn chỉnh trẻ vẫn chưa có đáp ứng miễn dịch đạt yêu cầu?

Các dữ liệu nghiên cứu hiện nay không gợi ý về việc đạt được bất kỳ lợi ích nào nếu sử dụng thêm liều vắc - xin phòng virus viêm gan B trên những trẻ đã thực hiện hoàn chỉnh 2 liệu trình vắc - xin mà không có được nồng độ anti - HBs có ý nghĩa bảo vệ (từ 10 mIU/mL trở lên). Như đã đề cập phía trên, những trẻ này cần được xét tới kết quả HBsAg, nếu HBsAg dương tính thì trẻ nên được theo dõi thích hợp sau này đồng thời sử dụng vắc - xin cho những người xung quanh trẻ, còn HBsAg âm tính thì trẻ thuộc đối tượng dễ bị lây nhiễm bởi virus viêm gan B và cần có biện pháp phòng tránh cũng như cần được dự phòng miễn dịch nếu xảy ra tình huống phơi nhiễm.

Hiện nay, tiêm Vắc-xin viêm gan B là cách dự phòng viêm gan B hiệu quả nhất, thúc đẩy hệ miễn dịch cơ thể chiến đấu với virus ngay cả khi đã phơi nhiễm.

Bài viết tham khảo nguồn: immunize.org