Làm sao để giảm đau lưng khi mang thai?

Đau lưng khi mang thai là tình trạng thường gặp, phổ biến ở mẹ bầu trong các giai đoạn của thai kỳ. Thông thường vùng đau nhất khi mang thai là vùng thắt lưng và vùng xương chậu. Chúng gây ra cho các mẹ bầu cảm giác mệt mỏi và khó chịu. Vậy làm sao để giảm đau lưng khi mang thai?
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Nguyên nhân đau lưng khi mang thai

Nguyên nhân gây nên tình trạng đau lưng khi Mang thai có khá nhiều. Trong đó phổ biến nhất là do cơ lưng bị căng ra quá mức, phần cơ bụng dần yếu đi theo các giai đoạn phát triển của thai Nhi và do sự thay đổi hormone khi mang thai.

  • Thay đổi hormon

Trong thời gian mang thai, cơ thể người mẹ sẽ tiết ra hormon relaxin có tác dụng giúp khung chậu giãn nở để chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Vùng chậu bao gồm các cơ, dây chằng vùng lưng dưới. Các cơ, dây chằng này không đủ mạnh để đảm bảo sự giãn nở dẫn đến căng cơ, căng dây chằng và gây đau. Khung chậu giãn nở làm giảm sự liên kết của cho các khớp xương thiếu đi sự liên kết, lỏng lẻo dẫn đến tình trạng đau.

  • Tăng cân

Sự phát triển của thai nhi và cân nặng của thai phụ ngày càng tăng khiến cho cột sống, khung xương chậu phải gánh sức nặng này khiến mẹ bầu bị đau lưng.

  • Thay đổi tư thế

Trong thời kỳ mang thai, tử cung lớn dần cùng với thai nhi làm cho cột sống thắt lưng phải cong về phía trước nhiều hơn, trọng tâm của cơ thể thay đổi. Để giữ thăng bằng trong quá trình di chuyển, mẹ bầu thường ngả về phía sau khiến phần lưng bị cong, gây đau nhức.

Ngoài ra, các mẹ bầu thích ngồi bệt, cố định gót chân xuống sàn nhà, chống hai tay ra phía đằng sau để giữ trọng lượng cơ thể khiến lưng chịu áp lực lớn. Nhiều người có thói quen chống tay vào lưng khi đứng lên, ngồi xuống hoặc khi di chuyển cũng khiến vùng lưng bị tổn thương.

  • Căng thẳng

Khiến các cơ trong cơ thể không có cơ hội thư giãn, hồi phục và luôn trong tình trạng căng cứng, lâu dần cơ sẽ mệt và lại căng hơn gây đau lưng.

  • Các cơ vùng bụng yếu đi

Các cơ vùng bụng có vai trò chịu sức ép từ cơ thể khi các mẹ nằm sấp và co giãn linh hoạt khi các mẹ gập người lại. Tuy nhiên, trong quá trình mang thai, các cơ này yếu ớt và bị kéo giãn quá cỡ do sự lớn dần của thai nhi khiến cho vùng cơ lưng bị chèn ép, gây đau đớn cho các mẹ bầu.

  • Vị trí của thai nhi

Vào cuối thai kỳ, thai nhi đạt đến cân nặng tối đa để chuẩn bị chào đời khiến những cơ đau lưng tăng lên. Và nếu bé nằm trong bụng với vị trí lưng của bé ngược lại lưng của mẹ thì nó sẽ gây sức ép lên vùng xương lưng của người mẹ.

  • Động thai

Ra huyết nâu hay đỏ tươi, tiết dịch âm đạo bất thường, đau bụng và đau mỏi vùng thắt lưng là những triệu chứng của động thai. Vậy nên nếu mẹ bị đau lưng kèm theo những triệu chứng trên thì hãy đi khám bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Đau lưng có liên quan đến chứng đau thần kinh tọa: Xuất hiện những cơn đau nhói ở phía mông và phía sau một bên chân có thể do các dây chằng ở vùng lưng và cả xương chậu của mẹ bầu đã bị giảm chức năng.

2. Phương pháp giúp phụ nữ giảm đau lưng khi mang thai

Tình trạng đau lưng kéo dài sẽ gây nên những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe các bà bầu. Để đảm bảo cho chị em phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ luôn cảm thấy thoải mái, vui vẻ thì việc giải quyết các vấn đề như đau lưng là rất cần thiết.

2.1. Thay đổi vật dụng sinh hoạt

Một trong những điều đầu tiên cần chú ý trong thời kỳ mang thai của các mẹ bầu chính là các đồ dùng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày như giày, dép, quần áo, đệm nằm ngủ,... Nếu bạn xuất hiện triệu chứng đau lưng khi mang bầu thì việc lựa chọn cho mình những đôi dép có đế phù hợp là điều rất cần thiết. Phần đế dép hơi dày một chút sẽ giúp cho mẹ bầu di chuyển dễ dàng và cảm thấy thoải mái hơn.

Bên cạnh đó, phần nệm nằm chắc chắn, êm ái, có độ đàn hồi tốt sẽ giúp cho mẹ bầu cảm thấy dễ chịu và chìm vào giấc ngủ nhanh hơn. Ngoài ra, bạn cũng có thể chuẩn bị thêm cho mẹ bầu một chiếc ghế ngồi có phần dựa lưng uốn cong. Hoặc có thể trang bị thêm cho chiếc ghế ngồi thông thường một chiếc gối mềm mại. Như vậy khi ngồi xuống mẹ bầu dễ tìm được dáng ngồi thoải mái, không còn cảm giác bị đau lưng. Hơn nữa, quá trình đứng dậy cũng đơn giản hơn rất nhiều.

2.2. Không nên cúi gập người quá mạnh

Khi thai nhi dần lớn lên thì các hoạt động của người mẹ sẽ trở nên khó khăn và bất tiện hơn rất nhiều. Đặc biệt là trong trường hợp cần phải cúi nhặt bất kỳ một vật gì đó từ dưới mặt đất lên. Trong trường hợp như vậy, mẹ bầu cần từ từ ngồi xuống, giữ thẳng cột sống lưng và nhặt đồ vật lên. Như vậy sẽ giúp hạn chế tối đa việc gây ra đau lưng.

2.3. Tập thể dục đều đặn

Các triệu chứng đau lưng khi mang thai sẽ ngày càng tăng lên vào giai đoạn cuối của thai kỳ. Việc tập thể dục thường xuyên và lựa chọn những bài tập phù hợp với tình trạng của mình sẽ giúp mẹ bầu tăng cường sức khỏe hiệu quả. Những bài tập tăng cường độ chắc chắn và dẻo dai cho phần eo sẽ góp phần cải thiện tình trạng đau lưng. Bên cạnh đó còn giúp mẹ bầu dễ dàng hơn trong quá trình sinh nở.

2.4. Tạo tư thế ngủ thoải mái

Khi bị đau lưng, mẹ bầu sẽ có thói quen lười vận động và di chuyển. Bởi vậy thời gian nằm nghỉ ngơi sẽ dần tăng lên. Tạo cho mình một tư thế ngủ thoải mái cũng là một trong những phương pháp giúp giảm tình trạng đau lưng khi mang thai.

3. Khi nào thì Mẹ bầu nên đi khám bác sĩ?

Nếu mẹ bầu thấy các triệu chứng sau thì nên đi khám bác sĩ:

  • Đau lưng liên tục không thể giảm đau.
  • Đau ngày càng tăng làm bạn hết sức căng thẳng.
  • Đau lưng kèm các triệu chứng khác như sốt, chảy máu âm đạo hoặc cảm giác bạn sẽ sinh sớm.
  • Cảm giác đau buốt hay rát khi đi tiểu.
  • Phải dùng thuốc giảm đau thường xuyên hoặc thuốc giảm đau cũng không làm bạn dễ chịu được.

4. Một số bài tập giúp cải thiện đau lưng cho bà bầu

Bài tập 1:
  • Mẹ bầu ở tư thế đứng thẳng lưng, chân mở rộng ngang vai, đầu gối cong nhẹ, 2 tay chống lên đùi.
  • Giữ nguyên tư thế đồng thời hít sâu.
  • Lặp lại động tác 4 lần.
Làm sao để giảm đau lưng khi mang thai? - ảnh 1
 
Bài tập 2:
  • Mẹ bầu trong tư thế đứng, 1 chân bước lên phía trước, tay đỡ sau lưng.
  • Hít vào thở ra đều đặn.
  • Đổi chân. Lặp lại động tác mỗi chân 4 lần.
Làm sao để giảm đau lưng khi mang thai? - ảnh 2
 
Bài tập 3:
  • Mẹ bầu nằm nghiêng 1 bên, tay dưới hướng lên phía trên, lòng bàn tay mở ra.
  • Hít sâu, đồng thời đưa chân phía trên và tay dưới lên cao.
  • Thở ra, hạ tay và chân xuống.
  • Lặp lại động tác tương tự với bên còn lại. Mỗi bên khoảng 4-6 lần.
Làm sao để giảm đau lưng khi mang thai? - ảnh 3
 
Bài tập 4:
  • Mẹ bầu ngồi thẳng lưng, khoanh 2 chân sao cho 2 lòng bàn chân chạm vào nhau.
  • Đặt 2 bàn tay nhẹ nhàng lên 2 đầu gối
  • Nâng 2 đầu gối lên rồi đặt 2 đầu gối xuống sàn sao cho lưng thẳng.
  • Giữ từng tư thế khoảng 30 giây.
Làm sao để giảm đau lưng khi mang thai? - ảnh 4

Thai phụ thường bị đau lưng nhiều ở 3 tháng cuối thai kỳ. Đây cũng là giai đoạn nảy sinh nhiều vấn đề sức khỏe khác nên sức khỏe của cả mẹ và bé cần được theo dõi, kiểm tra chặt chẽ. Thai phụ cần:

  • Nắm rõ dấu hiệu chuyển dạ thực sự để đến bệnh viện kịp thời, ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.
  • Phân biệt rỉ ối và chảy dịch âm đạo để xử lý kịp thời, tránh gây sinh non, suy thai, thai chết lưu.
  • Đặc biệt cẩn trọng khi xuất hiện Chảy máu trong 3 tháng cuối thai kỳ cần được cấp cứu khẩn cấp để đảm bảo tính mạng cho cả mẹ và bé.
  • Theo dõi lượng nước ối thường xuyên, liên tục.
  • Theo dõi cân nặng của thai nhi 3 tháng cuối để đánh giá sự phát triển của bé và tiên lượng các nguy cơ có thể xảy ra khi sinh.
  • Nhóm theo dõi đặc biệt như nhau tiền đạo, thai nhi chậm phát triển cần được bác sĩ theo dõi sát sao và có chỉ định phù hợp.
  • Phân biệt cơn gò sinh lý, gò chuyển dạ và thai máy để đến bệnh viện kịp thời.

 

Như vậy, trên đây là những thông tin về tình trạng đau lưng khi mang thai của các mẹ bầu. Mặc dù đây là tình trạng xuất hiện phổ biến khi phụ nữ mang thai nhưng chỉ cần nắm rõ các phương pháp giảm đau lưng trong giai đoạn thai kỳ thì vấn đề sẽ được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả hơn. Từ đó tạo nên cảm giác thoải mái cho các mẹ bầu trong suốt quá trình mang bầu và sẵn sàng chào đón thiên thần mới.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung